Vì sao dòng tiền lớn đứng ngoài thị trường?

Vì sao dòng tiền lớn đứng ngoài thị trường?

(ĐTCK) Đừng hỏi vì sao dòng tiền lớn đứng ngoài thị trường, mà hãy hỏi, Việt Nam sẽ có những nỗ lực gì để DN "sống” được và bớt rủi ro hơn?

Không phải bây giờ mà từ cách đây 6 tháng, nhiều nhà đầu tư lớn đã quyết định đứng ngoài TTCK và và chờ đợi ít nhất 1 năm nữa. Ngược lại, một nhóm khác vẫn lạc quan cho rằng, thị trường sẽ khởi sắc vào cuối năm 2012. Đến hết quý III, một số CTCK đã lỗ hoặc phải cắt lỗ tự doanh, vì lo ngại thị trường giảm tiếp 10 - 15%. Cho đến thời điểm này, những người thận trọng đã đúng.

Sự kiện nguyên Chủ tịch Sacombank phải làm việc với cơ quan điều tra và trước đó là tin quý III, ACB lỗ hơn 1.000 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng là 2 việc có ảnh hưởng không nhỏ đến diễn biến toàn TTCK tại thời điểm thông tin được công bố. Tuy nhiên, đối với những nhà đầu tư hiểu vấn đề hoặc được tư vấn bởi các CTCK chuyên nghiệp thì cả 2 sự kiện trên đều có thể dự báo trước. Trước đó, cơ quan an ninh đã có quyết định khởi tố hình sự tại CTCK SBS, nên những người từng sáng lập và từng quản trị DN này khó có thể không liên quan. Còn trước khi ACB công bố lỗ vì kinh doanh vàng khoảng 1 tháng, bản tin của cả hai CTCK là SSI và HSC đã chỉ ra rủi ro này. Chỉ có điều, không ai phỏng đoán chắc thời điểm cụ thể thông tin xấu xảy đến.

Việc không thể biết rõ diễn tiến các vụ việc lớn sẽ xảy ra là một trong những rủi ro lớn nhất với nhà đầu tư chứng khoán. Không tiên liệu được điều gì xảy ra là việc tối kỵ với hoạt động đầu tư, nhất là với nhà đầu tư lớn, bởi quá trình giải ngân vốn và chuyển nhượng một khoản đầu tư nhanh nhất cũng phải mất 3 tháng đến 1 năm.

Đáng nói là những “yếu tố bất ngờ” lại tiềm ẩn ở nhiều DN lớn. Chẳng hạn, Tập đoàn Hòa Phát, nơi có cổ phiếu HPG được đánh giá là cơ bản và tốt, nhưng vụ việc chuyển nhượng cổ phiếu HPG với “bầu Kiên” lại là một câu chuyện bất ngờ với nhà đầu tư. Trong quý III/2012, HPG ghi nhận số tiền này vào tài khoản “phải thu ngắn hạn khác”. Như vậy, vẫn còn để ngỏ một khả năng sẽ phải trích lập dự phòng cho toàn bộ số tiền 264 tỷ đồng trong thương vụ này vào cuối năm. Chừng nào thông tin về vụ việc còn chưa rõ ràng thì giá cổ phiếu HPG còn khó cải thiện.

Tại KBC, ITA, việc giá cổ phiếu giảm sàn rồi lại tăng trần trên TTCK gần đây cho thấy, giá các cổ phiếu này đang bị ảnh hưởng nặng nề từ các thông tin liên quan đến cổ đông lớn.

Nhìn rộng hơn, các ngành cơ bản đều tiềm ẩn rủi ro khó lường. Lớn nhất là ngành ngân hàng với ẩn số về số nợ xấu và những cái tên ngân hàng sẽ sáp nhập, sẽ biến mất, sẽ lỗ nặng tiếp theo. Ngành bất động sản, ẩn số nằm ở chỗ bao giờ thị trường tan băng, DN thoát khỏi tình trạng “giậm chân tại chỗ”, thu không đủ bù chi, thua lỗ. Ở ngành thép, các DN quy mô nhỏ, không có lợi thế cạnh tranh sẽ phải làm gì để “sống” khi năm tới, nhiều DN lớn sẽ tăng quy mô, còn nguồn cung trong nước đang dư thừa. Ngành thủy sản thì vừa trải qua một năm không thuận lợi khi nhiều DN nhỏ bị hạn chế tiếp cận tín dụng, phải bán hàng tồn với giá thấp, khiến mặt bằng giá xuất khẩu giảm mạnh.…

Nhiều nhà đầu tư lớn cho biết, họ chưa nhìn thấy khả năng tăng trưởng của TTCK trong tương lai gần, khi mà DN và nền kinh tế còn đối mặt với nhiều thách thức. Đừng hỏi vì sao dòng tiền lớn đứng ngoài thị trường, mà hãy hỏi, Việt Nam sẽ có những nỗ lực gì để DN trong các ngành cơ bản "sống” được và bớt rủi ro hơn?