Quy mô vi phạm bản quyền báo chí tại Việt Nam trên nền tảng Facebook và Google đang ở mức báo động.
Ăn cắp, xài chùa, vi phạm bản quyền để trục lợi
Các trận đấu tại Euro 2020 vừa kết thúc ít giờ, trên Youtube, Facebook… đã xuất hiện hàng loạt clip bàn thắng, chương trình tổng hợp, trận đấu phát chậm… mà không được VTV - đơn vị sở hữu bản quyền phát sóng Euro 2020 - cho phép. Các bài báo được các cơ quan báo chí chính thống đầu tư bài bản, công phu vừa xuất bản ít phút, ngay lập tức đã xuất hiện trên Facebook, Google, được dẫn từ các… trang tin điện tử “ba không” (không giấy phép, không cơ quan chủ quản, không nguồn gốc), blog cá nhân, mạng xã hội…
Hàng trăm ngàn video, phim truyện, game… của các đài truyền hình bị cắt ghép, phát lại trên Youtube, Facebook. Những sản phẩm này bị chèn quảng cáo, thu tiền trên lượt xem, click của khách hàng và chảy vào túi của các nền tảng xuyên biên giới như Youtube, Facebook và người phát tán.
Nói không ngoa rằng, Facebook, Google không khác “siêu báo” quyền lực nhất thế giới. Họ không có tòa soạn, không có phóng viên, biên tập viên, không sản xuất nội dung, nhưng 2,4 tỷ người trên thế giới, trong đó có 70 triệu người Việt Nam, khi thức dậy, việc đầu tiên là mở Facebook để xem.
Lấy cớ của sự tự do và đẩy trách nhiệm cho người dùng, Facebook cho phép trích dẫn, chia sẻ thông tin không giới hạn (trừ giới hạn do chính họ đặt ra). Tất cả những thông tin hấp dẫn, nóng bỏng đó, trớ trêu thay, lại do các cơ quan truyền thông báo chí sản xuất.
Gần 1 tỷ USD doanh thu quảng cáo trực tuyến năm 2020 tại Việt Nam rơi vào túi Facebook, Google, nhưng họ không chi trả một xu cho báo chí, truyền hình - nơi sản xuất nội dung mang lại doanh thu cho họ. Báo chí, truyền thông Việt Nam đang “làm không công” cho họ trục lợi.
Miếng bánh ngân sách quảng cáo mà các thương hiệu lớn, doanh nghiệp Việt chi cho báo chí, truyền thông Việt Nam bị teo tóp lại, Facebook, Google thì phình to, trở thành “ký sinh trùng” hút máu các đơn vị sản xuất nội dung tại Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung, gây nên làn sóng đòi các nền tảng xuyên biên giới trả tiền cho các cơ quan truyền thông.
Sự kiện đối đầu giữa Facebook và báo chí Australia hồi tháng 2/2021 là giọt nước tràn ly của tình trạng này. Số liệu của Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Australia chỉ ra rằng, Facebook chỉ nộp khoản thuế 20 triệu USD trên doanh thu 712,7 triệu USD. Không những mất doanh thu, báo chí Australia khốn khổ trước sự điều tiết thông tin của Facebook. Năm 2020, Facebook, Google đạt doanh thu khổng lồ 268 tỷ USD, nhưng họ chỉ chi ra số tiền ít ỏi 900 triệu USD để trả cho một số cơ quan báo chí.
Phải trả phí cho báo chí Việt Nam
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), quy mô vi phạm bản quyền báo chí tại Việt Nam trên nền tảng Facebook và Google đang ở mức báo động. Chính những vi phạm này đang từng ngày kéo giảm, bào mòn doanh thu, nguồn lực, tài sản trí tuệ của báo chí chính thống.
Các chuyên gia cho rằng, muốn thành công, các cơ quan báo chí phải xây dựng thành một liên minh có đủ sức mạnh, trọng lượng để đàm phán với Facebook, Google.
Ông Lâm cho rằng, để giải quyết vấn đề rất khó này, các cơ quan báo chí cần lên tiếng công khai các biểu hiện vi phạm pháp luật của những nền tảng quảng cáo xuyên biên giới này. Bên cạnh đó, cần thành lập liên minh báo chí - trang tin điện tử uy tín - công ty công nghệ nhằm hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau trong việc giành lại thị phần quảng cáo trực tuyến.
Còn theo ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), một số quốc gia đang quyết liệt yêu cầu Google, Facebook trả phí bản quyền cho báo chí. Trong xu thế chung đó, Việt Nam cũng nên tính đến việc đàm phán để báo chí trong nước có được khung thỏa thuận mang lại nguồn thu chính đáng, do bản quyền của một số cơ quan báo chí đã bị các nền tảng xuyên biên giới này vi phạm trong thời gian dài.
Cả Google và Facebook đều xác định, Việt Nam là thị trường trọng điểm, không chỉ trong khu vực Đông Nam Á. Xu hướng sử dụng công cụ của các nền tảng này tại Việt Nam đã và đang phát triển với tốc độ cao, nguồn lợi thu được khá lớn, nên họ không có lý do gì để không chăm sóc khách hàng. Bên cạnh khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, báo chí cũng là khách hàng đặc biệt của các ông lớn công nghệ, bởi họ sử dụng tin bài trên báo chí để tăng lượng truy cập, tăng nguồn thu từ quảng cáo trực tuyến.
“Trước đây, Facebook lập luận rằng, họ có công giúp báo chí tăng view. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán, chúng tôi luôn khẳng định, điều đó chỉ đúng một phần. Thực tế cho thấy, dù có thể tăng view, nhưng cơ quan báo chí không phải mang ơn Facebook, vì mọi nguồn lợi đều chảy về Facebook. Cơ quan báo chí thậm chí còn mất thị trường này vì người ta không quảng cáo trên báo chí, mà chuyển sang quảng cáo trên Facebook.”, ông Tự Do cho biết.
Theo PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), để đàm phán thắng lợi, Việt Nam cần xây dựng một lộ trình cụ thể cho việc luật hóa, đưa ra các điều khoản và các tiêu chí phù hợp để các khoản chi trả được phân bổ hợp lý tới các chủ thể, không để chỉ các hãng truyền thông lớn được hưởng lợi, còn các công ty nhỏ chịu thiệt thòi.
Bên cạnh đó, cần phải thương lượng tập thể và có sự hậu thuẫn của cơ quan chức năng thì mới hy vọng đạt được tiến bộ. Sẽ phải liên kết giữa các bộ, ngành liên quan, đồng thời trao đổi với các cơ quan báo chí, truyền thông trong nước để thống nhất ý chí.
Cơ quan quản lý báo chí cần có kế hoạch xây dựng một liên minh kết nối các cơ quan báo chí lớn của Việt Nam có lượng bạn đọc, lượng truy cập lớn và thường xuyên được khai thác, sử dụng thông tin, sản phẩm trên các nền tảng công nghệ như Facebook, YouTube... để có tiếng nói chung trong việc đấu tranh đòi quyền lợi về bản quyền và chi phí đối với những nền tảng này.
Cùng với đó là sự hậu thuẫn, ủng hộ, tham gia về chuyên môn của các đơn vị, tổ chức, công ty luật am hiểu về Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Cạnh tranh…, liên minh bảo vệ bản quyền cho cơ quan báo chí Việt Nam.