Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP.
"Chúng tôi sẵn sàng để nắm lấy cơ hội từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, vài ngày trước khi ông lên đường tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, Thuỵ Sĩ.
Việt Nam sẽ là nơi đầu tư an toàn cho các nhà sản xuất trước xu thế dịch chuyển do xung đột thương mại Mỹ - Trung. Lực lượng lao động giá rẻ, hay việc đã tham gia loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những FTA thế hệ mới... được cho là những lợi thế của Việt Nam sẽ được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu tại cuộc gặp với các CEO toàn cầu ở Davos lần này.
"Chúng tôi đang cố gắng tăng xuất khẩu cả về số lượng, chất lượng sản phẩm. Nông sản, thuỷ sản, giày dép, đồ điện tử ... là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam", Thủ tướng nói và nhắc tới mục tiêu trở thành nền kinh tế xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng nhanh để tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Ngoài ra, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết cũng là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu. Hiện tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gấp khoảng 2 lần GDP.
Thủ tướng cho biết, hiện vẫn chưa thấy rõ làn sóng dịch chuyển các công ty từ Trung Quốc sang Việt Nam. Kinh tế Việt Nam cũng đang phải đối diện với loạt thách thức để thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư ngoại, như cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu lao động lành nghề, biến đổi khí hậu...
Tuy nhiên, kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định trong thập nhiên qua, như năm 2018, GDP tăng 7,1%. Thủ tướng Phúc tự tin, tăng trưởng năm 2019 sẽ đạt mức cao hơn mục tiêu Chính phủ đưa ra 6,6-6,8%. Ông cũng tuyến bố sẽ "giữ ổn định tiền đồng Việt Nam trong năm 2019".
"Chúng tôi thấy rõ đà tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực và có nền tảng tốt để đạt được mục tiêu đó", Thủ tướng Phúc nói.
Việt Nam đã ký, tham gia 16 hiệp định thương mại tự do, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị thương mại toàn cầu; xuất khẩu tăng lên mức kỷ lục 244 tỷ USD vào năm ngoái. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam, như Samsung, chiếm khoảng 25% xuất khẩu của Việt Nam.
Là nền kinh tế đang phát triển, ông Phúc nói thêm, Việt Nam phải tiếp tục phát triển, đột phá để mang lại nhiều việc làm hơn cho người dân, xóa đói giảm nghèo và vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Ngoài ra, theo xếp hạng của Natixis SA, Việt Nam đứng số 1 trong nhóm 7 nước mới nổi tại châu Á về địa điểm sản xuất dựa trên đánh giá về nhân khẩu học, lương, chi phí điện, logistic...
"Chúng tôi phải tăng trưởng hơn 6% mỗi năm để tăng thu nhập bình quân đầu người và thoát bẫy thu nhập trung bình. Chính phủ đã và đang làm rất nhiều việc để giúp các nhà đầu tư nước ngoài phát triển kinh doanh lâu dài tại Việt Nam", Thủ tướng nhấn mạnh.