Việc thay đổi chính sách tiền tệ của Fed ảnh hưởng ra sao tới các thị trường châu Á

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Ba (30/11), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell đã gây chấn động các thị trường toàn cầu với quan điểm mở đường cho các đợt tăng lãi suất của Mỹ nhanh hơn dự kiến.
Việc thay đổi chính sách tiền tệ của Fed ảnh hưởng ra sao tới các thị trường châu Á

Chủ tịch Fed nói với Quốc hội rằng, các nhà hoạch định chính sách sẽ thảo luận xem có nên kết thúc việc mua trái phiếu sớm hơn một vài tháng và loại bỏ từ "tạm thời" khỏi bài bình luận của ông về lạm phát hay không.

Thông thường, lãi suất cao hơn của Mỹ có thể có tác động đáng kể đến tài sản châu Á bằng cách thu hút từ các thị trường chạy trở lại vào Mỹ. Nếu điều đó dẫn đến đồng bạc xanh mạnh hơn, nó cũng có thể có tác động đối với các công ty và nền kinh tế xuất khẩu nhiều của châu Á, cũng như khoản nợ tính bằng đô la của những quốc gia và doanh nghiệp trong khu vực.

Theo Tomo Kinoshita, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco Asset Management, cái gật đầu của Powell đối với sự không chắc chắn gây ra bởi biến thể Omicron cũng đã làm giảm bớt quan điểm diều hâu về chính sách tiền tệ.

Khoon Goh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về châu Á tại ANZ cho biết: “Trong khi những bình luận của ông Powell cho thấy Fed có thể đưa ra kế hoạch tăng lãi suất sớm nhất là vào giữa năm 2022, thì đồng USD đã không thể phục hồi vì điều này. Điều này có thể xảy ra bởi vì tuyên bố của Chủ tịch Fed chỉ phù hợp với kỳ vọng của thị trường”.

“Tác động đối với ngoại hối châu Á có thể sẽ trái chiều. Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vẫn mạnh mẽ trong khu vực, thể hiện qua con số của Hàn Quốc mạnh hơn dự kiến, đồng tiền của các nền kinh tế thúc đẩy xuất khẩu như đồng KRW, CNH và SGD sẽ tăng giá tốt. Các kỳ vọng về lợi suất cao hơn của Mỹ có thể ảnh hưởng nhẹ đến đồng IDR do dòng vốn trái phiếu nước ngoài giảm. Đồng THB sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi cách biến thể Omicron có thể ảnh hưởng đến việc mở cửa trở lại du lịch của Thái Lan”, ông cho biết.

Michael Rainer Preiss, chiến lược gia danh mục đầu tư tại Golden Equator Wealth cho biết: “Trung Quốc đã có một đợt điều chỉnh lớn và định giá cổ phiếu của Trung Quốc đang ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn”.

Sue Trinh, giám đốc điều hành chiến lược vĩ mô toàn cầu tại Manulife Investment Management ở Hồng Kông cho biết: “Mối đe dọa về việc Fed thực hiện giảm dần chương trình mua tài sản nhanh hơn là tin xấu đối với các thị trường có beta cao như khu vực thị trường mới nổi”.

“Tuy nhiên, chúng tôi có quan điểm rằng châu Á được đặt ở vị thế tốt trong các khu vực thị trường mới nổi để chống chọi với bất kỳ biến động tiền tệ tiềm tàng nào vì lạm phát ở châu Á được kiềm chế hơn và châu Á ít phụ thuộc vào vốn nước ngoài hơn các quốc gia thị trường mới nổi khác. Tin không tốt cho châu Á là khu vực này phụ thuộc quá nhiều vào nhu cầu nước ngoài để hấp thụ lượng hàng xuất khẩu”.

Alvin T. Tan, người đứng đầu chiến lược ngoại hối châu Á tại RBC Capital Markets ở Hồng Kông cho biết: “Thị trường có thể sẽ chịu nhiều áp lực hơn đối với các tài sản rủi ro nói chung, bao gồm cả chứng khoán châu Á”.

Tin bài liên quan