Viện kiểm sát: “Bị cáo Hoàng để lại dấu chân trên con đường phạm tội”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng 26/4, phiên tòa xét xử vụ án sai phạm liên quan đến khu đất vàng 2-4-6- Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM) tiếp tục với phần tranh luận gay gắt giữa luật sư và đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.

Các bị cáo tại tòa.

Trong 3 ngày xét xử, hầu hết bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội. Ông Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công thương) cho rằng, việc quy kết tội danh và đề nghị mức án 10-11 năm tù với bị cáo là quá nặng nề. Nêu quan điểm bào chữa cho các bị cáo, các luật sư đề nghị HĐXX làm rõ vụ án có thiệt hại hay không, thiệt hại được xác định như thế nào? Viện kiểm sát không yêu cầu các bị các bồi thường thì không có thiệt hại?

Thiêt hại thực tế nhiều hơn 2.700 tỷ đồng

Đối đáp với ý kiến luật sư, đại diện Viện kiểm sát khẳng định, cơ quan tố tụng không yêu cầu các bị cáo bồi thường (hơn 2.700 tỷ đồng) vì thiệt hại là quyền sử dụng đất bị giao trái pháp luật. Viện kiểm sát đã đề nghị tòa án yêu cầu UBND TP.HCM hủy, thu hồi các quyết định trái pháp luật nên thiệt hại cơ bản được khắc phục.

Viện kiểm sát cho rằng, việc cho thuê đất trái pháp luật chỉ là một “mắt xích” còn thiệt hại là cả quá trình khi Sabeco góp vốn vào Sabeco Pearl đến khi thoái vốn.

Đề cập đến vai trò của bị cáo Vũ Huy Hoàng, theo Viện kiểm sát, cần xem xét khu đất do Nhà nước quản lý và chuyển sang Sabeco Pearl có đúng không, gây thiệt hại hay không?

“Dự án có từ năm 2007. Luật nói Sabeco không phải công ty nhà nước thì đề nghị luật sư học lại luật. Luật Doanh nghiệp 2005 ghi rõ, doanh nghiệp trên 50% vốn nhà nước là doanh nghiệp nhà nước. Sabeco có 89% vốn nhà nước… Trách nhiệm của bị cáo Vũ Huy Hoàng, Phan Chí Dũng phải thực hiện nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn của cơ quan chủ sở hữu nhà nước… Lẽ ra các bị cáo phải làm đúng nhưng lại làm sai”, đại diện Viện kiểm sát phát biểu.

Theo Viện kiểm sát, bị cáo Hoàng đã “sai ngay từ đầu”. Nghị quyết 26 nói rõ, nếu đang đầu tư ngoài ngành thì phải chấm dứt ngay.

“Sau năm 2012, các bị cáo cho rằng dự án đang thực hiện, xin thưa, làm gì có tiền mà thực hiện, mới có chủ trương. Nếu 40 tầng thì xây được 20 - 30 năm rồi, nhưng tiền chưa có, quyền sử dụng đất cho có thì sao làm dở dang được. Năm 2011, UBND TP.HCM phê duyệt giá trị quyền sử đụng đất hơn 1.000 tỷ đồng, Sabeco không bố trí được tiền, thậm chí phải nộp tiền phạt, nhưng các bị cáo vẫn quyết định triển khai dự án”, Viện kiểm sát tranh luận.

Bị cáo để lại dấu chân phạm tội

Theo Viện kiểm sát, bị cáo Phan Chí Dũng biết việc này, thể hiện bằng văn bản của bị can Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương, đang trốn nã) vẫn yêu cầu tìm đối tác liên danh, gây sức ép khi yêu cầu HĐQT Sabeco phải rút kinh nghiệm để dự án chậm trễ. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, Sabeco báo cáo và bị cáo Hoàng yêu cầu Tổng công ty chọn doanh nghiệp nhưng báo cáo Bộ quyết định.

Hành vi mang tính quyết định của bị cáo Hoàng là phê duyệt giá khởi điểm thấp hơn thực tế. Nhắc đến cuộc họp ngày 29/3/2016, nếu Thông báo 140 được đánh máy in thì nội dung bị cáo Hoàng thể hiện trên cơ sở các định giá của thẩm định giá Saebco trình lên, cho phép Sabeco quyết định giá đó, nhưng tất cả thẩm định giá đều thấp hơn giá hội đồng thẩm định trung ương.

“Giá cao nhất có 14.000 đồng, chưa bằng 1/2 giá Trung ương xác định là 31.000/cổ phần. Trong 3 công ty, 2 công ty còn lại chỉ để tham khảo. Nghị định 91 hướng dẫn cơ quan chủ sở hữu quyết định trong trường hợp thoái, chuyển nhượng vốn đầu tư thì công khai, minh bạch, đảm bảo nguyên tắc thị trường.

Ngày 30/3/2016, bị cáo Dũng không họp nhưng ký, đề xuất giá 13.247 đồng/cổ phần làm giá sàn; đề xuất này phù hợp kết luận cuộc họp của bị cáo Hoàng. Ngày 11/4/2016, bị can Hồ Thị Kim Thoa ký văn bản thông báo nêu rõ Bộ trưởng đã quyết định giá 13.247 đồng, gửi cho cả bị cáo Hoàng nhưng bị cáo không phản hồi gì. Tại tòa, chỉ bị cáo Hoàng chối bỏ kết luận, trong khi đó bị cáo Dũng nêu Thông báo 140 viết tay mới là bản gốc", Viện kiểm sát nêu.

Viện kiểm sát khẳng định, thiệt hại trong vụ án là quyền sử dụng đất của Nhà nước bị bán với giá rẻ.

“Thực tế, các doanh nghiệp tư nhân thành lập Sabeco Pearl mua quyền sử đụng đất 50 năm, nộp có hơn 1.000 tỷ đồng, trong khi đó, giá tại thời điểm vụ án được khởi tố là thiệt hại kéo dài từ khi thực hiện hành vi cho đến khi bị ngăn chặn là năm 2018 khi khởi tố và có văn bản đề nghị phong tỏa, tạm ngừng giao dịch với khu đất là hơn 3.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, Nhà nước đã thu được tiền nghĩa vụ tài chính là hơn 1.000 tỷ đồng, cộng với tiền Sabeco thu được từ Sabeco Pearl là 197 tỷ đồng, nên thiệt hại là 2.700 tỷ đồng. Thiệt hại chưa dừng lại vì còn quyền khai thác, sử dụng mà Nhà nước bị mất đi”.

Sau hơn 2 tiếng đối đáp, Viện kiểm sát dẫn câu nói trong tiểu thuyết Miền Nam nước Anh: “Các bị cáo đã để lại dấu vết không thể chối cãi. Bị cáo Hoàng đã để lại dấu chân trên con đường phạm tội. Những chứng cứ vật chất là không thể chối cãi”. Viện kiểm sát xác định việc truy tố là đúng người, đúng tội.

Không đồng tình với đối đáp trên, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, đại diện Viện kiểm sát “chắt lọc lại cáo trạng” và “giá trị tranh luận không có”. Luật sư tiếp tục đề nghị làm rõ 4 điểm là bị cáo Hoàng chỉ đạo dùng quyền sử dụng đất để góp vốn không? thoái vốn như nào? Giá khởi điểm có chức năng căn hộ ở cho thuê chưa? tính thiệt hại có dựa trên cơ sở đã có chức năng ở cho thuê chưa?

Luật sư Bùi Huy Tuyến thắc mắc thiệt hại xuất phát từ hành vi bán rẻ đất công, đáng lý ra khi giao quyền sử dụng đất cho Sabeco Pearl phải thông qua đấu giá, giá có thể cao hơn nhưng không biết chừng giá cao quá không ai mua?

Tin bài liên quan