Theo kế hoạch trước đây, từ tháng 1/2016 sẽ thí điểm xử "phạt nguội" vi phạm giao thông qua hệ thống camera giám sát trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn Nội Bài - Phú Thọ). Tuy nhiên đến nay, dù hệ thống thiết bị đã được lắp đặt hoàn thiện nhưng vẫn chưa thể đưa vào vận hành để tăng cường trật tự ATGT trên cao tốc này.
Hạ tầng sẵn sàng
Công ty CP Công nghệ FPT và Công ty Hanel đang xây dựng thí điểm hình thức“phạt nguội” vi phạm giao thông qua hệ thống camera quan sát trên hai tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình và cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn Nội Bài - Phú Thọ). Đây là hai dự án đầu tiên về giám sát xử lý vi phạm tại Việt Nam được Bộ GTVT triển khai theo hình thức xã hội hóa với mục đích nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Toàn bộ hành vi vi phạm khi điều khiển phương tiện trên đường sẽ được tự động phát hiện và lực lượng CSGT sẽ sử dụng làm căn cứ để xử lý.
Các lực lượng chức năng, đơn vị quản lý đường cao tốc kiểm tra quy trình vận hành của hệ thống camera giám sát trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai - Ảnh: Trần Duy
Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm qua camera trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai được FPT ứng toàn bộ 60 tỷ đồng kinh phí lắp đặt đã hoàn thiện, đưa vào vận hành thử nghiệm từ ngày 20/11/2015. Hệ thống này cũng đã kết nối với Trung tâm thông tin chỉ huy của Cục CSGT (Bộ Công an). Máy móc, trang thiết bị phục vụ quản lý quy trình xử lý của hệ thống cũng đã được bàn giao. Việc tổ chức tập huấn cho 10 tổ công tác thuộc Đội tuần tra kiểm soát đường bộ cao tốc số 1 cũng đã được thực hiện.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó Giám đốc Công ty Giải pháp công nghệ FPT: “Vướng mắc lớn nhất là chưa tìm được nguồn hoàn vốn lắp đặt hệ thống nên chưa thể ký hợp đồng được với chủ dự án là Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Điều này khiến cơ chế vận hành, cơ chế chính sách để hệ thống đi vào hoạt động chưa được tháo gỡ”.
Chờ cơ chế
Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP FPT, hệ thống giám sát xử lý vi phạm bảo đảm trật tự ATGT trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn Nội Bài - Phú Thọ) sau hai tháng vận hành thử nghiệm đã hoạt động ổn định. Hệ thống đã tự động phát hiện, ghi hình trên 800 trường hợp vi phạm trật tự ATGT như: Điều khiển phương tiện đi không đúng phần đường, dừng đỗ phương tiện trái quy định trên đường cao tốc kèm theo hình ảnh, video đủ chứng cứ để lập biên bản vi phạm hành chính phù hợp với tiêu chuẩn của Bộ Công an. FPT đã đề xuất Chính phủ trích một phần nguồn thu phí sử dụng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai để chi trả kinh phí đầu tư dự án.
“Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai là dự án đầu tiên được triển khai thí điểm theo mô hình xã hội hóa. Tuy nhiên, chưa có sự chỉ đạo và phối hợp thống nhất giữa các bên liên quan nên chưa xác định được cơ chế và nguồn vốn thực hiện. Vì vậy, chúng tôi đề xuất Bộ GTVT cho phép trích một phần từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ cao tốc Nội Bài - Lào Cai thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin đúng với tinh thần của Nghị quyết 36a của Chính phủ”, ông Bình nói.
Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ đang làm việc với Bộ Công an để thống nhất các giải pháp triển khai, trong đó có việc tuyên truyền đến tất cả các doanh nghiệp vận tải trong thời gian một tháng trên các phương tiện thông tin đại chúng để doanh nghiệp biết sẽ xử phạt bằng hình ảnh trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Sau khi tuyên truyền đầy đủ sẽ tiến hành xử phạt. Ban đầu chưa phạt tiền mà chỉ nhắc nhở, sau thời gian đó mới tiến hành xử phạt bằng tiền theo Nghị định 171 của Chính phủ.
Tuy nhiên, ông Lê Quang Hào, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) lại cho rằng, nguồn thu phí của dự án Nội Bài - Lào Cai không thể sử dụng để trả cho dự án giám sát xử lý vi phạm được vì Bộ Tài chính đang quản lý để trả nợ phần vốn vay ADB cho dự án. Trường hợp lấy nguồn thu phí của dự án để thanh toán sẽ liên quan đến nhiều thủ tục phức tạp và phải tính toán lại phương án tài chính của dự án để phục vụ cho việc trả nợ.
Đối với nhà đầu tư BOT, phương án tài chính chỉ liên quan đến điều chỉnh số năm được quyền thu phí. Ví dụ, nhà đầu tư được quyền thu phí dự án 18 năm, nếu làm thêm hệ thống giám sát ATGT thì được điều chỉnh tăng thêm 2 năm chẳng hạn. Nhưng VEC là doanh nghiệp Nhà nước nên phương án tài chính có sự khác biệt là không xác định số năm thu. Phương án tài chính cho một dự án của VEC là dự án được đầu tư bao nhiêu, hàng năm thu thế nào, trả nợ hàng năm ra sao đều được Bộ Tài chính thẩm định.
Cũng theo ông Hào, việc bổ sung chi phí đầu tư hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào dự án là rất khó khăn và ảnh hưởng đến phương án tài chính và khả năng trả nợ vì phương án tài chính của dự án đã được tính toán kỹ. Trong trường hợp sử dụng nguồn thu phí của dự án để thực hiện việc này, VEC sẽ phải thực hiện đầy đủ các thủ tục phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh phương án tài chính của dự án và phải được sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền và nhà tài trợ là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Do vậy, VEC kiến nghị kinh phí chi trả cho hạng mục này có thể được xem xét lấy từ nguồn xử phạt vi phạm hành chính hoặc nguồn vốn khác hoặc việc này phải báo cáo Chính phủ quyết định.
Liên quan đến việc sử dụng hệ thống giám sát này, Đại tá Vũ Mạnh Thắng, Trưởng phòng Tham mưu (Cục CSGT) cho biết, trên cơ sở báo cáo tổng quan của FPT và kết quả đạt được trong quá trình vận hành ban đầu: Phòng Tuần tra kiểm soát trên đường cao tốc (Phòng 10) đang đề xuất lãnh đạo Cục tiếp nhận sử dụng hệ thống xử lý vi phạm bằng hình ảnh trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai và bố trí lực lượng trực trên tuyến. Phòng 9 cũng đã đề xuất ban hành văn bản pháp lý sử dụng hệ thống. “Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo Cục CSGT đề xuất với Bộ Công an chỉ đạo nghiệm thu, sớm đưa hệ thống vào sử dụng”, Đại tá Thắng nói.