Tham dự về phía Đức và Liên minh châu Âu (EU) có Giám đốc hợp tác quốc tế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp (IHK) Frankfurt, tiến sỹ Jürgen Ratzinger, Giám đốc điều hành Hội đồng thương mại EU-ASEAN Chris Humphrey, cùng khoảng 200 đại diện doanh nghiệp, tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư của Đức và một số quốc gia châu Âu.
Sau phần trình bày tổng quan về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) của một số học giả khách mời, Hội thảo đã tiến hành phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề “AEC - Sự chuyển đổi môi trường đầu tư” với sự tham dự của Đại sứ ba nước Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu nhấn mạnh quyết tâm của các nước ASEAN khắc phục sự khác biệt về trình độ phát triển, hệ thống chính trị và văn hóa nhằm triển khai có hiệu quả các nội dung của AEC và những thay đổi theo chiều hướng tích cực của môi trường đầu tư tại các nước ASEAN, đặc biệt về hành lang pháp lý, do sự hình thành của AEC mang lại. Những thay đổi này đang tạo ra những cơ hội hết sức thuận lợi cho các nhà đầu tư EU nói chung và Đức nói riêng trên rất nhiều lĩnh vực.
Các đại biểu cũng khẳng định các cơ quan chức năng của Việt Nam, Thái Lan và Malaysia sẵn sàng lắng nghe những quan tâm, khúc mắc của các doanh nghiệp châu Âu và cùng họ trao đổi, tìm hướng giải quyết.
Đại sứ Đoàn Xuân Hưng đã nêu bật quyết tâm đẩy mạnh hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập ASEAN của Việt Nam. Đại sứ khẳng định là một thành viên nghiêm túc, có trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam đang tích cực thực hiện lộ trình và đáp ứng các tiêu chuẩn của AEC, đặc biệt về hoàn thiện hành lang pháp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính…
Cùng với việc triển khai một loạt các thỏa thuận tự do thương mại thế hệ mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định tự do thương mại Việt Nam-EU (EVFTA), Việt Nam đang có nhiều ưu thế cạnh tranh, nhất là về thị trường.
Đại sứ khẳng định là một quốc gia đang phát triển mạnh mẽ, Việt Nam có nhu cầu lớn về vốn, khoa học và công nghệ từ Đức và các nước châu Âu, do đó, Việt Nam luôn hoan nghênh và sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Đức đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: Mạnh Hùng/Vietnam+)
Trao đổi về các biện pháp xúc tiến đầu tư tại phiên thảo luận thứ hai, Tham tán Công sứ Nguyễn Hữu Tráng nêu bật sự tin cậy chính trị và mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Đức thời gian qua.
Ông cũng nhấn mạnh lợi thế so sánh của Việt Nam về cơ cấu “dân số vàng” với lực lượng lao động trẻ, năng động, ham học hỏi, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư Đức, đặc biệt, cộng đồng 100.000 người Việt nói tiếng Đức tại Việt Nam và 125.000 người Việt định cư tại Đức cũng là một lợi thế so sánh quan trọng của Việt Nam, là nguồn tài nguyên quý giá có thể đóng vai trò cầu nối giúp thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư song phương.
Nhân dịp này, ông cũng đánh giá cao những đóng góp tích cực của các tập đoàn lớn của Đức như Mercedes Benz, Siemens, Bosch… vào thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam trong 30 năm đổi mới vừa qua, đồng thời tỏ vui mừng trước sự quan tâm ngày càng tăng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức vào thị trường Việt Nam.
Ông khẳng định ngoài việc tổ chức, tham gia các sự kiện xúc tiến đầu tư, Ban Công tác kinh tế Đại sứ quán sẽ tăng cường tiếp cận, sẵn sàng lắng nghe, cùng các doanh nghiệp Đức trao đổi, tìm hướng giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
Phiên thảo luận thứ ba diễn ra khá sôi nổi với có sự tham gia của đại diện ba doanh nghiệp Đức đang triển khai khá thành công các dự án đầu tư tại ASEAN gồm Schmidt+Clemens (công nghiệp dầu khí), BMW (ôtô) và B. Braun (thiết bị y tế).
Phó Chủ tịch B. Braun Jürgen Stihl đã chia sẻ kinh nghiệm đầu tư vào thị trường Việt Nam, đặc biệt trong việc đào tạo nguồn nhân lực.
Ông cho biết tập đoàn B. Braun có mặt ở Việt Nam từ những năm 90, đến nay có hơn 1.000 công nhân và đang triển khai một đợt đầu tư mới trị giá 100 triệu USD. Đây không chỉ là một minh chứng tiêu biểu cho sự tin tưởng của doanh nghiệp vào triển vọng của thị trường Việt Nam, mà còn cho thấy cơ hội thành công của doanh nghiệp Đức và EU khi đầu tư vào thị trường này.
Sau Hội thảo trên, theo kế hoạch vào cuối tháng 6/2016, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức sẽ tổ chức Hội thảo với sự tham dự của các nhà quản lý và doanh nghiệp Việt Nam, Đức về cơ hội, triển vọng và những biện pháp cụ thể cần triển khai nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế Việt Nam - Đức trong thời gian tới.