Việt Nam lọt top 5 thế giới xuất khẩu nông sản, nhưng vẫn chưa chinh phục nổi thị trường EU

Việt Nam lọt top 5 thế giới xuất khẩu nông sản, nhưng vẫn chưa chinh phục nổi thị trường EU

(ĐTCK) Việt Nam đang có cơ hội đứng trong top 5 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, nhưng việc vào EU - một thị trường giàu tiềm năng - còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, tháo gỡ rào cản để chinh phục thị trường khó tính này là vấn đề được doanh nghiệp Việt đặc biệt quan tâm.

Thực trạng xuất khẩu nông sản vào EU

Hiện nay, Việt Nam có hơn 10 sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực, trong đó có các sản phẩm xuất khẩu trên 1 tỷ USD như cà phê, điều, gạo, rau quả, hồ tiêu… và có mặt tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bao gồm cả các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…

Một số mặt hàng có vị trí xuất khẩu cao trên thế giới như điều, hồ tiêu (đứng thứ nhất), cà phê (đứng thứ hai), gạo (đứng thứ ba)...

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính riêng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 6 tháng đầu năm 2018 của Việt Nam đạt 19,4 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng về thị trường EU, ông Trần Ngọc Quân, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) cho hay, giá trị xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm đạt 2 tỷ USD, tăng trưởng 2%.

Theo ông Đỗ Kim Lang, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn đang duy trì sự tăng trưởng. Với lợi thế vốn có, Việt Nam có cơ hội đứng trong top 5 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới.

Mặc dù vậy, ông Lang cũng cho rằng, do hạn chế về năng lực chế biến chuyên sâu, chưa phát triển mạnh về thương hiệu nên giá trị và lợi nhuận đem lại chưa tương xứng với số lượng xuất khẩu. Khi đưa nông sản sang một số thị trường giàu tiềm năng, đặc biệt là EU, các doanh nghiệp Việt vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận.

Cơ hội đan xen thách thức

Thực tế cho thấy, thị trường châu Âu thường có nhu cầu lớn về các sản phẩm nông sản, nhất là nông sản nhiệt đới, nhưng cũng rất đề cao giá trị ẩm thực, chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm. Việt Nam có lợi thế về sản xuất và xuất khẩu nông sản nhiệt đới sang thị trường này, với những sản phẩm chủ đạo là cà phê, hoa quả, các loại hạt và gia vị.

Chẳng hạn, về cà phê, Đức nhập khẩu cà phê từ thị trường Việt Nam nhiều nhất. Năm 2017, nước này bỏ ra gần 500 triệu USD để mua cà phê Việt Nam. Về hồ tiêu, Đức cũng đã chi 221 triệu USD để mua hồ tiêu Việt Nam trong năm qua.

Tại thị trường EU, Việt Nam là 1 trong 2 quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn nhất, với kim ngạch khoảng 40.000 tấn mỗi năm, chiếm 23% tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam và đáp ứng đến 53% nhu cầu hồ tiêu của toàn thị trường EU. Tuy nhiên, thời gian gần đây, EU đã cảnh bảo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm hồ tiêu Việt Nam nên một số nước trong khối EU đã chuyển dần sang nhập khẩu tiêu từ Ấn Độ và Brazil.

“Doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu nông sản sang EU là bởi EU bảo hộ nông sản cao, đặc biệt là mặt hàng rau quả và thủy sản. Mặt hàng này đang được EU kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm, gây bất lợi đến tiến độ xuất khẩu. Đơn cử, tần suất kiểm tra thanh long tăng lên 20% và các loại rau gia vị tăng 50%”, ông Trần Ngọc Quân chia sẻ.

Trong khi đó, hàng thủy sản của Việt Nam đã bị đưa vào diện cảnh báo vàng từ ngày 23/10/2017 và tiếp tục chịu sự giám sát đến tháng 10/2018. Theo Quy chế IUU-EU, nước bị "thẻ vàng" sẽ có 6 tháng để khắc phục các thiếu sót, nếu không có cải thiện sẽ chuyển sang mức cao hơn là cảnh báo đỏ.

Doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu nông sản sang EU là bởi EU bảo hộ nông sản cao, đặc biệt là mặt hàng rau quả và thủy sản...

Đây là vấn đề mà doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần sớm khắc phục để có thể tận dụng cơ hội khi Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Khi đó, gạo Việt Nam sẽ được hưởng hạn ngạch thuế quan riêng, còn thuế hàng nông sản giảm về từ 0-5% trong vòng 7-10 năm.

Bộ Công thương khuyến nghị, hiện nay, mặt hàng thịt của Việt Nam vẫn chưa được cấp phép xuất khẩu vào EU, nên doanh nghiệp cần phải thúc đẩy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm các thủ tục đăng ký ban đầu.

Đối với sản phẩm gạo, hiện nay, Ủy ban Châu Âu đang xem xét nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng của chất propiconazole có thể tồn dư trong lúa gạo từ các chế phẩm thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, chất này là một loại thuốc trừ nấm được sử dụng rộng rãi trong sản xuất lúa gạo ở nhiều nước như Hungary, Ấn Độ, Ý, Thái Lan, Pakistan, Uruguay và Việt Nam, nên các doanh nghiệp cần phối hợp với nhà nhập khẩu để làm rõ vấn đề này.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Hoàng Minh Tâm, phụ trách Phòng Xuất nhập khẩu, Công ty TNHH IDD Việt Nam cho biết, Công ty đang tìm hiểu để đưa mặt hàng cà phê thành phẩm vào thị trường EU.

“Đây là thị trường khó tính nên chúng tôi phải chuẩn bị kỹ về sản phẩm, từ khâu nguyên liệu đến đầu tư dây chuyên công nghệ hiện đại để cho ra những sản phẩm chất lượng cao. Chúng tôi đã thành công khi xuất khẩu sang các nước trong khu vực châu Á và đang hy vọng có bước đi thuận lợi với thị trường EU”, bà Tâm nói.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, chuyên gia quản trị marketing, tư vấn các dự án nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường là vấn đề cần được các doanh nghiệp đặc biệt chú trọng, bởi muốn xuất khẩu thành công thì phải nắm rõ đặc tính, nhu cầu của thị trường đó, bên cạnh việc đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Tin bài liên quan