OGC mua cổ phần ở mức chi phối nhằm vực dậy hoạt động của PVR
Ngày 5/11, CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC - mã PVX) đã chuyển giao toàn bộ phần vốn góp tương đương hơn 18,151 triệu cổ phiếu CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) cho Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group - mã OGC) và Công ty TNHH VNT. Cụ thể, PVC chuyển nhượng 10 triệu cổ phiếu PVR cho OGC, chuyển nhượng 8.151.980 cổ phiếu PVR cho Công ty TNHH VNT. VNT là một thành viên của OGC. Như vậy, có thể hiểu, OGC đứng ra mua toàn bộ số cổ phiếu PVR nêu trên.
Đây là một thương vụ thoái vốn thành công của PVC. Việc thu về trên 180 tỷ đồng thông qua chuyển nhượng cổ phần tại PVR góp phần làm giảm lỗ và trích lập dự phòng tài chính của PVC, đồng thời bổ sung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh trong 2 tháng cuối năm.
Trao đổi với ĐTCK, ông Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT PVC cho biết, PVR hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản (PVC sở hữu 34,14% vốn điều lệ), nằm trong nhóm các đơn vị mà PVC tập trung tái cấu trúc. Trên thực tế, hai bên đã đồng thuận việc chuyển nhượng cổ phần từ rất lâu. Ngày 15/8/2012, HĐQT PVC đã ban hành nghị quyết chấp thuận chủ trương chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của PVC tại PVR cho OGC và VNT. Tuy nhiên, do cả bên bán, bên mua và đối tượng chuyển nhượng đều là doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn, nên các bên phải có sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Việc OGC mua số lượng lớn cổ phần PVR với giá gấp 3 lần thị giá, theo ông Thanh là do Tập đoàn đánh giá cao tiềm năng phát triển của PVR, dù công ty này đang rất khó khăn.
Thực tế, OGC là một tập đoàn tư nhân, không dễ để họ bỏ ra khoản tiền lớn như vậy. Đây là công ty niêm yết, theo các quy định về kế toán, ngay sau khi hợp đồng được ký kết, doanh nghiệp sẽ phải trích lập dự phòng tới 2/3 giá mua.
Ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT OGC chia sẻ: “Lúc đầu, chúng tôi đề nghị mua theo giá thị trường. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, PVC phải thoái vốn bằng mệnh giá. Mua cổ phần giá cao như vậy, anh em kêu nhiều lắm, nhưng trong ban lãnh đạo chúng tôi đã thống nhất rất cao. Chúng tôi chấp nhận mua cổ phần ở mức chi phối là nhằm xây dựng và theo đuổi kế hoạch vực dậy hoạt động của PVR”.
Ông Thắm cho rằng, đây là một thương vụ đặc biệt và cũng không loại trừ Công ty nhận được những hỗ trợ kỹ thuật. Trên thực tế, điều này có thể hiểu được bởi OGC là cổ đông lớn nhất của OceanBank và Tập đoàn Dầu khí có 20% vốn cổ phần tại OceanBank. Không nói ra nhưng ai cũng biết, họ như “người một nhà”.
Theo kế hoạch, PVC sẽ thoái vốn hoàn toàn tại các doanh nghiệp bất động sản và các lĩnh vực đầu tư khác, chỉ giữ lại dưới 10 đơn vị thành viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây lắp dầu khí trên bờ. Ngoài PVR, hiện PVC còn một số doanh nghiệp thành viên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, trong đó đa số đã lên niêm yết và có cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá.
Khi được hỏi: “Sau PVR, OGC có dự kiến mua cổ phần của các đơn vị khác?”, câu trả lời của ông Thắm là: “Tạm thời chưa xem xét đến”.
Với câu hỏi: “Cùng với ông chủ mới và cung cách hoạt động mới, PVR sẽ có những thay đổi nào?”, ông Thắm cho biết, Công ty sẽ tiếp tục hoạt động bình thường, OGC không có ý định thay đổi cơ cấu nhân sự, nhưng sẽ tham gia điều hành sâu hơn vào doanh nghiệp để có cải thiện rõ rệt trong hiệu quả hoạt động của PVR.
Hoạt động đa ngành, OGC đã tạo được một số thành công trong lĩnh vực bất động sản. Cuộc đổi chủ tại PVR dù không mang nhiều màu sắc thị trường, nhưng cũng là động thái đáng mừng trong chuỗi hoạt động tái cấu trúc vốn nhà nước.