Thu hoạch lúa trong vùng nguyên liệu tại xã Định Thành, Thoại Sơn, An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Báo Phnom Penh Post ngày 11/11 đưa tin, tại buổi thảo luận trực tuyến “Campuchia trong căng thẳng địa chính trị tại khu vực Mekong” diễn ra hôm 9/11 ở Phnom Penh, Viện Tầm nhìn châu Á (AVI) đã đề xuất 5 nước thành viên Tổ chức Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawadi-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) gồm Campuchia, Lào, Việt Nam, Thái Lan và Myanmar thành lập Hiệp hội lúa gạo khu vực để đảm bảo an ninh lương thực trước tác động của đại dịch COVID-19.
Giám đốc một chương trình thuộc AVI, Cheunboran Chanborey cho biết đề xuất này được đưa ra trên cơ sở sáng kiến của Thủ tướng Hun Sen về việc thành lập một hiệp hội các nước sản xuất gạo ACMECS vào tháng 11/2010 và nay là thời điểm phù hợp để 5 nước thực hiện khi Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, Việt Nam được xếp thứ ba, Myanmar thứ sáu, Campuchia thứ tám và Lào cũng đã được công nhận là nước xuất khẩu gạo.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, xuất khẩu gạo của Việt Nam lần đầu tiên trong ba thập niên trở lại đây đã vượt Thái Lan về giá. Trong thời gian từ tháng 1-8/2020, Việt Nam đã xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo, đạt giá trị 2,2 tỷ USD.
Cùng thời gian này, Campuchia xuất khẩu 448.203 tấn gạo, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái và thu về khoảng 300 triệu USD, trong đó 159.253 tấn xuất sang Trung Quốc, 149.848 tấn xuất sang Liên minh châu Âu (EU) và Anh. Tuy nhiên, đơn đặt hàng gạo Campuchia của EU chậm lại trong hai tháng 7-8/2020 vì một số khách hàng EU nghỉ Hè.
Theo thống kê của Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia, trong tháng 8/2020, nước này xuất khẩu 22.130 tấn gạo ra thị trường quốc tế, giảm gần 35% so với mức 34.032 tấn của cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, tính tổng trong giai đoạn từ tháng 1-8/2020, lượng gạo xuất khẩu của Campuchia lại tăng 31,05% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 342.045 tấn lên 448.203 tấn, trong đó có 352.802 tấn gạo thơm; 89.699 tấn gạo trắng; 5.679 tấn gạo đồ và 23 tấn gạo khác.