Như Đầu tư Chứng khoán đã đưa tin, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam - CTCP (Vilico, mã chứng khoán VLC - UPCoM) diễn ra chiều ngày 19/3, đã có rất nhiều cổ đông của Vilico đặt câu hỏi chất vấn lãnh đạo Công ty về việc sáp nhập GTNFoods (GTN) - Vilico (VLC).
Trước đó, cổ đông cũng đã gửi câu hỏi bằng văn bản chất vấn về việc Ban lãnh đạo VLC và cũng là đại diện tại Mộc Châu Milk (MCM) cho phép Vinamilk và GTN mua cổ phần của MCM mà bỏ qua quyền lợi của cổ đông VLC, gây xung đột lợi ích cho cổ đông VLC khi biến VLC từ Công ty mẹ thành công ty liên kết với MCM. Theo đó, cổ đông liệu có còn tin cậy vào Ban lãnh đạo VLC?
Gần 17,6% cổ phiếu có quyền biểu quyết của Vilico không tán thành phương án sáp nhập GTN |
Chia sẻ về vấn đề này, bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vilico, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị GTN cho biết, việc phát hành cổ phiếu của MCM cho các đối tác chiến lược Vinamilk và GTN là do cổ đông MCM biểu quyết thông qua.
Cổ đông VLC tại MCM có lợi ích liên quan nên theo quy định trong Điều lệ của MCM, VLC không được tham gia biểu quyết cho nội dung này. Tức là, quyền quyết định thuộc về 49% cổ đông còn lại của MCM. Kết quả biểu quyết đã được thông qua, Công ty đã công bố thông tin theo quy định, được UBCK và các cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt.
Việc phát hành của MCM hay việc sáp nhập GTN, VLC là theo định hướng chiến lược tổng thể chung nhằm tối ưu nguồn lực của cả 3 công ty cho chiến lược phát triển dài hạn và khi kết quả kinh doanh tốt lên thì tất cả cổ đông đều có lợi chứ không vì lợi ích của riêng bất kỳ cổ đông nào.
“Nếu tại Đại hội lần này, cổ đông Vilico đồng thuận phương án sáp nhập thì VLC sẽ lại là Công ty mẹ của MCM như trước đây, với tỷ lệ sở hữu khoảng 59%”, bà Liên nói.
Cũng theo Chủ tịch VLC, kể từ khi nhân sự của Vinamilk, GTN tham gia HĐQT của VLC vào ngày 15/2/2020 thì giá cổ phiếu của VLC là 17.000 đồng/cổ phiếu, đến nay đã tăng lên 39.000 - 41.000 đồng/cổ phiếu, tức tăng gấp 2,4 lần. Như vậy, rõ ràng lợi ích của cổ đông Vilico đã tăng lên rất nhiều.
Trả lời thắc mắc về việc Ban lãnh đạo không xin ý kiến cổ đông để sáp nhập VLC vào MCM mà lại sáp nhập VLC và GTN, Công ty cho biết, việc sáp nhập VLC vào GTN thì Vinamilk về lợi ích không có gì thay đổi. Tuy nhiên số cổ đông còn lại của VLC bị thiệt hại về lợi ích kinh tế trong khi số cổ đông còn lại của GTN lại được hưởng lợi nhiều từ sáp nhập.
Về vấn đề Lãnh đạo Vinamilk cũng là Lãnh đạo VLC thì giải pháp nào là tốt nhất để các cổ đông không xung đột về lợi ích, theo bà Mai Kiều Liên: "Chúng tôi đã xem xét nhiều yếu tố để quyết định trình ĐHĐCĐ phương án sáp nhập phù hợp".
"VLC là thương hiệu tốt và lâu đời, gắn liền với sự phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam. Do đó, cần duy trì thương hiệu này để khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi của VLC. Và bắt đầu bằng việc triển khai dự án bò thịt như tài liệu trình ĐHĐCĐ. Còn MCM là thương hiệu sữa đã có truyền thống lâu đời nên vẫn duy trì để tiếp tục phát triển".
"Hiện tại, một số lĩnh vực hoạt động thế mạnh của GTN và VLC trước đây còn chưa được khai thác có hiệu quả, do đó việc sáp nhập này là để tập trung nguồn lực để phát triển tốt hơn. Đặc biệt là tập trung vào ngành sữa tại MCM và ngành chăn nuôi (trước mắt là ngành bò thịt)".
Chia sẻ thêm về lộ trình, bà Liên cho biết, trước mắt, sẽ khởi động dự án bò thịt cho VLC (hợp tác với đối tác Nhật Bản là Sojitz) trong thời gian tới. Sau sáp nhập, VLC sẽ tiếp nhận các khoản đầu tư tiềm năng mà GTN đang thực hiện để khai thác và góp phần mang lại hiệu quả trong tương lai. Các hoạt động đầu tư, kinh doanh (bao gồm dự án bò thịt) nếu thực hiện hiệu quả sẽ góp phần làm tăng giá trị của VLC.
"Vinamilk là 1 cổ đông của GTN giống như các cổ đông còn lại và GTN cũng là cổ đông của VLC như các cổ đông còn lại của VLC. Nếu có thiệt thì tất cả đều thiệt và nếu có lợi thì tất cả đều có lợi”, bà Liên nhận định.