SSI giảm tỷ lệ cho vay 3 cổ phiếu “hot”
Ngày hôm qua (13/11), thông tin nóng được các diễn đàn quan tâm là CTCK Sài Gòn (SSI) giảm tỷ lệ cho vay với 3 mã chứng khoán FIT, FLC và KLF. Theo đó, kể từ ngày này, SSI tỷ lệ cho vay đối với cổ phiếu KLF giảm từ 50% xuống 20%; FLC giảm từ mức 50% về 30%, FIT cũng giảm mức cho vay xuống 30% thay vì mức 40% áp dụng trước đó.
Phản ứng nhanh của FPTS
Ngay sau thông tin SSI giảm tỷ lệ cho vay với 3 mã trên, cuối ngày hôm qua, 13/11, CTCK FPT (FPTS) đã ngay lập tức điều chỉnh tỷ lệ cho vay ký quỹ đối với 5 mã chứng khoán, trong đó bao gồm FLC và KLF. Tuy nhiên, thay vì giảm tỷ lệ cho vay, FPTS điều chỉnh ngược lại, tăng mức độ cho vay.
Cụ thể, từ ngày 14/11/2014, FPTS tăng mức cho vay giao dịch ký quỹ đối với 2 mã này lên mức 40%, thay vì mức 30% như trước đó. Một mã chứng khoán khác cũng điều chỉnh tăng cho vay là NDN, bên cạnh việc bổ sung 2 mã mới vào danh mục cho vay ký quỹ là CHP và APC. Bên cạnh đó, mã FIT vẫn giữ nguyên mức cho vay 40%.
Cán cân thị phần?
Thống kê cho thấy, 10 phiên giao dịch gần nhất, KLF có khối lượng giao dịch trung bình phiên lên tới 14,37 triệu cổ phiếu/phiên. Tương tự, các khối lượng khớp lệnh bình quân 10 phiên với FLC là 14,368 triệu cổ phiếu và với FIT là 3,268 triệu cổ phiếu/phiên.
Với thanh khoản trên, FLC đóng góp hơn 12% tổng khối lượng khớp lệnh trên HOSE, KLF đóng góp 25% khối lượng giao dịch trên HNX. Với FIT, dù khối lượng giao dịch các phiên không lớn bằng, nhưng do giá ở mức xấp xỉ 30.000 đồng/cổ phiếu, nên mức độ đóng góp vào thanh khoản trên HNX cũng ở mức lớn.
Điều này có nghĩa là, ai nắm được càng nhiều thị phần giao dịch 3 mã trên, sẽ có được càng nhiều thị phần giao dịch trên hai sàn. Có lẽ, đây là lý do FPTS đã ngay lập tức điều chỉnh tăng margin cho FLC và KLF. Cũng cần nói thêm là, FPTS từ lâu không quá đặt trọng tâm vào tăng thị phần, nhưng vẫn nằm trong Top 10 thị phần 2 sàn và là CTCK ghi nhận kết quả kinh doanh rất ấn tượng, với sự đóng góp không nhỏ từ thu nhập ở mảng này.
Im lặng!
Trong thông tin mà thị trường tiếp nhận được, SSI không lý giải vì lý do gì, tỷ lệ cho vay 3 mã này bị đồng loạt điều chỉnh giảm. Sự im ắng cũng là bình thường bởi các CTCK cũng thường xuyên làm vậy cho danh mục cho vay của mình, tức là không giải thích.
Nhưng việc điều chỉnh giảm tại 3 mã thuộc loại “hot” bậc nhất thị trường, xét trên tiêu chí thanh khoản, khiến nhà đầu tư không khỏi băn khoăn, và các diễn đàn chứng khoán có nhiều tranh luận. Dù việc thay đổi tỷ lệ margin các mã có thể đến từ nhiều yếu tố: giới hạn vốn vay đối với mã đó, quản trị rủi ro...
Không ít ý kiến cho rằng, không phải ngẫu nhiên SSI giảm tỷ lệ cho vay các mã này. Phía sau đó, chắc hẳn phải có câu chuyện khác. Không đưa ra lý do cụ thể cho suy luận này, bởi câu chuyện điều chỉnh tỷ lệ cho vay được SSI nói riêng và các CTCK nói chung vẫn làm thường xuyên, nhưng ý kiến này cũng khiến không ít NĐT cảm thấy hoang mang.
Một số ý kiến khác thì cho rằng, đây là một cách để SSI thể hiện vai trò dẫn dắt thông tin, tín hiệu thị trường, điều mà theo một số NĐT lớn, Công ty đã thành công với mã HAG cách đây ít ngày.
Một quan điểm, được giới đầu tư tập trung nhiều hơn để lý giải cho động thái giảm margin của SSI đối với các mã trên, đó là… vì cổ phiếu SSI!
Tất nhiên, tin đồn thì chỉ là tin đồn, không ai có thể ngăn cấm sự diễn giải.