Con số 20 triệu chưa lớn với một thị trường có hơn 50 triệu người dùng smartphone, nhưng ông có đề cập tới khái niệm độ phủ tài chính lại là rất lớn, điều này nên được hiểu thế nào?
Trong 2 năm qua, số người dùng Ví MoMo tăng rất nhanh. Nếu như năm 2019 chúng tôi mới đạt được 10 triệu người dùng thì sang năm 2020 đã tăng gấp đôi, hiện chúng tôi đã có hơn 20 triệu người sử dụng.
Việt Nam hiện có gần 44 triệu người đang sử dụng điện thoại thông minh (smartphone). Ví MoMo có 20 triệu người dùng, con số này tương đương gần 1/2 dân số có smartphone và gần 1/5 dân số Việt Nam.
Đây là một nỗ lực to lớn của chúng tôi trong việc phổ cập dịch vụ tài chính thông qua công nghệ, đồng thời cho thấy sự cởi mở của thị trường đối với các dịch vụ thanh toán trên di động.
Không như những ứng dụng chat, ứng dụng giải trí thông thường chỉ cần tải về là có thể dùng được, việc sử dụng các ứng dụng tài chính như Ví MoMo phức tạp hơn và đòi hỏi người dùng phải có độ tin tưởng cao hơn để cung cấp các thông tin cá nhân cũng như thói quen chi tiêu, thanh toán của mình.
Do đó, con số 20 triệu người tin dùng càng khẳng định, MoMo không chỉ là ứng dụng tài chính đơn thuần, mà đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của đại đa số người Việt.
Như ông chia sẻ, tiềm năng rõ ràng là rất lớn, nhưng bước phát triển có lẽ vẫn chậm, liệu rào cản nào cần phải tháo gỡ để người dân chuyển đổi nhanh hơn sang các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt?
Rào cản đầu tiên là để dùng được dịch vụ, khách hàng vẫn phải có tài khoản ngân hàng. Hiện hầu hết người dân ở thành phố đều có tài khoản ngân hàng, nhưng ở nông thôn thì còn hạn chế vì nhiều lý do.
Mặc dù việc triển khai xác thực người dùng điện tử (eKYC) sắp tới có thể hỗ trợ thêm về vấn đề này, nhưng để người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính hơn nữa thì đòi hỏi ngân hàng phải có hệ thống đại lý được phủ rộng khắp mọi nơi. Vậy làm sao để các đại lý có thể có mặt khắp mọi nơi mới là điều quan trọng.
Thứ hai là các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực Fintech rất đa dạng như: Thanh toán điện tử (payment), cho vay ngang hàng (P2P lending), chấm điểm tín dụng (credit scoring), gọi vốn cộng đồng (crowdfunding), ngân hàng số (digital banking)... Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện cũng chỉ mới có quy định liên quan đến thanh toán điện tử. Vì vậy, rất khó để các doanh nghiệp định hướng rõ ràng con đường phát triển của Fintech trong tương lai.
Dù thanh toán điện tử là lõi của Fintech, nhưng suy cho cùng đây cũng chỉ là một phần cấu thành hệ sinh thái Fintech, là công cụ hỗ trợ, giúp cho những dịch vụ, sản phẩm tài chính khác hoàn thiện hơn.
Chẳng hạn, người dùng mua bảo hiểm khi đến hạn đóng phí thì có thể dùng ví điện tử để đóng, người đi vay tiêu dùng thì có thể được giải ngân qua ví điện tử...
Vì vậy, phải có càng nhiều sản phẩm, dịch vụ tài chính của lĩnh vực Fintech được công nhận và cho phép hoạt động thì thanh toán điện tử, ví điện tử mới mở rộng thêm đất để phát triển được.
Ông Nguyễn Bá Diệp. |
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm (sandbox) đối với các Fintech hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng. Nếu sandbox được vận hành, ông có cho rằng sẽ là nền tảng để các Fintech phát triển mạnh hơn?
Doanh nghiệp công nghệ là đổi mới sáng tạo, là phải làm cái gì chưa có. Mà chưa có thì cũng chưa có hành lang pháp lý để điều chỉnh, thế thì doanh nghiệp sẽ phải hoạt động dựa trên cái gì?
Nếu không có hành lang pháp lý đủ mở thì việc đổi mới sáng tạo sẽ tiếp tục là câu chuyện để bàn tại các cuộc họp, hội thảo.
Công nghệ biến đổi không ngừng, không ai biết hai năm tới thế giới sẽ thế nào, dịch vụ sẽ ra sao, công nghệ tài chính phát triển đến đâu. Bởi vậy, theo tôi tốt nhất là nên có luật về công nghệ để các công ty công nghệ dựa vào đó hoạt động.
Ý ông là không cần trông đợi vào sandbox?
Không phải vậy. Trong khi chưa có quy định pháp lý thì cơ chế sandbox là rất cần thiết, nhưng câu chuyện ở đây là cơ chế sandbox sẽ hoạt động như thế nào, hậu sandbox sẽ ra sao? Mấu chốt vẫn là hành lang pháp lý bởi nếu không có cơ sở pháp lý, không cho phép hoạt động thì cũng không giải quyết được vấn đề.
Như thử nghiệm vắc-xin, nếu không được phép thì vẫn không thể bán ra thị trường. Nhìn chung, nếu không có luật cho phép đổi mới sáng tạo thì mọi việc vẫn còn rất khó khăn. Theo như tôi quan sát, nhiều công ty cùng ngành rất lúng túng về vấn đề này.
Vậy, ông dự báo thế nào về tương lai thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam?
Tôi nghĩ sẽ rất tươi sáng. Bởi vì bây giờ người dân đã bắt đầu làm quen với các phương thức thanh toán hiện đại, đặc biệt là giới trẻ - những chủ nhân của đất nước trong tương lai.
Trong khi Chính phủ cũng đang đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt cho thanh toán dịch vụ công, thanh toán thuế, tiền phạt hành chính...
Chính phủ hiện còn yêu cầu các đơn vị nhà nước đưa hết dịch vụ hành chính công lên cổng dịch vụ công quốc gia để tăng tính minh bạch và các đơn vị kinh doanh cũng đang hăng hái sử dụng thanh toán điện tử.
Đặc biệt, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, mức sống của người dân cũng ngày càng được nâng cao, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh, kéo theo đó là xu hướng tiêu dùng, sử dụng những sản phẩm dịch vụ hiện đại, bao gồm các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngay cả người nông dân hiện cũng có nhu cầu về các dịch vụ thanh toán hiện đại để phục vụ sản xuất và cuộc sống. Vì vậy, theo tôi, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tiếp tục tăng tốc nhanh trong thời gian tới, ngay cả khi đại dịch Covid-19 được đẩy lùi.
Liệu đây có được cho rằng là bệ đỡ để MoMo trở thành ứng dụng tài chính số 1 thị trường Việt Nam?
Mong muốn chiếm lĩnh thị trường thì ai cũng có, không riêng gì MoMo. Tuy nhiên, thành thực mà nói, hiện MoMo chưa phải ở đỉnh cao.
Mong muốn chiếm lĩnh thị trường thì ai cũng có, không riêng gì MoMo. Tuy nhiên, thành thực mà nói, MoMo chỉ mới thành công ở bước đầu.
Câu chuyện ở đây đơn giản chỉ là ngày trước chúng tôi là con số 0, còn bây giờ là con số 1 và con số 1 này như là tầng 1 của toà nhà 20 tầng. Điều này có nghĩa chặng đường phía trước còn rất dài. Những thành quả của MoMo thời gian qua mới chỉ là thành công bước đầu.
Trong khi công nghệ liên tục phát triển, cái mới của ngày hôm nay, sang đến ngày mai đã trở thành lỗi thời. Vì vậy, để có thể duy trì được đà tăng trưởng, chúng tôi cần phải làm sao để cải tiến công nghệ, có nhiều dịch vụ hơn nữa, đưa ứng dụng trở nên phổ biến rộng rãi hơn…
MoMo đã nhận vốn đầu tư của nhà đầu tư ngoại và dài hơi hơn MoMo có bao giờ tính đến chuyện bán mình cho nhà đầu tư khác?
Ở đây có hai vấn đề cần phải làm rõ.
Đầu tiên, chúng tôi đang đứng trên vai người khổng lồ, đang dùng tiền nhà đầu tư nước ngoài để xây dựng một sản phẩm Việt Nam, bằng trí tuệ Việt Nam và nhà đầu tư vẫn đang khuyến khích chúng tôi làm chuyện đấy.
MoMo đi được đến ngày hôm nay cũng là nhờ tinh thần kêu gọi anh em không được để sản phẩm Việt, trí tuệ Việt là hư danh. MoMo mong muốn sử dụng công nghệ cung cấp dịch vụ tài chính cho người dân Việt Nam với chi phí hợp lý nhất.
Nếu giờ MoMo không còn tư tưởng này nữa thì giá trị cốt lõi cũng không còn. Nhà đầu tư rót vốn vào MoMo vì những nhân sự có thể dẫn dắt Công ty đến thành công.
Nhà đầu tư biết là đang đầu tư vào một sản phẩm thuần Việt, phục vụ cho thị trường Việt và MoMo có ưu thế trên thị trường này thì Công ty sẽ có rất giá trị.
Thứ hai, những người tham gia với MoMo mười mấy năm nay không phải vì tiền, mà vì mong muốn công nghệ thay đổi cuộc sống con người Việt Nam. Đây là giấc mơ của cả Công ty và mọi người cùng cố gắng, cống hiến để đạt được.
Giả sử đem Công ty bán cho nước ngoài thì giấc mơ đó sẽ không còn nữa, mọi người cũng không còn thì... cũng sẽ chẳng còn MoMo. Chúng tôi chưa bao giờ có ý tưởng bán MoMo. Nếu mà có ý tưởng xây một công ty để bán thì MoMo không bao giờ có ngày hôm nay.
Đại dịch Covid-19 có ảnh hưởng gì đến hoạt động của MoMo?
Đại dịch có nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế, nhưng lại là cơ hội giúp thị trường thanh toán trực tuyến phát triển tốt hơn.
Ngày trước, người dân thường có thói quen thanh toán bằng tiền mặt, nhưng khi giãn cách xã hội và để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan thì phương thức thanh toán điện tử được áp dụng mạnh mẽ. Đặc biệt khi chuyển sang thanh toán điện tử thì người dân phát hiện ra không những không mất gì, thậm chí còn được hưởng nhiều lợi ích.
Trong khi doanh nghiệp cũng tạo ra một kênh bán hàng mới, đó là phương án phòng ngự khi gặp khó khăn vẫn vận hành bình thường.