Viện kiểm sát: Công ty Tuần Châu là chủ sở hữu vở diễn, đạo diễn Việt Tú chỉ có quyền nhân thân...

(ĐTCK) Cuối giờ chiều muộn 14/3, đại diện VKSND phát biểu quan điểm giải quyết vụ án cho rằng, Công ty Tuần Châu là chủ sở hữu vở “Ngày xưa”. Ông Việt Tú chỉ có quyền nhân thân, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén.
Đạo diễn Việt Tú. (Ảnh Internet)

Đạo diễn Việt Tú. (Ảnh Internet)

Theo đơn khởi kiện, từ năm 2007, CTCP Tuần Châu Hà Nội có ý tưởng đưa chương trình biểu diễn thực cảnh thế giới về Việt Nam, trong đó có hạng mục “biểu diễn rối nước, biểu diễn thực cảnh”. Năm 2015, Tuần Châu ký hợp đồng với CTCP Đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS - do ông Nguyễn Việt Tú (đạo diễn Việt Tú) làm Giám đốc.

DS nhận tư vấn, thiết kế mỹ thuật, dàn dựng chương trình dự án trình diễn vở “Ngày xưa” do đạo diễn Việt Tú là đạo diễn (còn có tên Thuở ấy, xứ Đoài). Hợp đồng có giá trị 7,4 tỷ đồng.

Phía Tuần Châu cho biết, vở diễn đã được đưa ra trình diễn nhưng chỉ là các buổi “thử nghiệm”. Vở diễn chưa đạt được sự kỳ vọng của công ty. Tuần Châu đã chủ động mời DS họp nhiều lần nhưng DS đều vắng mặt. Nếu để trình trạng kéo dài sẽ dẫn đến thiệt hại lớn, công ty buộc phải thuê đơn vị khác là Công ty Sen vàng xây dựng chương trình thay thế là vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ.

Tuần Châu cho rằng, việc ông Nguyễn Việt Tú tự ý đăng ký bản quyền chủ sở hữu vở diễn “Ngày xưa” và cùng DS công bố tác phẩm, không xin phép Tuần Châu là hành vi vi phạm quyền tài sản của Tuần Châu.

Trình bày tại tòa, luật sư của DS đã xuất trình các vi bằng thể hiện kịch bản “Ngày xưa” có tên gọi ban đầu là “Mặt nước hồn người” mà ông Nguyễn Việt Tú là người hình thành nên ý tưởng. Vở diễn được công chiếu 10 buổi và có bán vé, không thể coi là thử nghiệm vì đã có giấy phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Ngoài ra, Tuần Châu đã chuyển trả hơn 2 triệu đồng (tức 10% doanh thu bán vé).

Ông Việt Tú cho rằng, khi ký hợp đồng, Tuần Châu hoàn toàn tin tưởng vào sự sáng tạo của nghệ sĩ. Ông Tú bác bỏ đơn khởi kiện của Tuần Châu và cho biết ông đã nhiều lần đề nghị Tuần Châu đăng ký chủ sở hữu nhưng không nhận được hồi âm.

Khi hợp đồng còn hiệu lực, Tuần Châu đã dàn dựng vở Tinh hoa Bắc bộ sao chép phần cốt lõi của vở “Ngày xưa” là vi phạm điều khoản độc quyền trong hợp đồng và vi phạm quyền tác giả khi tạo ra một tác phẩm phái sinh mà chưa xin phép tác giả.

DS đề nghị HĐXX thừa nhận vở Tinh hoa Bắc bộ là tác phẩm phái sinh của vở Ngày xưa và yêu cầu Tuần Châu phải bồi thường hơn 6,6 tỷ đồng vì các vi phạm trên.

Phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, VKSND cho rằng, tác phẩm Ngày xưa là kết quả của việc thực hiện hợp đồng nguyên tắc giữa Tuần Châu và DS. Tuần Châu chỉ hỗ trợ ông Tú sáng tạo, do đó không được công nhận là tác giả, ông Tú là tác giả duy nhất. Song Tuần Châu là chủ sở hữu tác phẩm.

Ông Nguyễn Việt Tú chỉ có quyền nhân thân, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén gây ảnh hưởng tới uy tín của tác giả còn Tuần Châu được phép cho người khác công bố tác phẩm, biểu diễn, sao chép, phân phối bán bản sao, bản gốc, truyền đạt tác phẩm tới công chúng.

Do đó, đề nghị ông Tú phải chuyển giao quyền sở hữu tác phẩm cho Tuần Châu.

Đối với yêu cầu bồi thường số tiền hơn 6,3 tỷ đồng của Tuần Châu, VKSND đề nghị HĐXX không chấp nhận số tiền 5,9 tỷ, chỉ chấp nhận số tiền hơn 300 triệu đồng là các chi phí phát sinh.

Về yêu cầu của bị đơn, VKS cho rằng việc công nhận hay không công nhận vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ kế thừa hay không kế thừa vở Ngày xưa, không ảnh hưởng tới DS nên đề nghị tòa không chấp nhận yêu cầu của DS. VKS chỉ đề nghị HĐXX chấp nhận về các khoản Tuần Châu chưa thanh toán theo phụ lục hợp đồng.

HĐXX nghị án kéo dài, dự kiến tuyên án vào 8h ngày 20/3.

Tin bài liên quan