Từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ (ảnh minh hoạ).
Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam vừa có văn bản trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng về thị trường vàng sau 5 năm thực hiện Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Kinh doanh mua bán vàng miếng vẫn diễn ra tràn lan
Đề cập tới thị trường vàng, Hiệp hội cho biết, 5 năm qua, quyền mua bán, sở hữu, tích trữ của người dân được đảm bảo; thị trường vàng trong nước đã được tổ chức, sắp xếp lại một cách chặt chẽ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng trên thị trường đã diễn ra dưới sự quản lý của NHNN, không còn những cơn sốt giá vàng miếng như trước đây; tính hấp dẫn của vàng miếng và hoạt động đầu cơ vào vàng miếng cũng đã giảm đáng kể...
Đặc biệt, mạng lưới kinh doanh vàng miếng đã được thu hẹp đáng kể, từ khoảng 12.000 đơn vị kinh doanh vàng miếng nay chỉ còn 38 đơn vị kinh doanh vàng miếng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội, do những đơn vị được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng rất hạn chế và chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, nên hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng vẫn diễn ra tràn lan, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa; thậm chí ở các cửa hàng chưa được cấp phép kinh doanh vàng miếng ở các thành phố lớn hỏi mua bao nhiêu vàng miếng cũng có.
Điều này đã ảnh hưởng tới việc quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng miếng; còn đối với người dân thì chưa có điều kiện thuận lợi nhất khi có nhu cầu mua bán vàng miếng và chưa được đảm bảo quyền lợi chính đáng do xuất hiện vàng miếng giả; vàng trang sức không đủ chất lượng, trọng lượng trong thời gian qua. Vì vậy, việc xem xét mở rộng mạng lưới kinh doanh mua bán vàng miếng là yêu cầu rất cấp thiết trong điều kiện hiện nay.
Ngoài ra, theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện nay họ đều phải đi thuê địa điểm kinh doanh vàng miếng. Do vậy, việc thay đổi địa điểm kinh doanh là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, khi thay đổi địa điểm kinh doanh vàng miếng, thì các doanh nghiệp phải xin phép NHNN, như vậy sẽ làm mất thời gian, chi phí và làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Bởi vậy, cần xem xét sửa đổi quy định hiện hành theo hướng cho phép các doanh nghiệp chỉ cần thông báo cho NHNN khi thay đổi địa điểm kinh doanh vàng miếng để tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
“Do từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, nên các doanh nghiệp buộc phải mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường, vô tình đã tiếp tay cho những kẻ buôn lậu vàng, tạo điều kiện cho thị trường ngoại tệ “chợ đen” phát triển do những kẻ buôn lậu thu gom ngoại tệ để nhập lậu vàng, tác động tiêu cực đến công tác quản lý thị trường vàng và công tác điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước”, công văn nêu rõ.
Nếu những khó khăn, vướng mắc nói trên không được giải quyết kịp thời, theo Hiệp hội, thì năng lực sản xuất của các doanh nghiệp sẽ ngày càng sụt giảm. Điều này sẽ rất nguy hiểm, bởi Việt Nam đã và sẽ tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thuế nhập khẩu vàng trang sức sẽ giảm dần xuống 0%. Khi đó, hàng ngoại nhập với kiểu dáng, mẫu mã đẹp, giá thành thấp sẽ tràn vào thị trường Việt Nam, làm cho các sản phẩm nữ trang nội địa bị “lép vế” ngay trên sân nhà, khiến các doanh nghiệp Việt Nam sẽ trở thành các đại lý bán thuê sản phẩm nữ trang cho nước ngoài.
Không đáng ngại khi nhập vàng nguyên liệu
Từ nhiều năm nay, các DN kinh doanh vàng cũng không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, mặc dù Nghị định 24 cho phép. Vậy nên, “điều này buộc các DN phải mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường, không đảm bảo được nguồn nguyên liệu ổn định và có chất lượng, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp cũng như tác động tiêu cực đến việc điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước”, công văn nêu rõ.
Theo ước tính của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam dựa trên số liệu thống kê từ các DN hội viên, nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu hàng năm cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ ở Việt Nam hiện khoảng hơn 20 tấn/năm. Do vậy, nếu NHNN cho phép các DN nhập khẩu vàng nguyên liệu, thì cũng không đáng ngại. Bởi vì, với việc giá vàng trong nước đang biến động theo sát giá vàng quốc tế như hiện nay, thậm chí có nhiều thời điểm giá vàng trong nước còn thấp hơn giá vàng quốc tế, thì hoạt động xuất khẩu và xuất khẩu tại chỗ vàng trang sức, mỹ nghệ của các doanh nghiệp sẽ tái tạo ngoại tệ, góp phần cân đối cung cầu ngoại tệ cho đất nước.
Theo Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, trong thời gian trước mắt, để tránh việc nhập khẩu vàng nguyên liệu tràn lan để làm vàng nhẫn hay bán nguyên liệu ra thị trường tự do, ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước, thì NHNN chỉ nên cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho những doanh nghiệp đã được NHNN cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
8 kiến nghị
Trên cơ sở những khó khăn hiện nay của các DN kinh doanh vàng, Hiệp hội đề nghị Thống đốc NHNN xem xét xử lý 8 kiến nghị, để tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hội viên.
Thứ nhất, Hiệp hội đề nghị NHNN đánh giá, tổng kết lại những quy định của Nghị định 24 để trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung những Điều, khoản không còn phù hợp với điều kiện hiện nay theo đúng tinh thần Nghị quyết TW Đảng khóa XII, Nghị quyết của Quốc hội và quyết tâm của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp để phát triển nền kinh tế trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Thứ hai, Hiệp hội đề nghị NHNN xem xét cho mở rộng mạng lưới kinh doanh mua bán vàng miếng, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân và vẫn nằm trong tầm quản lý, kiểm soát của NHNN.
Thứ ba, theo Hiệp hội, NHNN xem xét cho phép các doanh nghiệp chỉ cần thông báo cho NHNN khi thay đổi địa điểm kinh doanh vàng miếng để tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Thứ tư, Hiệp hội đề nghị NHNN có hướng dẫn cụ thể để các DN kinh doanh vàng có đủ điều kiện được tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.
Thứ năm, NHNN xem xét cho phép các DN có đủ điều kiện được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ nhu cầu trong nước và cho xuất khẩu.
Thứ sáu, Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính và NHNN cho thành lập Tổ công tác nghiên cứu xây dựng đề án huy động vàng trong dân và thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia. Tổ này bao gồm cả cán bộ quản lý Nhà nước và các chuyên gia kinh tế am hiểu và có kinh nghiệm về lĩnh vực đầu tư và kinh doanh vàng, kể cả mời các chuyên gia nước ngoài.
Thứ bảy, Bộ Tài chính xem xét giảm thuế xuất khẩu xuống 0% đối với tất cả các loại vàng trang sức, mỹ nghệ như những năm trước đây.
Thứ tám, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tổng kết, đánh giá lại những quy định của Thông tư 22/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường, để sửa đổi, bổ sung những Điều khoản không còn phù hợp với tình hình hiện nay, nhằm nâng cao chất lượng vàng lưu thông trên thị trường, góp phần bảo vệ quyền lợi của những doanh nghiệp làm ăn chính đáng và của người tiêu dùng.