Tỷ giá NDT/USD và VND/USD có thể tăng
NDT là đồng tiền thứ 5 trong rổ tiền tệ của IMF, bên cạnh USD, Euro, Yên Nhật và Bảng Anh. NDT có trọng số 10,92% trong rổ tiền tệ này, cao hơn tỷ trọng của đồng Yên Nhật (8,33%) và đồng Bảng Anh (8,09%). Theo nghiên cứu của CTCK BIDV (BSC), có mặt trong “câu lạc bộ đồng tiền dự trữ” đem lại nhiều lợi ích cho NDT.
Thứ nhất, về mặt danh tiếng, vị thế của NDT sẽ có sự cải thiện khi được biết đến như một đồng tiền được giao dịch rộng rãi ở các thị trường ngoại hối lớn, trong các giao dịch quốc tế.
Thứ hai, nhu cầu về NDT dự kiến tăng lên, bởi lẽ ngân hàng trung ương các nước và các bên sử dụng SDR khác sẽ điều chỉnh lại cơ cấu tiền tệ của họ (bổ sung NDT và hạ tỷ trọng các đồng tiền khác). Chỉ riêng điều này cũng giúp gia tăng nhu cầu đối với NDT, dẫn đến NDT trở nên dễ sử dụng và dễ giao dịch hơn.
Biến động của NDT sẽ phụ thuộc nhiều vào “sức khỏe” của nền kinh tế Trung Quốc hơn là vào ý chí chủ quan của PBoC. Điều này sẽ khiến biến động của NDT ít “sốc” hơn, nhưng cũng khó lường hơn.
Tuy nhiên, quyết định của IMF nêu trên có hiệu lực từ 1/10/2016, nên trong ngắn hạn, tham gia vào rổ SDR có thể sẽ không “cứu” được NDT thoát khỏi nguy cơ trượt giá, khi các số liệu công bố về kinh tế Trung Quốc đang cho thấy sự giảm tốc của quốc gia này. Trong khi đó, đồng USD đang mạnh lên sau khi Fed phát đi thông điệp cho thấy khả năng tăng lãi suất đồng USD, bởi kinh tế Mỹ đang phục hồi, số liệu việc làm được cải thiện.
Nếu NDT tiếp tục giảm giá trong ngắn hạn, VND sẽ phải điều chỉnh giảm, nếu không muốn đánh mất lợi thế về xuất khẩu. Do đó, dự báo tỷ giá NDT/USD và VND/USD nhiều khả năng tăng trong ngắn hạn, còn xu hướng trung và dài hạn sẽ phụ thuộc “sức khỏe” của nền kinh tế và trạng thái tài khoản vãng lãi của các quốc gia.
Trong ngắn hạn, Trung Quốc có thể tiếp tục theo đuổi giải pháp làm suy yếu NDT để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cần lưu ý là sau khi NDT được vào rổ SDR, đồng tiền này sẽ phải được thị trường định giá, nên tác động của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) lên NDT sẽ không còn mạnh như trước. Đặc biệt, đợt phá giá mạnh hồi tháng 8/2015 đã phần nào đưa NDT trở về gần hơn với giá trị thực.
Chính vì thế, trong thời gian dài hơn, biến động của NDT sẽ phụ thuộc nhiều vào “sức khỏe” của nền kinh tế Trung Quốc hơn là vào ý chí chủ quan của PBoC. Điều này sẽ khiến biến động của NDT ít “sốc” hơn, nhưng cũng khó lường hơn. Nếu đồng NDT giảm giá sẽ làm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc trong ngắn hạn, tạo sức ép điều chỉnh tỷ giá VND.
Biến động tỷ giá giữa NDT với VND và USD sẽ tác động ra sao đến dòng vốn đầu tư vào TTCK Việt Nam, là câu hỏi đang được nhiều NĐT quan tâm (Ảnh: Dũng Minh)
Xét dài hạn, việc NDT được vào rổ SDR sẽ có nhiều tác động tích cực. Nhu cầu về NDT tăng lên sẽ có lợi cho nhập khẩu của Việt Nam. Mặt khác, giao dịch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc dần thay thế USD bằng NDT sẽ làm giảm chi phí cho cả hai bên.
Hiện thanh toán bằng NDT chỉ chiếm 2 - 4% tổng giá trị thương mại của Việt Nam, trong khi quy mô thương mại giữa hai nước vào khoảng 60 - 65 tỷ USD/năm và có triển vọng tiếp tục gia tăng.
Vốn ngoại không ảnh hưởng nhiều, nhưng DN xuất nhập khẩu thì có
Biến động tỷ giá giữa NDT với VND và USD sẽ tác động ra sao đến dòng vốn đầu tư vào TTCK Việt Nam, là câu hỏi đang được nhiều NĐT quan tâm. Nghiên cứu của BSC cho thấy, dòng vốn vào TTCK Việt Nam sẽ bị tác động rõ nét bởi các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam ký kết, chính sách mở cửa của Việt Nam với NĐT nước ngoài và tỷ giá VND/USD. Còn việc NDT được đưa vào rổ SDR sẽ không ảnh hưởng nhiều tới dòng vốn vào TTCK.
Trên phương diện tác động đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, thì những công ty xuất nhập khẩu nhiều với thị trường Trung Quốc và có vay nợ bằng NDT sẽ là những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất. Theo đó, nhóm ngành nhập khẩu sẽ chịu tác động tiêu cực, còn nhóm cạnh tranh xuất khẩu sẽ được hưởng lợi.
Cụ thể, xét về nhóm ngành nhập khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ chịu nhiều chi phí hơn trong trường hợp NDT lên giá là dệt may, da giày, hóa chất... Nhóm cạnh tranh xuất khẩu có thể được hưởng lợi khi hạn chế được áp lực hàng giá rẻ của Trung Quốc tràn sang, ví dụ thép, phân bón, săm lốp, bóng đèn…