Nhu cầu nội địa tiếp tục là động lực duy trì tăng trưởng kinh tế.

Nhu cầu nội địa tiếp tục là động lực duy trì tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam cần chú trọng nền tảng cho sự phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việt Nam nằm trong số rất ít các quốc gia duy trì được tăng trưởng dương và đạt mức cao trong khu vực châu Á.

Vượt thách thức thành công

Năm 2020 là một năm đặc biệt, bởi đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội toàn cầu với những thiệt hại to lớn về sức khỏe, sinh mạng, làm suy giảm nghiêm trọng các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư trên thế giới. Suy thoái kinh tế do Covid-19 gây ra được đánh giá là thảm họa kinh tế lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái 1929-1930.

Theo phụ bản thường kỳ của báo cáo Cập nhật triển vọng phát triển châu Á 2020, tăng trưởng kinh tế trong khu vực Đông Nam Á vẫn chịu áp lực lớn khi Covid-19 bùng phát và các biện pháp ngăn chặn được duy trì ở một số quốc gia.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam.

Triển vọng tăng trưởng của khu vực này được dự báo âm 4,4% trong năm 2020 và sẽ tăng trưởng trở lại ở mức 5,2% trong năm 2021. Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 6,1% trong năm 2021.

Triển vọng kinh tế toàn cầu cũng như trong khu vực có vẻ ảm đạm vì đại dịch gây ra những hậu quả nặng nề trong trung hạn hoặc thậm chí dài hạn.

Trong bức tranh nhiều gam màu xám đó, kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng dựa trên những nền tảng vững vàng. Do sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và ý thức tự giác của người dân, Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia đã thành công trong việc kiểm soát đại dịch.

Việc sớm khống chế được sự lây lan của dịch bệnh không chỉ là thành công y tế nổi bật của Việt Nam mà còn hỗ trợ duy trì được động lực tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng vững chắc cho phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Thành công trong việc kiểm soát đại dịch không những cho thấy năng lực và kinh nghiệm của Việt Nam trong ứng phó với các đợt bùng phát mới, mà còn góp phần củng cố niềm tin của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Cũng nhờ kiểm soát đại dịch thành công mà phần lớn các đánh giá kinh tế của các tổ chức quốc tế uy tín đều cho rằng khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ tích cực trong năm 2021.

Cũng phải ghi nhận những tác động tích cực của các chính sách tiền tệ và tín dụng đã phát huy tác dụng. Sự hỗ trợ tiếp theo sẽ có những tác động rõ rệt hơn trong năm 2021, sau khi đã có những kinh nghiệm rút ra trong việc triển khai các gói hỗ trợ ban đầu.

Nhu cầu nội địa tiếp tục là động lực duy trì tăng trưởng. Về dài hạn, thị trường nội địa với gần 100 triệu người tiêu dùng cũng như lực lượng lao động trẻ sẽ góp phần quan trọng trong việc duy trì đà tăng trưởng.

Các hoạt động du lịch trong nước đang từng bước phục hồi sau khi bị chững lại do đại dịch bùng phát lần thứ hai vào tháng 7/2020. Các doanh nghiệp cũng nhận được sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ để vượt qua những khó khăn, thách thức do dịch bệnh.

Mặc dù đại dịch ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp trong nước, nhiều doanh nghiệp đã biến thách thức thành cơ hội. Sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu đã tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam thích nghi với hoàn cảnh mới, tham gia sản xuất những linh kiện, phụ tùng mà trước đây phải nhập khẩu từ bên ngoài.

Nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sản xuất các trang thiết bị y tế phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Chú trọng nền tảng cho sự phát triển bền vững

Mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp ở nhiều quốc gia lớn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn là một điểm sáng, với thặng dư thương mại ấn tượng. Việt Nam đã và tiếp tục được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, mới đây là RCEP.

Sự dịch chuyển và cơ cấu lại các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của dòng thương mại và đầu tư toàn cầu cũng như trong khu vực đang mang đến cho Việt Nam những cơ hội mới.

Cùng với hy vọng trong việc nghiên cứu và sản xuất vắc-xin trên thế giới, nhu cầu bên ngoài đang dần phục hồi rất có lợi cho một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Nhu cầu từ các đối tác thương mại phục hồi sẽ là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu trong tương lai gần.

Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu thương mại và đầu tư toàn cầu, cơ hội cũng như thách thức đối với Việt Nam là rất lớn.

Về đầu tư, với sự cải thiện trong môi trường đầu tư, với tiềm năng của thị trường trong nước cũng như nỗ lực tiếp cận và mở rộng thị trường qua các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam có nhiều cơ hội để tiếp cận nguồn đầu tư chất lượng cao từ các nền kinh tế phát triển.

Với những nền tảng vững chắc đã có trước và trong đại dịch cùng với quyết tâm cao độ của Chính phủ và người dân Việt Nam, chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Tuy nhiên, thách thức với Việt Nam cũng không nhỏ. Có thể thấy rõ ràng nhất là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nền kinh tế ở mức độ phát triển tương đồng trong khu vực, cũng như với các nền kinh tế lớn mới nổi.

Để thành công trong việc thu hút nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chất lượng, Việt Nam nên hạn chế thu hút FDI thông qua các ưu đãi, vì sẽ tạo điều kiện cho việc chuyển giá, gây thất thoát ngân sách.

Thay vào đó, Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến việc phát triển và cải thiện chất lượng của cơ sở hạ tầng "cứng". Mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng chi phí logistic của Việt Nam vẫn còn rất cao, từ 18 - 20% GDP, sẽ khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài phải cân nhắc.

Vì vậy, Việt Nam cần phát triển hơn nữa hệ thống giao thông kết nối, hệ thống cảng biển, cảng hàng không, mở rộng các cơ sở chế biến, đóng gói, nâng cấp các kho bãi và dịch vụ logistics…

Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng cường cơ sở hạ tầng "mềm" như tăng cường năng lực thể chế, đẩy mạnh hơn nữa cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực quản lý, đầu tư phát triển lực lượng lao động có trình độ và kỹ năng đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong nước và FDI.

Trong nhiều diễn đàn kinh tế trong nước và quốc tế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhiều lần đề cập đến việc tăng cường thể chế.

Thể chế được tăng cường sẽ tạo cơ sở vững chắc cho việc cải thiện hạ tầng "mềm" để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn FDI có chất lượng trong tương lai.

Cú sốc chưa từng có cho nền kinh tế toàn cầu sau khi đại dịch bùng phát không chỉ đặt ra những thách thức đòi hỏi nhiều nỗ lực để ứng phó có hiệu quả, mà còn yêu cầu nhiều hơn nữa các chính sách và hành động thích hợp nhằm hỗ trợ cho quá trình phục hồi sau đó.

Điều quan trọng là các chính sách phải chú trọng thúc đẩy sáng tạo trong nền kinh tế, khuyến khích đầu tư, áp dụng công nghệ mới, chẳng hạn những tiến bộ trong số hóa, sẽ giúp các nền kinh tế đang phát triển có thể rút ngắn khoảng cách công nghệ với các nước có thu nhập cao.

Để củng cố quá trình phục hồi sau đại dịch, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, phát triển hơn nữa khu vực kinh tế tư nhân, nâng cao năng suất lao động bên cạnh việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, phát triển cơ sở hạ tầng, thu hẹp bất bình đẳng xã hội và ứng phó biến đổi khí hậu.

Đây cũng là những lĩnh vực mà ADB sẽ lồng ghép khi xây dựng Chiến lược Đối tác Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 nhằm hỗ trợ có hiệu quả cho các ưu tiên phát triển của Việt Nam trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 của Việt Nam.

Tin bài liên quan