Vì sao Vinaconex phải quyết liệt thoái vốn?

Vì sao Vinaconex phải quyết liệt thoái vốn?

(ĐTCK) VCG đang phải gồng mình để khắc phục những hệ quả của một thời đầu tư đa ngành, đa nghề.

Từ mức 29.220 đồng/CP, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG) đã điều chỉnh giá bán cổ phần Vinaconex Hoàng Thành xuống còn tối thiểu là 16.000 đồng/CP. Động thái 3 lần điều chỉnh giá khởi điểm cho thấy quyết tâm rất lớn của VCG, cũng như sức ép buộc phải thoái vốn tại các DN nằm trong kế hoạch để tiến tới hoàn thành mục tiêu tái cấu trúc tài chính Tổng công ty.

Không có chuyện “ép” thoái vốn

Việc chào bán 3,75 triệu cổ phiếu Vinaconex Hoàng Thành chỉ là một trong nhiều đợt chào bán cổ phần được VCG thực hiện từ năm 2011. Chia sẻ lý do gần đây Tổng công ty liên tục đưa ra các thông báo thoái vốn, một lãnh đạo của VCG cho biết, theo chiến lược kinh doanh và tái cấu trúc của Tổng công ty đã được ĐHCĐ thông qua, VCG sẽ tập trung vào 2 lĩnh vực cốt lõi gồm xây lắp và bất động sản. VCG đẩy mạnh việc thoái vốn tại các đơn vị (được xác định theo chiến lược là không cần nắm giữ) để thực hiện chiến lược tái cấu trúc, đồng thời cải thiện năng lực tài chính, tạo vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Mục tiêu là đến năm 2016, VCG sẽ hoàn thành công tác tái cấu trúc và xây dựng được hệ thống các thành viên xoay quanh các đơn vị nòng cốt hoạt động trong lĩnh vực chiến lược của Tổng công ty là xây dựng và bất động sản.

Từ năm 2008 đến nay, Tổng công ty đã tái cấu trúc vốn tại 35 đơn vị, với tổng giá trị thu về đạt 1.698 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 636 tỷ đồng. Theo lộ trình đã được cổ đông thông qua, VCG chỉ duy trì vốn góp tại 22/66 công ty. Việc thoái vốn được thực hiện đến năm 2016.

Vị lãnh đạo trên cũng giải thích 2 vấn đề công chúng đầu tư đang rất băn khoăn trong câu chuyện thoái vốn của VCG, đó là giá chào bán tại sao thường cao hơn giá trị trường và có hay không chuyện “ép” DN thành viên nhận mua cổ phần thuộc sở hữu của Tổng công ty?

Giá chào bán cổ phần tại các DN thông thường được VCG xác định trên cơ sở thuê đơn vị tư vấn xác định. Giá chuyển nhượng đối với các đơn vị đa số cao hơn giá vốn đầu tư và mang lại một khoản lợi nhuận nhất định cho Tổng công ty.

“Vinaconex phải tập trung nguồn lực tài chính để đẩy mạnh phát triển lĩnh vực kinh doanh chính, do đó việc tái cấu trúc vốn được đẩy mạnh để nâng cao năng lực tài chính, giúp tập trung nguồn lực vào các công ty nòng cốt của hệ thống ”, lãnh đạo VCG nói.

Về phương thức bán cổ phần, lãnh đạo VCG khẳng định, việc chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng cổ phiếu được tiến hành trên cơ sở tự nguyện, tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật hiện hành. Trong số 35 đơn vị đã chuyển nhượng cổ phần, VCG đã chuyển nhượng cho rất nhiều đối tượng trong và ngoài nước. Việc các đơn vị thành viên nhận chuyển nhượng cổ phiếu của DN khác được căn cứ vào sự phù hợp với chiến lược phát triển kinh doanh của đơn vị, chứ hoàn toàn không có chuyện Tổng công ty “ép” mua.

 

Toán khó vẫn phải giải

Với vai trò là Công ty mẹ, nguồn vốn của VCG chủ yếu được dành cho việc đầu tư vốn và hỗ trợ tài chính cho 58 công ty thành viên, khá nhiều trong số đó là các DN địa phương, hoạt động không hiệu quả được đưa về làm thành viên của Tổng công ty trước khi cổ phần hóa. Các tồn đọng tài chính từ thời là công ty nhà nước vẫn chưa được xử lý hết khi thực hiện cổ phần hóa đã để lại gánh nặng tài chính cho VCG trong giai đoạn sau này.

Bên cạnh các công ty thành viên của VCG làm ăn hiệu quả, các công ty yếu kém và công ty được thành lập mới để tiếp nhận dự án đầu tư đã gây ra áp lực lớn cho VCG. VCG vừa phải đáp ứng nhu cầu tăng vốn của các công ty thành viên nhằm mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, vừa phải lo hỗ trợ tài chính bằng việc trả nợ ngân hàng thay cho các công ty thành viên thành lập mới để tiếp quản, khai thác và vận hành dự án đầu tư hoàn thành như CTCP Xi măng Cẩm Phả tiếp nhận Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Xi măng Cẩm Phả, CTCP Nước sạch Vinaconex tiếp nhận Dự án đầu tư hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội…

Nặng nề nhất đối với VCG hiện nay là khoản nợ lớn của CTCP Xi măng Cẩm Phả. Đến nay, VCG đã hỗ trợ tài chính để trả nợ ngân hàng thay cho CTCP Xi măng Cẩm Phả số tiền 2.365 tỷ đồng. Số liệu thống kê mấy năm qua cũng cho thấy, nguồn vốn chủ sở hữu của VCG luôn được dùng cho việc đầu tư vốn để nắm quyền chi phối tại các công ty thành viên. Đơn cử, theo số liệu tại báo cáo tài chính ngày 31/12/2011, vốn chủ sở hữu của VCG là 4.195 tỷ đồng, nhưng số vốn đầu tư vào công ty thành viên lên đến 4.792 tỷ đồng. Chưa hết, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu lên tới 9,5 lần vào đầu năm 2009.

Sau 3 năm thực hiện tái cấu trúc, đến 31/7/2012, VCG đã hoàn thành tái cấu trúc ở 32 đơn vị, trong đó không còn tham gia vốn tại 26 đơn vị. Các công ty đã hoàn thành tái cấu trúc chủ yếu là các công ty ngoài ngành, hiệu quả kinh doanh thấp. Ngoài ra, VCG đã áp dụng nhiều biện pháp để cải thiện năng lực tài chính, đưa đòn bẩy tài chính về ngưỡng an toàn. Tính đến cuối tháng 6/2012, tỷ lệ đòn bẩy tài chính đạt 1,85 lần (đạt mức yêu cầu theo thông lệ quốc tế). So với con số gần 10 lần trước khi tái cấu trúc, đây là sự thay đổi rất lớn.

Trả lời câu hỏi của ĐTCK về việc VCG sẽ làm gì để cải thiện khả năng thanh toán nhanh - một chỉ số có sự sụt giảm mạnh trong vòng 1 năm qua, cũng như đối phó với tình hình tài chính đang “căng như dây đàn” trước các khoản nợ lớn từ công ty thành viên, lãnh đạo VCG cho biết, Tổng công ty đang thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, VCG sẽ thực hiện chính sách tài chính chặt chẽ, rà soát và giảm bớt các tài sản không cần dùng hoặc sử dụng không hiệu quả để thu hồi vốn; không tiếp tục đầu tư vốn vào các hoạt động hoặc dự án có vốn lớn nhưng không có khả năng thu lợi nhuận trong ngắn hạn; tái cơ cấu mạnh mẽ các khoản đầu tư nhằm thu hồi vốn…

VCG đang phải gồng mình để khắc phục những hệ quả của một thời đầu tư đa ngành, đa nghề. Song dù muộn, cần phải ghi nhận đây vẫn là một tổng công ty đã có những bước đi chủ động thay đổi để tự đổi mới chính mình. Nhìn rộng hơn, nền kinh tế Việt Nam còn rất nhiều những tập đoàn, tổng công ty cần phải dứt khoát chịu đau để qua cơn đại phẫu.