Việt Nam, điểm đến đầu tư tối ưu của các nhà đầu tư Nhật Bản

Việt Nam, điểm đến đầu tư tối ưu của các nhà đầu tư Nhật Bản

(ĐTCK)  “Các NĐT Nhật Bản vẫn đánh giá cao tiềm năng đầu tư tại Việt Nam và các ngành đang được quan tâm là tiêu dùng, dịch vụ y tế, logistics, xây dựng, đặc biệt là nông nghiệp”.

Đó là thông tin được ông Huỳnh Richard Lê Minh, thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) chia sẻ với ĐTCK.

Các NĐT Nhật Bản nhìn nhận tiềm năng thị trường Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Thông qua Hội nghị đầu tư Viet Capital Vietnam Access Day (VAD) vừa được VCSC tổ chức tại Nhật Bản, tôi đánh giá, NĐT Nhật vẫn xem Việt Nam là điểm đến đầu tư tối ưu. Xét ở góc độ vĩ mô, cả hai quốc gia có rất nhiều điểm tương đồng về văn hóa và cùng chia sẻ nhiều mục tiêu kinh tế, chính trị và xã hội.

Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP cao và ổn định, khoảng 6 - 7%/năm, duy trì được sự ổn định tiền tệ, kiểm soát lạm phát tốt. Các ngành công nghiệp lớn như dệt may, đồ nội thất, nông nghiệp, điện tử… có mức tăng trưởng vượt bậc và gia tăng nhanh chóng trong đầu tư. Đặc biệt, với việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đây sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang trải qua cuộc cách mạng về công nghệ thông tin và mạng di động. Đây có thể coi như một bước tác động đáng kể lên sự phát triển kinh tế nói chung và các ngành công nghiệp, hàng hóa tiêu dùng nói riêng. Với nhu cầu gia tăng cho các sản phẩm và dịch vụ, bao gồm cả phương tiện truyền thông và công nghệ, nhiều công ty địa phương sẽ cần thêm vốn để theo kịp với sự tăng trưởng này.

Việt Nam, điểm đến đầu tư tối ưu của các nhà đầu tư Nhật Bản ảnh 1

Ông Huỳnh Richard Lê Minh

Trên thực tế, đã và đang có nhiều NĐT nước ngoài tìm đến Việt Nam, thông qua các tổ chức tài chính trung gian để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Tại VCSC, chúng tôi thường xuyên tiếp nhận những lời đề nghị tư vấn đầu tư từ các tổ chức và NĐT nước ngoài lẫn trong nước.

Các chuyến thăm tiếp xúc DN được tổ chức thường xuyên. Năm vừa qua, VCSC đã tổ chức xấp xỉ 600 buổi họp kết nối như vậy, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của NĐT, cho thấy mức độ quan tâm cao của khối ngoại và NĐT lớn trong nước. 

Vậy những lĩnh vực mà NĐT Nhật Bản ưa thích là gì? Các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của các DNNN tiến hành cổ phần hóa có tạo được sự quan tâm với họ hay không?

Các NĐT Nhật Bản ưa thích các ngành hàng tiêu dùng, dịch vụ y tế, logistics, xây dựng. Đặc biệt, họ đang cho thấy sự quan tâm đặc biệt đến những ngành được hưởng lợi từ TPP, nhất là nông nghiệp. Tuy nhiên, NĐT Nhật thường chú trọng đầu tư dài hạn và chủ yếu rót vốn vào Việt Nam dưới hình thức đầu tư trực tiếp, hoặc đầu tư vào các DN chưa niêm yết, hơn là đầu tư gián tiếp trên TTCK.

Với các đợt IPO của DNNN tiến hành cổ phần hóa, NĐT Nhật hiện vẫn chưa mặn mà tham gia, một phần do họ có xu hướng đầu tư để trở thành đối tác chiến lược, trong khi lượng cổ phần Nhà nước thoái vốn khỏi các DNNN, nhất là các tổng công ty, thường rất ít. Ngoài ra, chất lượng các DNNN cổ phần hóa chưa thật sự hấp dẫn.

VCSC có ghi nhận những e ngại hay thách thức mà NĐT Nhật Bản gặp phải khi xem xét đầu tư vào Việt Nam và theo ông, đâu là giải pháp tháo gỡ?

Không riêng gì NĐT Nhật Bản, mà các NĐT nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam đều gặp phải một số trở ngại, phổ biến nhất là về khung pháp lý và chính sách, thứ hai là hoạt động quản trị DN, các vấn đề về minh bạch thông tin, đặc biệt đối với những công ty chưa phải là công ty đại chúng, thứ ba là rủi ro về tỷ giá và cuối cùng là về cơ sở hạ tầng. Nếu xét riêng cộng đồng NĐT Nhật, thông qua nhiều thương vụ VCSC đã và đang thực hiện thì “niềm tin quản trị” chính là điều tối quan trọng.

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, dưới góc độ quản lý nhà nước, nhiều chính sách, văn bản luật đã được ban hành, chú trọng hơn đến yếu tố quản trị DN và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Dưới góc độ quản trị DN, DN cần chủ động hơn trong việc xây dựng các kênh truyền thông dành cho cổ đông nhằm thông tin nhanh chóng, kịp thời và trung thực trước các biến động kinh doanh.

Với việc DN tiếp thị ra quốc tế thay vì chỉ trong nước như trước đây, theo ông, lợi ích cũng như yếu tố giúp các DN tiếp thị thành công là gì?

Yếu tố cốt lõi vẫn là năng lực nội tại của DN, thể hiện ở nền tảng cơ bản, gồm chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hoạt động quản trị và tầm nhìn của ban lãnh đạo. Khi DN đã xác định sẽ bước ra sân chơi lớn, thì áp lực cạnh tranh cùng động lực tăng trưởng vì thế cũng sẽ mạnh mẽ hơn. Điều đó đòi hỏi trong định hướng chiến lược phát triển DN cần coi trọng hoạt động quan hệ NĐT, từ đó có kế hoạch cụ thể, dài hạn và chủ động trước các biến động của môi trường kinh doanh toàn cầu.

Phụ thuộc vào định hướng của DN mà việc mở rộng hoạt động tiếp thị ra nước ngoài mang đến cơ hội và giải pháp trong việc tìm đối tác chiến lược, mở rộng thị trường tiêu thụ, huy động vốn, từ đó nâng cao năng lực vận hành và mở rộng hoạt động kinh doanh. Đồng thời, đó cũng là cơ hội để DN học tập, trao đổi kinh nghiệm phát triển.

Kết quả giới thiệu của những DN Việt Nam tham gia VAD tại Nhật Bản ra sao, thưa ông?

Tham gia VAD tại Nhật vừa rồi có 6 DN Việt Nam, đại diện cho các ngành, nghề được quan tâm hiện nay, đó là: Global Equipment Services (GES), Tập đoàn Golden Gate, CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII), CTCP Nafoods Group (NAF), Novaland, YAN Media.

Đây là dịp để chúng tôi giới thiệu cho bạn bè quốc tế về cơ hội đầu tư vào Việt Nam cùng các DN triển vọng, thiết lập sự khởi đầu cần thiết cho quan hệ hợp tác trong tương lai. NĐT Nhật cũng phản hồi tích cực bằng việc bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến các cơ hội này. Việc tiến tới các kết quả cụ thể hơn sẽ cần nhiều thời gian cho quá trình trao đổi, tìm hiểu, thương thảo giữa các bên.

Với vai trò là đơn vị tư vấn, kết nối nguồn vốn trong nhiều thương vụ lớn, hơn ai hết, chúng tôi hiểu được một điều rằng, các cuộc “mai mối” thành công đều đòi hỏi sự nỗ lực và thiện chí của các bên tham gia, kể cả đơn vị trung gian như VCSC.

Ông nhận định như thế nào về xu hướng của dòng vốn ngoại tại Việt Nam năm 2016?

Tôi cho rằng, xu hướng vốn ngoại sẽ tiếp tục gia tăng vào thị trường Việt Nam trong năm 2016 nhờ những yếu tố tích cực hỗ trợ. Cụ thể, kinh tế Việt Nam được đánh giá là hưởng lợi tích cực từ các hiệp định thương mại, đặc biệt là các nhóm ngành phụ trợ liên quan đến các hiệp định thương mại tự do và TPP, tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng.

Ngoài ra, hàng loạt DN, tập đoàn lớn sẽ niêm yết trong năm 2016, tạo thêm nhiều mặt hàng hấp dẫn cho khối ngoại và giúp gia tăng vốn hóa thị trường, góp phần đưa Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi. Điều này cực kỳ có ý nghĩa với TTCK Việt Nam và sẽ có thêm đa dạng các quỹ ETF đầu tư tại thị trường Việt Nam.

Bước sang năm 2016, dự báo TTCK Việt Nam sẽ có diễn biến phức tạp do chịu tác động từ các vấn đề lãi suất và tỷ giá. Tuy nhiên, tôi đánh giá, đây là rủi ro chung của cả thế giới, đặc biệt là nhóm thị trường mới nổi và thị trường cận biên.

Do vậy, dòng tiền sẽ hướng vào các thị trường có mức rủi ro thấp nhất và tôi cho rằng, Việt Nam là thị trường có mức rủi ro thấp nhất, là nơi trú ẩn an toàn cho năm 2016. Chính vì vậy, dòng tiền của khối ngoại sẽ tăng so với năm 2015, nhưng có thể không tăng đột biến.

Tin bài liên quan