Dẫn báo cáo về thực hiện Quyết định số 45/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của các cửa khẩu biên giới đất liền, Bộ Tài chính khẳng định:
Việt Nam hiện có khoảng 24 cửa khẩu quốc tế 25 cửa khẩu song phương, 68 cửa khẩu phụ, 57 lối mở biên giới và 295 chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu phục vụ cho hoạt động thương mại biên giới.
Trong 3 nước láng giềng có chung đường biên giới và có quan hệ thương mại biên giới, xuất nhập khẩu, Trung Quốc đang là đối tác lớn nhất của Việt Nam.
Về tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và Việt Nam từ năm 2013 đến hết quý I/2018 là 362 tỷ USD, trong đó nhập khẩu hàng từ Trung Quốc về Việt Nam là hơn 250 tỷ USD bằng gần 70% tổng kim ngạch.
Xuất khẩu của Việt Nam sang sang Trung Quốc giai đoạn trên là 100 tỷ USD, chỉ chiếm 29% kim ngạch song phương hai nước. Nhập khẩu hàng Trung Quốc vào Việt Nam cùng thời gian trên là 250 tỷ USD, gấp 200% kim ngạch xuất khẩu.
Như vậy, qua gần 6 năm, quan hệ thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đã mất cân xứng, Việt Nam thâm hụt thương mại nặng nề với Trung Quốc khoảng 150 tỷ USD, bình quân khoảng 25 tỷ USD/năm.
Năm 2013, Việt Nam thâm hụt thương mại với Trung Quốc hơn 23 tỷ USD; năm 2014 là gần 29 tỷ USD; năm 2015 là hơn 33 tỷ USD; năm 2016 là hơn 28 tỷ USD và năm 2017 có giảm xuống còn hơn 22,7 tỷ USD.
Theo Bộ Tài chính, cơ cấu hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Việt nam chủ yếu là máy móc, thiết bị linh kiện, điện, phân bón, than, nguyên liệu thuốc lá, trái cây tươi...
Trong khi đó, Việt Nam xuất chủ yếu sang Trung Quốc các sản phẩm giá trị thấp như cao su, nông sản, sắn lát, gạo, trái cây và gỗ...