Hội nghị HLB Quốc tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương ngày đầu tiên 28/7

Hội nghị HLB Quốc tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương ngày đầu tiên 28/7

Việt Nam tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, nhưng...

(ĐTCK) Trong con mắt của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam là một quốc gia tiềm năng và quan trọng.

Đó là chia sẻ của ông Robert Gerard Tautges, Tổng giám đốc HLB International tại Hội nghị với chủ đề “Đầu tư xuyên quốc gia: Thách thức và triển vọng” diễn ra từ ngày 28 - 30/7.

Hội nghị đã thu hút đại diện của hơn 20 hãng thành viên thuộc tổ chức HLB quốc tế đến từ 19 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ quan điểm rằng, Việt Nam tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn trong khu vực.

Thảo luận về tình hình kinh tế thế giới 5 năm qua, thông tin nổi bật mà các đại biểu chia sẻ là tăng trưởng kinh tế thế giới hồi phục khó khăn hơn dự kiến.

Cụ thể, số liệu của Tổ chức Tài chính quốc tế (IMF) cho thấy, năm 2010, tăng tưởng kinh tế thế giới đạt 5,2%; từ 2011-2015 lần lượt là 3,9%; 3,2%; 3,4% và 3,1%. Triển vọng kinh tế năm 2016-2017 là yếu và không ổn định, điều này thể hiện qua việc các tổ chức quốc tế liên tục thay đổi dự báo và đưa các các con số bất định.

Những thách thức nổi lên chủ yếu do suy giảm ở các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, tăng trưởng kinh tế thế giới hiện đang dưới tiềm năng. Những hệ quả của việc các nước thúc đẩy kinh tế chủ yếu do chính sách đổ tiền, can thiệp thẳng vào thị trường mà không chú trọng đến cải thiện hạ tầng, hoạt động và năng lực của các tổ chức tài chính.

TS. Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, triển vọng của kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều rủi ro cao, khiến các nhà đầu tư và người tiêu dùng đều thận trọng. Những cú sốc về giá dầu và các loại hàng hóa khác chưa có dấu hiệu qua đi. Đặc biệt cần lưu ý là Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đang tiến hành thắt chặt tiền tệ. Điều này sẽ ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ của các nước, đồng thời quan ngại về tác động của Brexit tới kinh tế toàn cầu.

Xu hướng đầu tư trên thế giới cũng sẽ chịu ảnh hưởng của các yếu tố như sự cân bằng giữa các ngành kinh tế tạo ra sản phẩm thực và ngành phi vật chất, sự hội nhập của các nền kinh tế, đòi hỏi về sáng tạo và đặc biệt là phát triển bền vững.

Các nhà đầu tư và doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến tác động, ảnh hưởng lên GDP của Asean ++ FTA - RCEP (xem bảng), ảnh hưởng của TPP, EVFTA và RCEP (xem bảng).

Việt Nam tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, nhưng... ảnh 1

Nhận định về triển vọng đầu tư giữa các nước trong khu vực và Việt Nam, ông Robert Gerard Tautges, Tổng giám đốc HLB International cho rằng, không có giới hạn. Trong con mắt của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam là một quốc gia tiềm năng và quan trọng. Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, phong phú và rất nhiều tiềm năng khác mà các quốc gia đang tìm kiếm.

Ông Terry Blenkipsop, đại diện cho nhà đầu tư đến từ Australia chia sẻ rằng, ông đến với Hội nghị và Việt Nam lần này nhằm tìm hiểu những ưu đãi mà Việt Nam dành cho các khách hàng, là những nhà đầu tư nước ngoài mà họ đang cung cấp dịch vụ.

“Chúng tôi thường xuyên được nghe các thông tin về thị trường Việt Nam. Những điều này rất thu hút đối với khách hàng của chúng tôi trong việc tìm kiếm những cơ hội phát triển kinh doanh. Những tiềm năng mà chúng tôi nhìn thấy ở Việt Nam, đó là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất của khu vực”, ông Terry nhận xét.

Giải đáp lý do các nhà đầu tư quan tâm đến Việt Nam thời điểm này, ông Võ Trí Thành cho biết, đó là tư duy cải cách đang khá mạnh mẽ, với kỳ vọng ở các nhà lãnh đạo mới, hệ thống giáo dục được quan tâm chú trọng hơn, môi trường đầu tư kinh doanh dần được cải thiện mạnh mẽ. Song thách thức cạnh tranh với Việt Nam còn rất lớn, vì nhìn vào ASEAN +3 gồm Thailand, Malaysia và Singapore, vẫn có thể thấy những vấn đề mà Việt Nam phải cải thiện, nhằm giảm thiểu chi phí khi nhà đầu tư xin giấy phép hay một số cải cách còn khá chậm chạp khác.

Bà Winnie Wong, đến từ Canada cũng nhắc đến những vấn đề còn gây bất lợi của Việt Nam như cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao như tại vị trí như tổng giám đốc hay quản lý cấp trung…

HLB Quốc tế là mạng lưới quốc tế các hãng kiểm toán và tư vấn quản trị chuyên nghiệp, với khoảng 21.000 nhân viên thuộc 600 văn phòng tại hơn 130 quốc gia trên thế giới. Hội nghị HLB Quốc tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương là hội nghị thường niên do mạng lưới HLB quốc tế chủ trì. Năm 2016, Hãng kiểm toán AASC đăng cai tổ chức sự kiện.

Theo đánh giá của ông Robert Gerard Tautges, Tổng giám đốc HLB International, AASC là một hãng thành viên lý tưởng mà HLB tìm kiếm, với vị thế là một hãng kiểm toán uy tín, có trách nhiệm để hỗ trợ khách hàng thiết lập việc kinh doanh tại Việt Nam, giúp giải đáp nhiều vấn đề về thuế, thủ tục hành chính…

Tin bài liên quan