Asanzo thua kiện
Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương, đơn vị sở hữu nhãn hiệu Asano đã khởi kiện Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam ra tòa vì vi phạm nhãn hiệu.
Theo đơn khởi kiện, năm 2008, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Asano, hình số 107919 cho các nhóm hàng hóa về máy giặt, máy xay sinh tố, máy ép trái cây, ti vi, đầu lọc đĩa DVD, loa, amply, tủ lanh, điều hòa, nồi cơm điện…
Đến năm 2015, Công ty phát hiện trên thị trường có Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam sử dụng nhãn hiệu Asanzo có kiểu dáng, mẫu mã giống với nhãn hiệu Asano mà công ty đã được đăng ký bảo hộ.
Công ty Đông Phương đã lập vi bằng về việc Công ty Asanzo đã bày bán các sản phẩm như tivi led loại 32 inch,40 inch,23 inch.
Ngày 10/8/2015, Công ty Đông Phương đã gửi hồ sơ cho Viện Khoa học sở hữu trí tuệ để giám định.
Ngày 18/8/2015, kết luận giám định khẳng định, dấu hiệu Asanzo là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Asano.
Công ty Đông Phương sau đó gửi văn bản yêu cầu xử phạt hành vi trên tới các cơ quan chức năng, nhưng không nhận được phản hồi. Trong khi đó, Công ty Asanzo vẫn quảng bá rộng rã nhãn hiệu trên các phương tiện đại chúng.
Vì vậy, Công ty Đông Phương đã gửi khởi kiện vụ việc ra tòa án, yêu cầu Công ty Asanzo phải bồi thường thiệt hại số tiền tạm tính là 500 triệu đồng, xin lỗi cải chính công khai và xóa bỏ toàn bộ hàng hóa đang dán nhãn hiệu.
Trong khi đó, Công ty Asanzo cho biết, năm 2014, Công ty đã đăng ký nhãn hiệu Asanzo tại Cục Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực đến năm 2022. Công ty cũng có đơn phản tố cho rằng, việc khởi kiện đã ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, vị thế của doanh nghiệp trên thị trường. Công ty Asanzo yêu cầu Công ty Đông Phương số tiền bồi thường thiệt hại là 300 triệu đồng.
Bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM năm 2018 đã tuyên buộc Công ty Asanzo chấm dứt hành vi xâm phạm, xóa bỏ nhãn hiệu Asanzo, hình đã dán trên các sản phẩm và buộc công ty này phải bồi thường số tiền 100 triệu đồng cho Công ty Đông Phương.
Sau bản án trên, cả hai bên đều kháng cáo. Năm 2019, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã xem xét đơn kháng án.
Cục Sở hữu trí tuệ nói gì?
HĐXX phúc thẩm thấy rằng, tại văn bản số 3374 năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) xác định: “Tuy có sự khác biệt về màu sắc các chữ cái là phụ âm (thêm chữ Z) và chữ A được trình bày đủ nét, nhưng kết hợp chữ và hình trên vẫn tạo thành tổng thể có khả năng gây nhầm lần với nhãn hiệu được bảo hộ".
Do đó, Cục Sở hữu trí tuệ kết luận hành vi của Công ty Asanzo là xâm phạm quyền nhãn hiệu theo Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ.
HĐXX phúc thẩm cho rằng, tòa án sơ thẩm chỉ chấp nhận mức bồi thường là có căn cứ, phù hợp với Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ, bởi Công ty Đông Phương không đưa ra được chứng cứ chứng minh về thiệt hại vật chất, không xác định được bị đơn đã thu được bao nhiêu lợi nhuận từ việc sử dụng nhãn hiệu. Lợi nhuận của Công ty Asanzo là kết quả của nhiều yếu tố cộng hưởng lại.
Bên cạnh đó, HĐXX cũng không chấp nhận kháng cáo của bị đơn và quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Ngoài việc bồi thường và xóa nhãn hiệu, Công ty Asanzo phải xin lỗi, cải chính công khai trên 3 số liên tiếp trên Báo Thanh Niên.