Việt Nam sẽ xuất siêu vào năm 2020?

Việt Nam sẽ xuất siêu vào năm 2020?

Thay vì đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu gấp đôi GDP trong 10 năm qua, xuất khẩu của Việt Nam “chỉ cần” tăng 12%/năm trong 10 năm tới song, phải cân bằng được cán cân thương mại và chuyển sang xuất siêu từ năm 2020 trở đi, TS Đinh Văn Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho biết.

Theo TS Đinh Văn Thành, đó là mục tiêu Việt Nam cần hướng tới trong chính sách phát triển thương mại bền vững giai đoạn 2011-2020.

Sáng 14/6, trình bày tạo hội thảo khoa học bàn về vấn đề kinh tế cấp bách này, TS Đinh Văn Thành nói: "Nếu trong suốt thời kỳ thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001-2010, chúng ta luôn đặt ra mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu gấp từ 2 lần tăng trưởng GDP trở lên, thì chiến lược 2011-2020 chỉ đặt ra mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 12%/năm, tức là chỉ bằng 1,5 lần tăng trưởng GDP. Với mục tiêu này và mục tiêu cân bằng xuất nhập khẩu vào năm 2020, việc cấp bách đầu tiên là phải tạo ra các đột phá để tái cấu trúc lại cơ cấu thị trường và hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong đó, tiêu chí chất lượng, hiệu quả, tính bền vững phải đặt lên vị trí hàng đầu."

Thứ trưởngThường trực Bộ Công Thương, ông Lê Danh Vĩnh thẳng thắn nhìn nhận: "Trong 10 năm qua, xuất khẩu đã đóng góp tỷ trọng lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế  song, vẫn chưa bền vững."

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, nhịp độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm của Việt Nam giai đoạn 2001-2010 ở mức cao, đạt 19%/năm. Quy mô xuất khẩu tăng từ 15 tỷ USD năm 2001 lên 72,19 tỷ năm 2010, tăng hơn 4,7 lần. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trên GDP tăng từ 46% năm 2001 lên 70% năm 2010.

Các mặt hàng xuất khẩu ngày càng phong phú và đa dạng. Nếu như năm 2004, Việt Nam chỉ có 6 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD thì đến hết năm 2010 đã có 18 nhóm hàng, trong đó có 10 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 8 nhóm hàng trên 2 tỷ USD. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt trên thị trường của 220 nước và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, thứ trưởng Vĩnh bày tỏ: "Giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam còn thấp, chính sách phát triển xuất khẩu thời gian qua quá chú trọng đến chỉ tiêu về số lượng, chưa thật sự quan tâm đến chất lượng và hiệu quả xuất khẩu. Bên cạnh đó, mở rộng xuất khẩu đang có nguy cơ làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường."

Trong khi đó, nhập khẩu của Việt Nam lại chú trọng nhập khẩu công nghệ trung gian, khuyến khích nhập khẩu hàng tiêu dùng xa xỉ, chưa có biện pháp dài hạn để kiềm chế nhập siêu.

Vị lãnh đạo ngành công thương này cũng trăn trở: "Tình trạng nhập khẩu hàng hóa không đảm bảo các quy định an toàn và môi trường còn khá phổ biến, nhất là nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Việc nhập khẩu thiết bị lạc hậu, thực phẩm kém chất lượng, hóa chất độc hại từ Trung Quốc và qua các cửa khẩu tiếp giáp với Lào và Campuchia  chưa được ngăn chặn. Quản lý nhập khẩu chưa tốt làm nảy sinh hiện tượng gian lận thương mại, làm trầm trọng thêm sự bất ổn định kinh tế và xã hội."

Tái cơ cấu xuất khẩu theo hướng bền vững

Những khiếm khuyết ấy là bắt nguồn từ việc hoạch định chính sách xuất, nhập khẩu thời kỳ 2001-2010 chưa "chuẩn", mà cụ thể là quá thiên về mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, thứ trưởng Vĩnh nói.

Cùng vì lẽ vậy, các nhà nghiên cứu chính sách của Việt Nam đều cho rằng, phát triển xuất khẩu là con đường để Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Song, mục tiêu của chiến lược phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là phải gắn với tính bền vững và góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Về tổng thể, thứ trưởng Lê Danh Vĩnh cho biết, có 6 định hướng xuất khẩu theo hướng bền vững do Bộ Công Thương dự kiến. Thứ nhất, xác định khâu đột phá là phát triển xuất khẩu các mặt hàng mới là các mặt hàng chế tạo công nghệ trung bình và công nghệ cao, phù hợp với xu hướng biến đổi của thị trường thế giới và lợi thế của Việt Nam.

Thứ hai, giai đoạn 2011-2015, Việt Nam tập trung phát triển xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế về điều kiện tự nhiên và lao động rẻ như thuỷ sản, nông sản, dệt may, điện tử, các sản phẩm chế tác công nghệ trung bình... Tuy nhiên cần chuẩn bị điều kiện để gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng chế biến.

Thứ ba, giai đoạn 2016-2020, Việt Nam tập trung phát triển các mặt hàng công nghiệp mới có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ và chất xám cao, trên cơ sở thu hút mạnh đầu tư trong nước và nước ngoài vào các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu, những ngành chế tạo công nghệ trung bình và công nghệ cao.

Thứ tư, Việt Nam cần chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng giảm xuất khẩu hàng thô, nông sản, thuỷ sản, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp, đặc biệt là hàng công nghiệp chế tạo như điện tử, viễn thông, vật liệu xây dựng, đồ gỗ...

Điểm thứ năm là không khuyến khích phát triển sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thu hút nhiều lao động rẻ, ô nhiễm môi trường, giá trị gia tăng thấp. Chú trọng phát triển các mặt hàng xuất khẩu thân thiện môi trường, hạn chế sử dụng năng lượng và tài nguyên.

Thứ sáu là tập trung phát triển thị trường cho các sản phẩm có sức cạnh tranh lớn, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch lớn. Trước hết là khai thác cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu và các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN... Khai thác các thị trường tiềm năng như Nga, Đông Âu, châu Phi và châu Mỹ La tinh.

Bên cạnh đó, với lĩnh vực nhập khẩu, Bộ Công Thương đưa ra 4 định hướng chủ đạo. Trong đó, điểm đầu tiên là Việt Nam vẫn phải cần khuyến khích nhập khẩu công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn, hạn chế nhập khẩu các loại hàng hóa đã sản xuất trong nước, nhập khẩu hàng xa xỉ, có chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu.

Đồng thời, Việt Nam cần áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước thông qua việc xây dựng các biện pháp phi thuế quan phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, các biện pháp tự vệ khẩn cấp, áp thuế chống bán phá giá, các tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động thực vật...

Định hướng cuối cùng khá quan trọng được nhấn mạnh là, ngăn chặn việc nhập lậu hàng từ các nước ASEAN và Trung Quốc, tranh thủ mở cửa thị trường trong các FTA mới để đa dạng hóa thị trường nhập khẩu và nhập khẩu công nghệ nguồn. Toàn bộ quan điểm chiến lược thương mại này muốn thành công, phải gắn với sự đổi mới tư duy và cuộc tái cấu trúc nền kinh tế hiện nay của Việt Nam.