Vì sao chênh lệch lãi huy động giữa các ngân hàng lên tới 2%/năm?

Vì sao chênh lệch lãi huy động giữa các ngân hàng lên tới 2%/năm?

(ĐTCK) Theo TS. Trần Du Lịch, doanh nghiệp không nên trông chờ vào giảm lãi suất, mà nên cơ cấu lại tài chính để giảm tỷ lệ nợ vay.

Chia sẻ tại Hội thảo kinh tế Việt Nam thường niên năm 2018 tổ chức sáng 20/3 tại TP.HCM, TS. Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho biết, năm 2018, điều kiện giảm lãi suất so với 2017 sẽ khó khăn  hơn vì sức ép lạm phát và lãi suất USD có xu hướng tăng hơn 2017.

Hơn nữa, do các tổ chức tín dụng vẫn còn nhiều khó khăn, nên vẫn phải giữ chênh lệch lãi suất đầu vào đầu ra hợp lý. Nếu hạ lãi suất cho vay thì phải hạ lãi suất huy động. Việc này có làm thay đổi nguồn huy động của ngân hàng, vì người dân có thể chuyển kênh đầu tư.

“Kết quả kinh doanh của một số ngân hàng thương mại vẫn còn khó khăn do nợ xấu chưa giải quyết được, nên cũng  khó có thể hạ lãi suất huy động. Thực tế, lãi suất huy động hiện tại cũng đang có sự chênh lệch khá cao giữa các nhóm ngân hàng thương mại, ở mức khoảng 2%/năm“, ông Ngoạn cho biết.

Trao đổi về những biến số có thể ảnh hưởng đến lãi suất và tỷ giá năm 2018, TS. Trần Du Lịch cũng cho rằng, tỷ giá ổn định nhưng lãi suất cho vay năm 2018 khó có thể giảm mạnh, mà sẽ giữ ở mức như cuối năm 2017. Doanh nghiệp không nên trông chờ vào giảm lãi suất, mà nên cơ cấu lại tài chính để giảm tỷ lệ nợ vay.

Kết quả kinh doanh của một số ngân hàng thương mại vẫn còn khó khăn do nợ xấu chưa giải quyết được.

Điều tra về kỳ vọng lạm phát vừa được Ngân hàng Nhà nước thực hiện cho thấy, năm 2018 mức lạm phát vẫn neo vững ở khoảng 3,7%.  

“Nếu không có yếu tố nào biến động bất ngờ nào thì tỷ giá năm 2018 sẽ neo ở mức ổn định. Kỳ vọng lãi suất tăng lên không có, nhưng kỳ vọng giảm xuống cũng tương tự. Mức lãi suất năm 2018 chủ yếu là ổn định”, ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Tin bài liên quan