Việt Nam đang ở đâu trên tấm “bản đồ” bảo hiểm ASEAN?

Việt Nam đang ở đâu trên tấm “bản đồ” bảo hiểm ASEAN?

(ĐTCK) Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (ASEAN Community) sẽ được thành lập vào ngày 31/12/2015. Bảo hiểm thương mại Việt Nam đang ở đâu trên tấm “bản đồ” bảo hiểm ASEAN tại thời điểm lịch sử này?

Quy mô thị trường đứng thứ 6

Số liệu báo cáo năm 2014 của Hiệp hội Bảo hiểm các nước ASEAN cho thấy, quy mô thị trường bảo hiểm Việt Nam đứng vị trí thứ 6 trong khu vực. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ chiếm khoảng trên 3% thị phần bảo hiểm khu vực, bằng xấp xỉ 1/9 thị trường lớn nhất khu vực là Singapore và một nửa thị trường xếp trên liền kề là Philippines. 

Về bảo hiểm phi nhân thọ, Việt Nam đứng thứ 6 với xấp xỉ 6% thị phần, bằng 1/5 thị trường lớn nhất là Thái Lan và gần bằng thị trường xếp trên liền kề là Philippines.

Về số lượng công ty, Việt Nam có 30 công ty trong tổng số 331 công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang hoạt động tại thị trường ASEAN, tương đương tỷ lệ 9%, đứng thứ 5 sau Indonesia (79 công ty), Philippines (67 công ty), Thái Lan (61 công ty), Singapore (57 công ty).

Tổng tài sản của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam đứng thứ 6 khu vực, bằng khoảng 1/8 tổng tài sản các công ty bảo hiểm phi nhân thọ Thái Lan, 1/5 Malaysia, 1/5 Indonesia,  1/4 Singapore và 1/2 Philippines.

Việt Nam đang ở đâu trên tấm “bản đồ” bảo hiểm ASEAN? ảnh 2
Về bảo hiểm nhân thọ, Việt Nam cũng đứng vị trí thứ 6, với trên 2% thị phần, bằng khoảng 1/15 Singapore - thị trường bảo hiểm nhân thọ lớn nhất khu vực và gần bằng 1/2 thị trường Philippines là thị trường xếp trên liền kề. Việt Nam có 17 công ty bảo hiểm nhân thọ, chiếm gần 11% trong tổng số 155 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ASEAN, đứng thứ 5 khu vực, sau Indonesia (51 công ty), Philippines (27 công ty), Thái Lan (23 công ty), Singapore (21 công ty, bao gồm 16 công ty kinh doanh thuần bảo hiểm nhân thọ và 5 công ty kinh doanh hỗn hợp phi nhân thọ và nhân thọ).

Về tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm (doanh thu bảo hiểm/GDP), Việt Nam đứng thứ 7, sau 6 nước ASEAN – 6, với tỷ lệ 1,31%, rất thấp so với mức trung bình của khu vực là 3,13%.

Ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam
 

DN nội thống lĩnh thị trường phi nhân thọ, “nhường sân” nhân thọ cho DN ngoại

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam có 29 doanh nghiệp bảo hiểm tham gia hoạt động (trong đó có 12 doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài) và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài. 5 công ty bảo hiểm phi nhân thọ đứng đầu thị trường đều là các công ty của Việt Nam (100% Việt Nam hoặc công ty cổ phần mà cổ đông trong nước chiếm tỷ lệ sở hữu chi phối). 5 công ty này đang chiếm khoảng 65% thị phần bảo hiểm phi nhân thọ.

Việt Nam đang ở đâu trên tấm “bản đồ” bảo hiểm ASEAN? ảnh 4

Ngược lại, trong số 17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang hoạt động, chỉ có 1 doanh nghiệp Việt Nam, 16 doanh nghiệp còn lại có 100% vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài. Trong 5 công ty có thị phần dẫn đầu thị trường (chiếm xấp xỉ 90% thị phần) chỉ có 1 công ty của Việt Nam là Bảo Việt Nhân thọ, đứng ở vị trí thứ 2 (chiếm khoảng 28% thị phần).

Đây cũng là đặc điểm chung của thị trường bảo hiểm các nước trong khối ASEAN, trừ thị trường bảo hiểm nhân thọ Singapore.  Prudential và AIA là những cái tên thường xuất hiện trong Top 5 công ty bảo hiểm nhân thọ ở 6 thị trường bảo hiểm hàng đầu trong khu vực.

 

Trong số các công ty bảo hiểm nhân thọ “quốc tịch ASEAN”, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Great Eastern (Singapore) là cái tên hiếm hoi mở rộng hoạt động sang các nước  khác như Malaysia, Indonesia, Philippines, Brunei và Việt Nam (công ty này cũng vừa mở văn phòng đại diện tại Myanmar với mục đích nghiên cứu thị trường tiến tới thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Myanmar).

 

Độ mở cửa thị trường bảo hiểm ở mức độ cao nhất 

Tại thời điểm hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp hội Các nước Đông Nam Á phân chia các nước thành viên làm 2 nhóm: ASEAN-6, bao gồm những nước có nền kinh tế, tài chính phát triển hơn (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan) và nhóm các nước CLMV, kém phát triển hơn (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam).

Việt Nam đang ở đâu trên tấm “bản đồ” bảo hiểm ASEAN? ảnh 8

Việc tự do hóa dịch vụ tài chính sẽ được thực hiện theo mô hình ASEAN – X , theo đó các nước ở mức độ sẵn sàng sẽ thực hiện trước và các nước khác sẽ tham gia sau khi phù hợp. Các nước nhóm CLMV được ưu đãi hơn trong lộ trình thực hiện các cam kết, phù hợp với  mục tiêu chính sách quốc gia và trình độ phát triển kinh tế - tài chính của mỗi nước.

Mặc dù vậy, theo báo cáo của Vụ Quan hệ quốc tế, Bộ Tài chính, so sánh với mặt bằng ASEAN nói chung, cam kết mở cửa thị trường dịch vụ tài chính của Việt Nam với mức độ mở cửa gần như cao nhất trong các nước ASEAN, đặc biệt đối với lĩnh vực bảo hiểm.

Cụ thể là, Việt Nam đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới với đối tượng sử dụng là công ty có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Các lĩnh vực mở cửa bao gồm bảo hiểm vận tải quốc tế, tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, môi giới tái bảo hiểm và các dịch vụ phụ trợ. Việt Nam cũng cho phép nhà đầu tư nước ngoài được thành lập công ty bảo hiểm có 100% vốn nước ngoài (tuy chưa cho phép thành lập chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam, trừ chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ). 

Tin bài liên quan