Việc tổ chức tín dụng vi phạm bị nêu tên, xử lý đã đành, nhưng khi chưa có kết luận cuối cùng thông tin công bố có thể tạo những rủi ro

Việc tổ chức tín dụng vi phạm bị nêu tên, xử lý đã đành, nhưng khi chưa có kết luận cuối cùng thông tin công bố có thể tạo những rủi ro

Vi phạm trần lãi suất: Chỉ nên công bố khi đã có kết luận

Thông tin về loạt ngân hàng rơi vào tầm ngắm kiểm tra và có thể bị xử lý khi có dấu hiệu vượt trần lãi suất khiến cả người gửi tiền và ngân hàng lo lắng.

Sáng nay (12/9), thông tin 7 tổ chức tín dụng “có dấu hiệu vi phạm lãi suất huy động trên 14%/năm” thu hút sự chú ý của công chúng.

Một mặt, thông tin này công bố cho thấy Ngân hàng Nhà nước đang quyết tâm thực hiện nghiêm tính pháp lý của cơ chế trần lãi suất huy động và mức trần 14%/năm đối với VND hiện hành.

Nhưng, mặt khác, khi việc vi phạm chưa rõ ràng, thông tin công bố như vậy là khá nhạy cảm.

Thông tin công bố cho biết tên cụ thể của 7 tổ chức tín dụng, ở các địa bàn khác nhau, nhưng mới chỉ dừng lại ở tính “biểu hiện” và “theo thông tin phản ánh qua đường dây nóng”. Theo đó, kết luận cuối cùng về việc tất cả các trường hợp trên vi phạm quy định trần lãi suất là chưa thể khẳng định, mà cần cơ quan thanh tra vào cuộc, xác minh và có quyết định xử lý cụ thể.

Việc tổ chức tín dụng vi phạm bị nêu tên, xử lý đã đành, nhưng khi chưa có kết luận cuối cùng thông tin công bố có thể tạo những rủi ro.

Theo Chỉ thị số 02 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chế tài xử phạt đối với các trường hợp vị phạm có một hình thức: “Hạn chế hoặc tạm đình chỉ hoạt động huy động và cho vay của đơn vị vi phạm thuộc tổ chức tín dụng đó”.

Trước hình thức trên, với các tổ chức tín dụng bị nêu tên trong thông tin công bố có thể gặp rủi ro với khả năng người dân biết tin và “tránh” gửi tiền tại những địa chỉ đó, do e ngại có thể gặp rắc rối nào đó nếu chi nhánh bị xử lý. Và khi lãi suất tiền gửi gần như ngang bằng 14%/năm, tâm lý chỉ tìm đến những ngân hàng ngoài danh sách bị tình nghi để gửi là dể hiểu.

Bên cạnh đó, rõ ràng tên các tổ chức tín dụng đã được công bố, trong khi việc vi phạm chưa có kết luận cuối cùng, có thể ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của họ, nhất là khi cố tình huy động lãi suất cao vượt trần thường gắn với sự hoài nghi có khó khăn thanh khoản hay không. Giả sử trong 7 trường hợp này có ngân hàng "bị oan" hoặc thông tin phản ánh thiếu chính xác thì sao?

Nên chăng, cơ quan quản lý chỉ nên công bố danh sách và các hình thức xử phạt cụ thể khi đã có kết luận cuối cùng để tránh những rủi ro có thể xẩy ra. Dù trên thực tế thời gian qua việc ngân hàng vượt trần lãi suất huy động vốn không còn xa lạ. Việc thực hiện nghiêm trần lãi suất 14%/năm được dư luận ủng hộ ở tính thượng tôn pháp luật, ở sự công bằng trong hệ thống các tổ chức tín dụng.

Liên quan đến việc thực hiện trần lãi suất huy động 14%/năm nói trên, những ngày qua người quan tâm cũng dễ nhận được nhiều dạng thông tin mới chỉ dừng lại ở “dấu hiệu” hoặc chưa có những chứng cứ xác thực, hay kết quả vào cuộc của cơ quan thanh tra, giám sát.

Ngay trong ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị số 02, một số thông tin “truyền miệng” bàn tán về một số địa bàn ở khu vực miền Trung vẫn còn hiện tượng vượt trần lãi suất; thậm chí tại một chi nhánh ngân hàng nọ chỉ trong vòng hai tiếng đầu giờ sáng đã bị rút trên 15 tỷ đồng và bị nghi ngờ là người dân chuyển sang ngân hàng khác có lãi suất cao hơn 14% (?).

Nhờ người thân thử chào gửi 100 triệu đồng, kỳ hạn 3 tháng và “kết nối” với nhân viên ngân hàng tại một số địa bàn thuộc khu vực miền Trung, thông tin nhận được có trường hợp tối đa là nghiêm 14%/năm, nhưng từ 50 triệu đồng trở lên được thưởng 1 triệu đồng tiền mặt để khuyến khích; trường hợp khác thì có thể được 17%/năm… Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những thông tin mang tính chất dò hỏi mà thiếu kiểm chứng.

Thế nên những dấu hiệu, những hoài nghi tương tự như vậy vẫn phải chờ kết luận cuối cùng từ Ngân hàng Nhà nước, và dự kiến 7 trường hợp trên sẽ có báo cáo kết quả về cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng chậm nhất trong ngày 13/9/2011. Lúc đó, việc công bố chính thức sẽ buộc các ngân hàng tâm phục, khẩu phục.

Còn tại Hà Nội, cuối tuần qua, thông tin trực tiếp từ nhân viên giao dịch của ngân hàng từ các khoản tiền gửi đáo hạn là tư vấn: Lãi suất hiện nay chỉ được tối đa 14%/năm, khách hàng nên gửi các kỳ hạn ngắn khoảng 1 tháng thôi để dự phòng có thể có lãi suất cao hơn trong thời gian tới và “chờ xem tình hình” thế nào để tính toán gửi tiếp; hoặc nếu có thay đổi về lãi suất thì nhân viên ngân hàng sẽ báo để khách hàng đến làm sổ mới…