Người Nhật không đánh giá cao chất lượng xe Mỹ. Ảnh: Carscoops.

Người Nhật không đánh giá cao chất lượng xe Mỹ. Ảnh: Carscoops.

Vì sao người Nhật không ưa xe hơi Mỹ?

Sẽ là không công bằng khi người Mỹ mua nhiều ôtô Nhật, nhưng người Nhật không làm điều tương tự với xe hơi Mỹ. Thực tế điều đó lại đang tồn tại.
Câu chuyện "có qua có lại" được khơi mào bởi Tổng thống Donald Trump sau khi chính thức nắm quyền điều hành Nhà Trắng.
Trong nỗ lực thúc đẩy sản xuất tại Mỹ, đặc biệt ngành ôtô, ông dọa trả đũa những quốc gia có các hãng xe thành công tại xứ sở cờ hoa, nhưng người dân ở các quốc gia ấy không mấy mặn mà với ôtô Mỹ. Đặc biệt là Nhật Bản.

Xe hơi Mỹ có một hình ảnh xấu đối với người Nhật. Chúng không tiết kiệm nhiên liệu, hay hỏng hóc.

- Yoshihiro Masui,

một nhà sưu tầm xe hơi cổ Mỹ.

Nhật Bản vốn là một cường quốc trong ngành sản xuất xe hơi toàn cầu. Ngay tại Mỹ, nếu không có sự trỗi dậy về nhu cầu ở phân khúc SUV hay bán tải cỡ lớn, miếng bánh thị phần tại nước này phần lớn thuộc về tay hàng loạt tên tuổi của Nhật như Toyota, Honda hay Nissan.

Nhưng điều ngược lại không đúng với các hãng xe Mỹ tại Nhật Bản, thị trường vẫn được xem là "khép kín nhất thế giới".

Trong 2016, có khoảng gần 5 triệu xe con và bán tải hạng nhẹ bán ra tại thị trường Nhật. Trong đó chỉ 15.000 xe mang thương hiệu Mỹ, chiếm tỷ lệ 0,3%. Jeep là thương hiệu Mỹ, nay thuộc sở hữu của Fiat (Italy), tiêu thụ nhiều xe nhất ở đất nước mặt trời mọc.

Thực hiện một phép so sánh nhỏ, chỉ với một đại lý bán hàng của Toyota tại California, Mỹ cũng đủ sức vượt con số mà các hãng xe Mỹ tiêu thụ tại Nhật. Vì thế lý lẽ của ông Trump không phải hoàn toàn vô căn cứ. Nhưng điều gì khiến người dân tại quốc gia Đông Á thờ ơ với ôtô Mỹ đến vậy?

Vì sao người Nhật không ưa xe hơi Mỹ? ảnh 1

Việc sưu tầm những mẫu xe cổ từ Mỹ của Yoshihiro Masui được xem là một thú chơi lạ đời tại Nhật. Ảnh: NYTimes

"Xe hơi Mỹ có một hình ảnh xấu đối với người Nhật. Chúng không tiết kiệm nhiên liệu, hay hỏng hóc", Yoshihiro Masui, một nhà sản xuất âm nhạc ở tuổi 67 nói với NYTimes.

Ông cho rằng điều đó không phải là nhận định hoàn toàn đúng, "nhưng dường như các đại lý bán xe Mỹ cũng không nỗ lực để thuyết phục khách hàng có cách nhìn khác đi".

Yoshihiro Masui dành tình cảm đặc biệt cho những mẫu xe Mỹ khai sinh ở thuở bình minh ngành công nghiệp xe hơi Detroit bắt đầu ló dạng. Ford Model T hot-rod hay Thunderbird, những mẫu xe cổ mà ông Masui sở hữu, với người Nhật, đó là một thú chơi lạ đời.

Và khi đánh giá về xe hơi nước Nhật, ông Masui cũng không ngại ngần nói thẳng: "Ôtô Nhật không hay hỏng hóc như xe Mỹ, dù thực tế nó đang dần trở nên nhàm chán".

Một trong những yếu tố then chốt khiến người Nhật không coi trọng chất lượng xe Mỹ, đó là "tiếng xấu" về xe hơi như tỳ vết đến nay vẫn chưa thật sự lành hẳn: "Xe hơi của Mỹ có thể chết máy bất cứ khi nào.

Điều đó khiến khách hàng luôn tỏ ra bực dọc với chúng tôi", Masato Suzuki, chủ một đại lý nhập khẩu ôtô Mỹ ở Machida thuộc vùng ngoại ô phía tây Nhật Bản, cho biết. 

Đại lý của ông Suzuki chủ yếu bán các dòng SUV cỡ lớn, xe van thương mại full-size hoặc các mẫu xe cơ bắp như Dodge Charger và Ford Mustang. Ông có ý định mở rộng dịch vụ cung ứng sản phẩm bằng các mẫu xe cỡ nhỏ từ Mỹ với mức giá bình dân hơn.

Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở dự định. Bởi ôtô cá nhân cỡ nhỏ, điển hình là "đặc sản" Kei Car, không một hãng nước ngoài nào có thể là đối thủ của các tên tuổi nội địa như Suzuki, Honda.

Vấn đề khác là giá. Masato Suzuki nói rằng ông không biết liệu chính phủ có đưa ra các biện pháp can thiệp về tiền tệ như lời ông Trump nói, để gây khó khăn cho ôtô Mỹ nhập khẩu vào Nhật hay không. Nhưng với việc đồng Yên mạnh lên, đó là dấu hiệu tích cực cho doanh số xe hơi Mỹ tiêu thụ tại Nhật.

Vì sao người Nhật không ưa xe hơi Mỹ? ảnh 2

Với một chủ đại lý bán xe Mỹ như ông Masato Suzuki, người Nhật sẽ chọn xe hơi trong nước hơn là từ Mỹ nếu cùng mức giá. Ảnh: NYTimes

Với người tiêu dùng Nhật Bản, "ở mọi thời điểm, với cùng mức giá, chọn mua xe hơi Nhật vẫn là lựa chọn tốt hơn", ông Suzuki nói. Vấn đề không còn đơn thuần ở chính sách kinh tế, cách thức mua hàng của người dân trở thành tiếng nói mạnh nhất khiến xe Mỹ chật vật tại xứ sở hoa anh đào.

Trong lần công kích gần nhất nhắm vào các hãng xe nước ngoài, ông Donald Trump cáo buộc Nhật Bản dựng lên các hàng rào thuế quan, can thiệp thị trường tiền tệ để làm lợi cho các công ty trong nước. "Họ làm nhiều thứ để ngăn chúng ta không thể bán ôtô tại nước họ", vị tổng thống thứ 45 của Mỹ gay gắt.

Đáp trả, thủ tướng Shinzo Abe phát biểu trước quốc hội Nhật Bản: "Việc xe hơi Mỹ vắng bóng tại Nhật là có lý do. Đó là các hãng xe Mỹ có quảng cáo tại Nhật đâu".

Đồng quan điểm, Akio Mimura, chủ tịch văn phòng Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản, cho rằng: "Nếu họ muốn bán xe hơi của nước mình tại Nhật, rõ ràng các hãng xe Mỹ phải nỗ lực để thu hút người tiêu dùng nhiều hơn".

Nếu đề cập đến các chính sách thuế gây khó cho việc nhập khẩu ôtô vào Nhật Bản, không chỉ Mỹ mà các hãng xe châu Âu cũng tương tự. Dẫu vậy, sự khác biệt giữa các hãng xe châu Âu và Mỹ nằm ở cách họ thuyết phục người tiêu dùng Nhật. 

Theo Kenji Kobayashi, người đứng đầu Hiệp hội nhập khẩu ôtô Nhật Bản, nhiều hãng xe châu Âu ngoài các chiến dịch quảng cáo, họ cố gắng tạo ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Ví dụ điển hình là sản xuất ôtô tay lái nghịch để bán cho người Nhật. Ngược lại các hãng xe Mỹ lại không làm tốt điều đó. Trong 2016, Mercedes, BMW và một vài hãng xe khác chiếm khoảng 6% doanh số tiêu thụ ôtô tại Nhật, chủ yếu ở phân khúc hạng sang cao cấp.

Yoshihiro Masui nói rằng, ông "yêu mọi thứ về nước Mỹ trước những năm 1960 - xe hơi, đồ gỗ, âm nhạc, mọi thứ", nhưng các hãng xe Mỹ nên ngừng phàn nàn về các hàng rào thương mại.

Thay vào đó hãy tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản hơn: tạo ra những mẫu xe hấp dẫn và thuyết phục người Nhật mua chúng.

Tin bài liên quan