Việt Nam sẽ sớm phục hồi nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Khả năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam được cải thiện tốt hơn trong những tháng cuối năm là tương đối khả quan, tạo động lực cho năm 2022 hoàn thành tốt mục tiêu kế hoạch tăng trưởng đề ra.

Quý III/2021, kinh tế tăng trưởng âm 6,17% - mức suy giảm GDP sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP từng quý đến nay. Mặc dù cho rằng, “không thể đạt được tốc độ tăng trưởng 6% trong năm nay”, nhưng ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) vẫn rất lạc quan về tương lai của nền kinh tế Việt Nam.

Ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê)

Ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê)

Ông có cho rằng, GDP quý III và 9 tháng đầu năm nay tăng trưởng thấp hơn dự kiến rất nhiều là do nhiều địa phương đặt nhiệm vụ chống dịch quá cao so với phát triển kinh tế. Nhiều quốc gia chấp nhận “sống chung với Covid-19”, vì vậy có cần thay đổi hình thức chống dịch để đạt được mục tiêu kép?

Trong 9 tháng năm 2021, mọi nguồn lực xã hội đã được tập trung chủ yếu cho công tác phòng chống, kiểm soát và xử lý hậu quả dịch bệnh, trong khi hầu như hoạt động kinh tế cầm chừng, chuỗi cung ứng và các mắt xích của nền kinh tế bị đứt gãy; ngân sách quốc gia, hệ thống y tế quá tải do áp lực công việc, áp lực tinh thần quá lớn. Không thể tiếp tục áp dụng chống dịch bị động theo kiểu chạy theo truy vết, khoanh vùng, phong tỏa, cách ly, bởi như vậy tất yếu sẽ dẫn đến bào mòn ý chí cũng như sức lực của nền kinh tế. Bản thân các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế cũng khá bị động, khả năng thích ứng kém khi triển khai sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh.

Do đó, cần thay đổi phương thức chống dịch theo hướng sống chung với dịch như kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Chính phủ đang có những thay đổi rõ rệt trong chính sách chống dịch, chuyển dần từ bị động, thủ công sang chủ động tấn công bằng phổ cập hóa vắc-xin đến đại bộ phận người dân, nhằm nhanh chóng tạo lập miễn dịch cộng đồng.

Trong quý III/2021, lần đầu tiên, kinh tế tăng trưởng âm và 9 tháng đầu năm chỉ tăng 1,42%. Đây không chỉ là mức thấp rất xa so với các kịch bản xấu nhất, mà còn nằm ngoài dự báo của các định chế tài chính thế giới, thưa ông?

Chưa khi nào, dự báo tăng trưởng kinh tế lại khó khăn và giữa dự báo với thực tế lại khác xa nhau đến thế kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

So với các dự báo tăng trưởng kinh tế trước đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Việt Nam dự báo tại thời điểm quý III/2021 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) đã giảm đi đáng kể. Cụ thể, trong Báo cáo tháng 8/2021, WB cho rằng, kinh tế Việt Nam tăng khoảng 4,8% trong năm 2021, giảm 1,8 điểm phần trăm so với dự báo 2 tháng trước đó, nhưng vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng 6,5-7% trong năm 2022.

Trong khi đó, ADB giảm mạnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2021 từ mức 6,7% xuống 3,8%, năm 2022 vẫn giữ nguyên dự báo tăng 7%.

Cũng theo ADB, tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, chỉ sau Singapore (tăng 6,5%), Malaysia (4,7%) và Philippines (4,5%). Tuy nhiên, trong khi đại dịch Covid-19 ở Việt Nam những ngày gần đây đã giảm dần và đang được kiểm soát, thì đại dịch lại tấn công rất mạnh vào Singapore và Malaysia, nên kể cả không đạt được mức tăng trưởng 4,8% như dự báo của WB, thậm chí đạt thấp hơn mức tăng trưởng 3,8% như ADB dự báo, thì Việt Nam vẫn là một trong số các quốc gia trong khu vực ASEAN tăng trưởng cao nhất.

Có nghĩa là Việt Nam vẫn có thể lạc quan?

Tuy các định chế tài chính đã giảm mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021, nhưng xét trong bối cảnh thực tế 9 tháng đầu năm và diễn biến dịch bệnh, tôi cho rằng, ngay kể cả đạt được tốc độ tăng trưởng 3,8% như dự báo của ADB, thì cũng phải rất nỗ lực trong 3 tháng cuối năm.

Kinh tế Việt Nam đã đi được 3/4 quãng đường, với mức tăng trưởng 1,42% trong 9 tháng, khả năng tăng trưởng cao trong quý IV để đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% là không khả thi. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn cơ hội cải thiện mức tăng trưởng hiện tại nếu sớm đạt được những thành quả tích cực hơn trong phòng chống dịch bệnh.

Hiện nay, công tác phòng chống dịch vẫn được triển khai ráo riết và nghiêm ngặt; chiến dịch tiêm chủng toàn dân cũng đã và đang bao phủ khá rộng, mục tiêu hướng tới 70% dân số sẽ được tiêm đủ 2 mũi đến giữa năm 2022 sẽ sớm giúp Việt Nam có thể kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh; nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới cho hoạt động kinh tế - xã hội.

Điều gì khiến ông lạc quan?

Không chỉ các cơ quan hoạch định, tư vấn chính sách Việt Nam, mà các định chế tài chính thế giới, mặc dù đã hạ dự báo tăng trưởng, nhưng vẫn rất lạc quan về tương lai của nền kinh tế nước ta.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm (tính đến ngày 20/9/2021), Việt Nam đã thu hút được 22,15 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Nếu không tin tưởng vào tương lai của nền kinh tế Việt Nam, thì không nhà đầu tư nào lại tiếp tục đầu tư mới hoặc rót thêm vốn.

Tôi cho rằng, sự quyết liệt trong chống dịch và các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của Chính phủ và cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là thái độ và ý thức của người dân trong phòng tránh dịch bệnh chính là nhân tố quan trọng để các định chế tài chính quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng Việt Nam sẽ sớm phục hồi nền kinh tế và việc quý III suy giảm chỉ là nhất thời.

Trong những ngày gần đây, số ca lây nhiễm Covid-19 giảm, số người khỏi bệnh tăng mạnh, tiêm chủng tiếp tục được triển khai trên diện rộng, cộng với sự đồng hành của người dân với các quyết sách của Chính phủ là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển trong thời gian tới.

Với những kết quả chống dịch thời gian qua, khả năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam được cải thiện tốt hơn trong những tháng cuối năm là tương đối khả quan và điều này sẽ tạo động lực lớn cho năm 2022 để hoàn thành tốt mục tiêu kế hoạch tăng trưởng đề ra.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin bài liên quan