Không chỉ là gia công
Theo báo cáo mang tên “Tiêu điểm Việt Nam” do PwC thực hiện nhân dịp Việt Nam đăng cai Tuần lễ cấp cao APEC 2017, lĩnh vực thuê ngoài chuyên nghiệp được dự báo sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, bên cạnh năng lượng tái tạo, khách sạn cao cấp, nông nghiệp hiện đại và thực phẩm, hay ngân hàng bán lẻ.
Từ trước đến nay, dịch vụ thuê ngoài tại Việt Nam thường bị hiểu nhầm là gia công hàng hóa đơn thuần, đặc biệt là trong ngành dệt may, da giày hay sản xuất linh kiện điện tử. Tuy nhiên, theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam, thuê ngoài chuyên nghiệp bao gồm rất nhiều mảng dịch vụ trong các ngành khác nhau, điển hình như nhiều doanh nghiệp đa quốc gia cần hệ thống tổng đài hỗ trợ 24/24, hay các công ty tại Mỹ hoặc châu Âu giao dữ liệu kế toán, bảng lương nhân viên cho bên thứ ba tại một nước đang phát triển quản lý thay.
“Trên thực tế, gia công là mức độ thấp nhất của dịch vụ thuê ngoài vì không tạo được giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và quốc gia. Từ xuất phát điểm là một nước gia công và xuất khẩu hàng tiêu dùng, Việt Nam sẽ trở thành miền đất hứa cho dịch vụ thuê ngoài chuyên nghiệp nhờ đội ngũ lao động có tay nghề cao hơn và cơ sở hạ tầng tốt hơn”, bà Vân cho biết.
Cụ thể, có 40.000 kỹ sư ra trường hàng năm tại Việt Nam mỗi năm và 45% dân số Việt Nam đang ở độ tuổi dưới 30. Theo PwC, họ sẽ là những nhân viên tiềm năng cho ngành thuê ngoài chuyên nghiệp, có nhu cầu tuyển dụng lao động trẻ, có học thức, biết ngoại ngữ và giá cả cạnh tranh. Đây là bước tiến lớn so với ngành gia công, vốn chỉ cần nguồn lao động dồi dào và có trình độ phổ thông.
Ngoài ra, mạng Internet và sóng điện thoại đã được phủ toàn quốc và 55% người Việt Nam đang sở hữu smartphone. Cơ sở hạ tầng đang được hoàn thiện nhanh chóng chính là điều kiện cần để Việt Nam dễ dàng nhận dịch vụ thuê ngoài chuyên nghiệp hơn, báo cáo nêu rõ.
Cạnh tranh lớn trong khu vực
Tại châu Á, hai quốc gia nổi tiếng nhất trong ngành thuê ngoài chuyên nghiệp hiện nay là Ấn Độ và Philippines. Theo ghi nhận của Hiệp hội Thuê ngoài ngành IT tại Ấn Độ, hơn một nửa doanh nghiệp thuê ngoài chuyên nghiệp trong lĩnh vực IT toàn cầu được đặt tại Ấn Độ. Dịch vụ này cũng chiếm đến 5% GDP của quốc gia Nam Á này, với doanh thu lên đến gần 150 tỷ USD hàng năm. Hơn 3 triệu người Ấn Độ đang làm việc trong ngành thuê ngoài chuyên nghiệp.
Còn người Philippines lại “độc chiếm” lĩnh vực tổng đài điện thoại, bao gồm hỗ trợ khách hàng hay tiếp thị sản phẩm qua điện thoại. Tuy không đạt đến mức “khổng lồ” như ngành IT tại Ấn Độ, dịch vụ thuê ngoài của Philippines cũng đạt doanh thu 25,5 tỷ USD hàng năm, thu hút hơn 1,4 triệu lao động.
Điểm chung của hai quốc gia này là dân số đông và trẻ, nguồn lao động giá rẻ, có học thức và biết tiếng Anh. Trong thời gian qua, ngành thuê ngoài chuyên nghiệp phát triển cũng đã thu hút nhiều du học sinh Ấn Độ và Philippines về nước làm việc, thay vì ở lại nước ngoài, tránh “chảy máu chất xám”.
Theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Việt Nam sẽ trải qua quá trình phát triển tương tự và thách thức vị trí độc tôn của Ấn Độ và Philippines trong lĩnh vực thuê ngoài chuyên nghiệp trong thời gian tới. Hiện nay, giá nhân công tại hai quốc gia này đã không còn quá rẻ như trước và Việt Nam lại có thêm lợi thế là điểm đến tiềm năng cho các nước đang dịch chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc.
“Số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam đã giành được vị trí thứ 2 về số nhân công thuê ngoài cho ngành IT tại Nhật Bản, chỉ đứng sau Ấn Độ. Đây là bước tiến rất đáng khích lệ cho ngành thuê ngoài tại Việt Nam, cho thấy tiềm năng phát triển rất lớn từ mức doanh thu 2 tỷ USD của hiện nay,” bà Vân cho biết.