Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

VFA sẽ vẫn thực hiện việc định giá gạo xuất khẩu

Việc xác định giá sàn gạo xuất khẩu vẫn được giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thực hiện với sự giám sát của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.

Đó là điều ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), khẳng định tại cuộc họp triển khai thực hiện thông tư số 89/2011 của Bộ Tài chính về hướng dẫn phương pháp xác định giá sàn gạo xuất khẩu (có hiệu lực từ ngày 1/8/2011) diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/9.

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, hiện nay cơ quan nhà nước xây dựng tiêu chí xây dựng giá sàn trên cơ sở vẫn giao cho VFA theo từng thời kỳ và từng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

 

Tuy nhiên, mỗi công bố giá đều phải có báo cáo Bộ Công thương và Bộ Tài chính để giám sát, qua đó giá sàn gạo xuất khẩu được minh bạch hơn.

 

Trong thời gian hơn một tháng sau khi Thông tư 89 có hiệu lực, Bộ Tài chính xác nhận VFA đã có báo cáo kịp thời về giá sàn xuất khẩu gạo, Bộ đang kiểm tra, đánh giá lại xem với cách tính mới có tác động thế nào đến xuất khẩu gạo.

 

Trước khi Thủ tướng ban hành Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo đã có nhiều tranh cãi về việc VFA công bố giá sàn xuất khẩu gạo chỉ dựa theo điều lệ của Hiệp hội đã được Bộ Nội vụ phê chuẩn.

 

Đến nay Nghị định 109 đã pháp lý hóa vị trí chức năng của VFA, căn cứ vào hướng dẫn cách tính giá sàn của cơ quan nhà nước để VFA cùng với các thương nhân xuất khẩu gạo xác định giá sàn có lợi nhất cho xuất khẩu.

 

Công thức xác định giá sàn gạo xuất khẩu bình quân của từng tiêu chuẩn phẩm cấp được tính như sau: Giá sàn gạo xuất khẩu bình quân của từng tiêu chuẩn phẩm cấp gạo (VNĐ, USD/tấn) = giá vốn gạo xuất khẩu bình quân của từng tiêu chuẩn phẩm cấp gạo (VNĐ, USD/tấn) + lợi nhuận dự kiến + các loại thuế phải nộp theo quy định của pháp luật./.