Bị cáo Đinh Văn Dũng kêu oan.

Bị cáo Đinh Văn Dũng kêu oan.

Vì sao tổng cựu giám đốc Công ty Bình Hà kêu oan?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bị xử phạt mức án 12 năm tù về hành vi chiếm đoạt tiền của BIDV, bị cáo Đinh Văn Dũng (cựu giám đốc Công ty Bình Hà) kêu oan đến tòa phúc thẩm - TAND Cấp cao tại Hà Nội.

Bị cáo Dũng cùng 2 bị cáo khác là giám đốc công ty “sân sau” của ông Trần Bắc Hà có đơn kháng cáo.

Bản án sơ thẩm cho rằng, CTCP Chăn nuôi Bình Hà do ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV chủ trương thành lập năm 2015. Ban đầu công ty có 3 cổ đông gồm Trần Duy Tùng (con trai ông Hà, đang bỏ trốn), Trần Anh Quang (cháu họ ông Hà) và Thái Thành Vinh (bạn Trần Duy Tùng, đang bỏ trốn).

Công ty Bình Hà đã lập dự án Đầu tư chăn nuôi bò giống, bò thịt tại Hà Tĩnh và được BIDV cấp tín dụng. Quá trình cho vay và trả nợ đã xảy ra nhiều sai phạm trong các khâu chấp thuận chủ trương tài trợ vốn, thẩm định khách hàng, thẩm định rủi ro, sửa đổi điều kiện cấp tín dụng, thế chấp tài sản... Việc này dẫn đến BIDV chịu thiệt hại 799 tỷ đồng.

Đến năm 2017, Đinh Văn Dũng làm Tổng giám đốc thay cho bị cáo Trần Anh Quang.

Theo quy định tại hợp đồng hạn mức, tiền bán bò thu về từ các công ty môi giới và các lò mổ phải chuyển về tài khoản của Công ty Bình Hà tại chi nhánh Hà Tĩnh, để ngân hàng kiểm soát và đối trừ công nợ. Các cổ đông Công ty Bình Hà cũng phải có vốn đối ứng/tự có theo tỷ lệ.

Do không có tiền góp vốn, theo chỉ đạo của con trai Trần Bắc Hà, bị cáo Quang, Đinh Văn Dũng và các bị cáo khác đã chiếm đoạt tiền bán bò để góp vốn vào Công ty Bình Hà.

Cụ thể, khi nhận tiền bán bò từ các công ty môi giới gồm Công ty Vĩnh Phát, Công ty Hantechco và các lò mổ, các bị cáo yêu cầu công ty môi giới chuyển tiền vào tài khoản cá nhân các cổ đông, trong đó có bị cáo Quang sau đó sử dụng tiền này để nộp tiền góp vốn.

Tổng số tiền bán bò được đưa vào góp vốn cổ phần là 128 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại tòa, bị cáo Đinh Văn Dũng cho rằng, cáo buộc của tòa sơ thẩm là phi lý vì bị cáo không chỉ đạo bán bò. Bị cáo khai phụ trách mảng xây dựng cơ bản, chăn nuôi trồng trọt; không phụ trách mảng kinh doanh.

Bị cáo khai nhận, trên thực tế đã bỏ ra 180 tỷ đồng góp vốn vào Công ty Bình Hà. Trong đó, có các khoản tiền bị cáo vay ông Lâm Tăng Khoát (hơn 37 tỷ đồng), còn lại là tiền cá nhân…

HĐXX công bố lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, thể hiện bị cáo chỉ có tài sản là nhà đất ở 42 Lê Hồng Phong (Gia Lai, trị giá khoảng 10 tỷ đồng) có thể sử dụng góp vốn vào Công ty Bình Hà. Còn 5 tài sản khác bị cáo cam kết góp vốn là không có thực, kê khai khống để chứng minh năng lực tài chính của bản thân.

Tin bài liên quan