Việt Nam có cơ hội đón vốn giá rẻ, nhưng...

Việt Nam có cơ hội đón vốn giá rẻ, nhưng...

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những nhận định lạc quan của các tổ chức quốc tế có khả năng thúc đẩy dòng chảy vốn giá rẻ vào Việt Nam, nhưng đó không phải là trong ngắn hạn.

Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á cùng chia sẻ quan điểm rằng, sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam năm 2020, 2021 sẽ tốt hơn thế giới. Những nhận định lạc quan này có khả năng thúc đẩy dòng chảy vốn giá rẻ vào Việt Nam, nhưng đó không phải là trong ngắn hạn.

Chỉ số PMI nói gì?

Sau giai đoạn giãn cách xã hội, Việt Nam bước vào giai đoạn bình thường mới kể từ đầu tháng 5/2020. Các báo cáo tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm dần được công bố với những tín hiệu tích cực hơn.

Đầu tiên là chỉ số PMI - chỉ số thể hiện sự mở rộng hay thu hẹp trong hoạt động sản xuất. Nếu chỉ số PMI trên 50 thì thể hiện nền kinh tế đang mở rộng và ngược lại.

Sau báo cáo PMI tháng 4/2020 chạm đáy là 32,7, chỉ số PMI hồi phục trong tháng 5 là 42,7 và đặc biệt tháng 6 là 51,1 lớn hơn mức 50. Như vậy, nền kinh tế Việt Nam đã phát đi tín hiệu mở rộng hoạt động sản xuất, sau khi chạm đáy tháng 4/2020.

Việt Nam có cơ hội đón vốn giá rẻ, nhưng... ảnh 1

Biểu đồ chỉ số PMI.

Nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam và Malaysia là hai quốc gia có chỉ số PMI sớm tăng trở lại vượt 50, trong khi đó, nhiều quốc gia có sự hồi phục nhưng vẫn nằm dưới 50. Điều này ngụ ý rằng, nền kinh tế Việt Nam đang cho thấy tốc độ hồi phục nhanh hơn so với các nước trong khu vực, tương đồng với việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch, không có sự lây lan dịch ra cộng đồng. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất nội địa cho thấy sức hồi phục nhanh.

Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam so với phần còn lại

Việt Nam có cơ hội đón vốn giá rẻ, nhưng... ảnh 2

Dự báo tăng trưởng GDP các quốc gia trên thế giới của WB, IMF và ADB.

Theo dự báo của Bloomberg, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 sẽ là 2,8%; năm 2021 là 8,1%; năm 2022 là 6,7%.

Trong khi đó, tổ chức này dự đoán tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2020 là âm 3,7%, hồi phục tăng trở lại năm 2021 là 5%, năm 2022 sẽ tăng 3,3%. Như vậy, so với thế giới, Bloomberg đang dự đoán bức tranh tăng trưởng của Việt Nam tích cực hơn.

Cũng theo Bloomberg, nếu so sánh kịch bản tăng trưởng kinh tế giữa Việt Nam và các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore… sẽ thấy, số liệu tăng trưởng kinh tế Việt Nam tốt hơn các quốc này rất nhiều.

Các tổ chức lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADP) cũng đồng quan điểm về sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 tốt hơn thế giới.

WB dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam là 2,8%, trong khi thế giới là âm 5,2%; sang năm 2021 Việt Nam tăng trưởng 6,8%, thế giới tăng trưởng 4,2%. IMF thì dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng 2,7% trong năm 2020, so với mức âm 3% của thế giới; năm tiếp theo Việt Nam tăng 7%, trong khi thế giới tăng 5,8%.

Tương tự như vậy, ADB cũng dự báo Việt Nam sẽ có sự vượt trội so với các quốc gia trong khu vực.

Cơ hội đầu tư nhìn từ những dự báo

Tổng cục Thống kê công bố tăng trưởng GDP quý II/2020 của Việt Nam đạt 0,36% trong khi nhiều quốc gia ghi nhận tăng trưởng âm trên thế giới. Số liệu 6 tháng và những dự báo trên mang đến hai ngụ ý lớn.

Thứ nhất, thế giới đang phải trải qua hiện tượng “Thiên Nga Đen” do đại dịch Covid-19, việc các ngân hàng Trung ương trực tiếp bơm tiền mua tài sản tài chính, cắt giảm lãi suất… đang đẩy lượng tiền mặt trên thế giới gia tăng một cách kỷ lục.

Theo chiến lược gia tại JPMorgan Chase, sự gia tăng thanh khoản toàn cầu đã diễn ra với tốc độ tăng chóng mặt trong cuộc khủng hoảng Covid-19, cao hơn rất nhiều thời kỳ suy thoái năm 2008.

Tổng số tiền được tạo ra có thể vượt quá 15.000 tỷ USD khi việc nới lỏng định lượng tiếp tục ở mức mạnh hơn bình thường.

Tại Mỹ, mức cung tiền M2 (bao gồm tiền mặt, tiền gửi không kỳ hạn, các tài sản có thanh khoản cao và không phải tiền mặt) đã tăng từ 3.000 tỷ USD lên 18.400 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, theo số liệu do Bloomberg tổng hợp.

Như vậy, lượng tiền giá rẻ đang thiếu kênh đầu tư và phần nhiều tạm giữ tại hệ thống ngân hàng chờ kinh tế vượt qua khó khăn.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 đã từng chứng kiến việc ngay sau thời kỳ khủng hoảng nhất, việc bơm tiền mạnh mẽ của các nước phát triển kéo dài từ năm 2010 tới năm 2018.

Dòng tiền chuyển dịch mạnh mẽ từ các thị trường phát triển sang các thị trường cận biên, mới nổi, phần nhiều mua sản phẩm tài sản tài chính, tài sản thực, góp vốn vào doanh nghiệp…, đã tạo nên sự khởi sắc cho nhiều TTCK, kéo dài từ 2012 tới tháng 4/2018.

Việt Nam có diễn biến hồi phục nhanh hơn các quốc gia trong khu vực, được các tổ chức lớn đánh giá tích cực và giữ được tình hình xã hội an toàn. Đó là những căn cứ để kỳ vọng các dòng tiền tài chính tìm đến khi đại dịch kết thúc.

Điều kiện cần thiết là Việt Nam phải cải thiện cơ sở hạ tầng thêm nữa, giảm chi phí vận tải và các thủ tục hành chính, để tăng khả năng thu hút dòng tiền giá rẻ quốc tế chảy vào.

Ngụ ý thứ hai, mặc dù hồi phục mạnh hơn so với các quốc gia trong khu vực và thế giới nhưng thực tế tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam so với chính mình đang ở mức thấp kỷ lục trong 10 năm trở lại đây.

Nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với khó khăn trong quá trình giao thương quốc tế. Nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nên nếu cánh cổng giao thương chậm được mở sẽ khó có thể kỳ vọng bức tranh tích cực tới đây.

Những phân tích, dữ liệu trên cho thấy, về dài hạn, Việt Nam có nhiều cơ hội để thu hút vốn giá rẻ quốc tế, nhưng trong ngắn hạn, nền kinh tế và các thị trường vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Với nhà đầu tư chứng khoán, những kịch bản của nền kinh tế sẽ quyết định kịch bản của thị trường.

Trong bối cảnh chưa biết chắc chắn nền kinh tế sẽ phục hồi theo hình chữ V, chữ U hay chữ M, thì sự thận trọng luôn là cần thiết. Sự hưng phấn quá đà sẽ tạo ra lợi nhuận ngắn hạn, nhưng đẩy rủi ro mất mát lớn hơn trong tương lai.

Tin bài liên quan