UOB là ngân hàng lớn trong khu vực và có chi nhánh tại Việt Nam
"Với tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2015 cùng lực lượng lao động trẻ, khi 60% trong tổng dân số 90 triệu người đang ở độ tuổi dưới 35, Việt Nam đang chứng tỏ là một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Trong nửa đầu năm 2016, cả nước đã thu hút được 11.3 tỷ Đô la Mỹ, mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kỷ lục, tăng 105 % so với cùng kỳ năm ngoái", kết quả khảo sát UOB cho thấy.
Ông Eric Tham, Trưởng nhóm Ngân hàng thương mại của UOB cho biết, các kết quả từ Khảo sát doanh nghiệp châu Á 2016 của UOB đã tái khẳng định, ý chí kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu vực, khi tiếp tục tìm kiếm thị trường mới để phát triển.
"Đầu tư vào Việt Nam cũng sẽ tạo thêm việc làm và giúp người dân tăng mức thu nhập. Ngược lại, điều này cũng sẽ mở ra các cơ hội kinh doanh mới từ lượng dân cư thành thị ngày một tăng ở Việt Nam, và tầng lớp trung lưu đang chi trả nhiều hơn cho hàng hoá tiêu dùng và dịch vụ chăm sóc y tế để đảm bảo sức khoẻ cá nhân. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để chia sẻ kiến thức và chuyển giao kỹ năng trong nhiều lĩnh vực ", ông Tham cho biết.
Để giúp doanh nghiệp Châu Á xác định các thách thức khi mở rộng kinh doanh vào Việt Nam, UOB vừa tổ chức diễn đàn đầu tư đầu tiên của mình tại TP.HCM, để giúp hơn 200 doanh nghiệp Châu Á khám phá những tiềm năng và cơ hội kinh doanh ở Việt Nam. Điển hình như CKL Holdings Pte Ltd (CKL Holdings) đã đầu tư vào Việt Nam để mở rộng hoạt động kinh doanh, đây là một tập đoàn thực phẩm và nước giải khát, có cơ sở sản xuất tạiTP.HCM.
Ông Chia Chor Meng, Chủ tịch Tập đoàn CKL Holdings cho biết, Tập đoàn đã thiết lập nhà máy sản xuất đầu tiên vào năm 1996 để nắm bắt lợi thế từ thị trường tiêu dùng có tiềm năng rất lớn, chi phí vận hành thấp hơn, cũng như nguồn lao động sẵn có và nguồn nguyên liệu tự nhiên phong phú tại Việt Nam.
"Các cơ sở nghiên cứu và phát triển tại đây đã giúp chúng tôi sản xuất và cung cấp các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Việt. Cũng nhờ có môi trường xuất khẩu nhiều ưu đãi ở Việt Nam, chúng tôi đã phân phối sản phẩm của mình đến 60 quốc gia trên toàn thế giới. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng, CKL đã xây dựng nhà máy thứ hai năm 2015 với quy mô lớn gấp năm lần nhà máy đầu tiên", ông Chia Chor Meng nói.
Trưởng nhóm Ngân hàng thương mại của UOB ông Eric Tham cũng có nhận định, Chính phủ Việt Nam đang tăng cường nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài. Điển hình là biên bản ghi nhớ (MOU) được ký kết giữa Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) và Ngân hàng UOB năm 2015 nhằm tăng cường đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
Biên bản ghi nhớ này là lần hợp tác đầu tiên của FIA Việt Nam với một ngân hàng.
Ông Tham cũng cho rằng, trong lúc kinh tế Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi những bất ổn của thị trường toàn cầu - bắt nguồn từ sự tuột dốc giá dầu và nhu cầu tiêu dùng suy giảm ở phương Tây, nhưng sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp châu Á.
“Dù kinh tế toàn cầu có thể chững lại, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng. Những doanh nghiệp châu Á biết nắm bắt cơ hội để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của tầng lớp trung lưu Việt Nam sẽ có ưu thế đặc biệt để xây dựng doanh nghiệp vững mạnh trong khu vực”, ông Tham cho biết thêm.