Hanel hiện có vốn điều lệ 1.926 tỷ đồng. Năm 2018, Hanel đạt doanh thu 750 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 56 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2019, Công ty đặt mục tiêu ở mức tương tự năm 2018, với doanh thu 787 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 58 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại báo cáo tài chính 2018 của Công ty, kiểm toán nêu hàng loạt vấn đề về ngoại trừ công nợ chưa được thống nhất, trích lập dự phòng đối với các khoản thu khó đòi của các công ty con, công ty liên kết, chưa đánh giá và trích lập dự phòng giảm giá một số khoản đầu tư dài hạn...
Bên cạnh đó, đến tháng 12/2019, Hanel vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh quý I, bán niên và quý III/2019 theo quy định về công bố thông tin đối với công ty đại chúng.
Hanel tiến hành phiên đấu giá lần đầu (IPO) vào tháng 4/2016, nhưng phải đến tháng 6/2017 mới tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu. Cũng vì điều này mà các cổ đông đã phản ứng và yêu cầu phải được thanh toán tiền lãi đối với số tiền đã nộp khi IPO theo quy định của Bộ Tài chính.
Tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Hanel hứa hẹn sẽ báo cáo UBND TP. Hà Nội xem xét trả lãi cho cổ đông theo đúng quy định pháp luật, nhưng phải tới 2 năm sau, tức vào đầu năm 2019, Hanel mới thực hiện việc chi trả tiền lãi với mức lãi suất 6,5%.
Hanel cho biết, số tiền trả lãi cho nhà đầu tư được hạch toán vào chi phí sản xuất - kinh doanh khi lập báo cáo tài chính để bàn giao sang công ty cổ phần.
Ngoài ra, Chủ tịch HĐQT Hanel cho biết, Công ty sẽ làm việc với đơn vị tư vấn để sớm đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM theo quy định, song đến nay kế hoạch này vẫn nằm trên giấy.
Tháng 10/2018, Hanel có thông báo chốt danh sách cổ đông để thực hiện đăng ký cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), sau đó giao dịch trên UPCoM.
Tuy nhiên, tháng 3/2019, Hanel có thông báo hoãn chốt danh sách cổ đông với lý giải “do ảnh hưởng công tác quyết toán bàn giao phần vốn Nhà nước sang công ty cổ phần, công tác thoái vốn và kiểm toán năm 2018, Công ty chưa hoàn thiện được hồ sơ đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Vinh, Chủ tịch HĐQT Hanel cho biết, Công ty đã nộp hồ sơ lên Sở GDCK Hà Nội (HNX), nhưng còn một số vấn đề cần hoàn thiện.
Dự kiến, trong tháng 12 này, Hanel sẽ hoàn thiện hồ sơ. Dẫu vậy, thời điểm lên sàn cụ thể chưa được Chủ tịch Hanel xác nhận.
Được biết, khi cổ phần hóa, Hanel quản lý và sử dụng quỹ đất rất lớn ở Hà Nội. Chỉ riêng diện tích 5 cơ sở nhà, đất Công ty đang quản lý, sử dụng đã lên tới 24,5 ha.
Trong đó, hơn 2.600 m2 đất tại số 2 Chùa Bộc đang được Hanel dùng làm trụ sở dưới hình thức trả tiền hàng năm.
Ngoài ra, còn nhiều lô đất khác như lô đất 6.163 m2 tại 60 Nguyễn Đức Cảnh (quận Hoàng Mai), 4.285 m2 tại 409 Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), 4.188 m2 tại Lô 2 E9 Phạm Hùng, lô đất 24,2 ha tại Khu công nghiệp Sài Đồng B (quận Long Biên), lô đất liên doanh với Orion rộng 12 ha cũng tại khu công nghiệp này, lô đất 43,6 ha tại dự án Khu công viên công nghệ phần mềm quận Long Biên, dự án 19,2 ha xây dựng điểm thông quan nội địa (ICD Cổ Bi), dự án khu đô thị Hanel - Anpha Nam rộng 53,5 ha…
Tuy nhiên, đến hết năm 2018, UBND TP. Hà Nội vẫn chưa có ý kiến chính thức về phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa của Hanel và doanh nghiệp này cũng chưa ký lại các hợp đồng thuê đất.