Năm 2021 công ty mẹ VEAM đặt kế hoạch doanh thu 1.116,1 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với thực hiện năm 2020.
Kế hoạch lợi nhuận sụt giảm
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2021 của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - Công ty cổ phần (VEAM, mã chứng khoán: VEA) vừa được thông qua tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, năm nay, công ty mẹ VEAM đặt kế hoạch doanh thu 1.116,1 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với thực hiện năm 2020.
Trái ngược kế hoạch doanh thu tăng mạnh, mục tiêu lợi nhuận sau thuế của VEAM lại giảm 19% so với thực hiện năm 2020, xuống mức 5.930 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận mục tiêu này chưa tính trích lập dự phòng khoản phải thu là các khoản VEAM đã cho vay đối với các đơn vị có vốn góp.
Kế hoạch lợi nhuận sụt giảm được đánh giá đến từ kế hoạch doanh thu tài chính của VEAM năm nay chỉ kỳ vọng ở mức 6.290 tỷ đồng, giảm 20,5% so với năm 2020, do dự kiến giảm lợi nhuận từ các công ty liên doanh, liên kết.
Hiện nay, phần lớn lợi nhuận của VEAM đến từ các công ty liên doanh, liên kết. Tính đến ngày 31/3/2021, VEAM đầu tư hơn 1.090 tỷ đồng vào 8 công ty liên doanh, liên kết, gồm 359 tỷ đồng vào Honda Việt Nam (sở hữu 30%), 374,9 tỷ đồng vào Ford Việt Nam (sở hữu 25%), 287,7 tỷ đồng vào Toyota Việt Nam (sở hữu 20%).
“Lợi nhuận mảng ô tô từ các công ty liên kết (Toyota, Ford) giảm, trong khi doanh thu của mảng xe máy (Honda) phục hồi với tốc độ chậm trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ ba và thứ tư tại Việt Nam”, Bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán SSI đánh giá.
Báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông, ông Phan Phạm Hà, Tổng giám đốc VEAM cho biết, năm 2021, do ảnh hưởng bởi Covid-19, lĩnh vực kinh doanh ô tô chưa có dấu hiệu khả quan, Tổng công ty tiếp tục tập trung vào mục tiêu tiêu thụ hàng tồn kho, nhằm đảm bảo tồn kho tối thiểu. Trong khi đó, lĩnh vực động cơ và máy nông nghiệp liên tục sụt giảm, nên công ty mẹ không thể đầu tư khi chưa có phương án đột phá.
Việc mặt bằng lãi suất giảm trong thời gian qua cũng ảnh hưởng đến lãi tiền gửi ngân hàng - vốn là nguồn đóng góp đáng kể vào doanh thu tài chính của VEAM, với số dư tiền gửi có kỳ hạn có giá trị 14.042 tỷ đồng đến cuối quý I/2021, chiếm 50,5% tổng tài sản của doanh nghiệp này.
Gánh nặng tồn kho, phải thu và các khoản ngoại trừ
Tính đến cuối quý I/2021, theo báo cáo tài chính hợp nhất, VEAM có giá trị hàng tồn kho trị giá 1.739,1 tỷ đồng, đã trích lập dự phòng 465,3 tỷ đồng (tỷ lệ 26,7%). Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là tồn kho thành phẩm với 901,8 tỷ đồng (trích lập dự phòng 309,2 tỷ đồng).
Trước đó, trong năm 2020, giá trị trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho của VEAM đã tăng khá mạnh, từ 214,7 tỷ đồng lên 463,3 tỷ đồng, tăng 116% và ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận gộp của Công ty. Đây cũng là vấn đề đã diễn ra trong năm 2019, khi VEAM phải trích lập 178,4 tỷ đồng dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Theo báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC), VEAM hiện tồn kho 2.400 xe tải, với giá trị là 1.111 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2020, VEAM đã trích lập 485 tỷ đồng dự phòng. Tuy nhiên, giá trị của lô hàng tồn kho nói trên có thể tiếp tục giảm, nếu quá trình xử lý kéo dài.
Bên cạnh hàng tồn kho, thì trích lập dự phòng phải thu cũng là vấn đề đáng lưu ý. Tính đến cuối quý I/2021, giá trị phải thu ngắn hạn trên báo cáo tài chính hợp nhất là 3.269 tỷ đồng, giá trị trích lập dự phòng phải thu khó đòi là 437,3 tỷ đồng. Trong đó, giá trị phải thu ngắn hạn của khách hàng là 872,5 tỷ đồng, trích dự phòng 378 tỷ đồng (tỷ lệ 43,3%), trả trước cho người bán 243,3 tỷ đồng, trích lập dự phòng 50,6 tỷ đồng (tỷ lệ 20,8%).
Trên báo cáo kiểm toán năm 2020, đơn vị kiểm toán cũng đã ngoại trừ việc Tổng công ty chưa đánh giá khả năng thu hồi với khoản phải thu khác ngắn hạn về các khoản hỗ trợ vốn cho các đơn vị thành viên với giá trị gốc và lãi tương ứng là 91,5 tỷ đồng và 34 tỷ đồng.
VEAM cũng chưa ghi nhận tăng nguyên giá, trích khấu hao tài sản cố định dưới dạng hệ thống, dây chuyền và khi kiểm kê cũng không đối chiếu được số liệu chi tiết kế toán với thực tế do quá trình chuyển giao tài sản của Nhà máy Ô tô VEAM Thanh Hóa không xác định nguyên giá chi tiết tài sản với tổng giá trị tài sản cố định nhận bàn giao năm 2010 là 652,9 tỷ đồng và giá trị còn lại đến cuối năm 2020 là 232 tỷ đồng.
Kiểm toán cũng cho biết, VEAM chưa đánh giá ảnh hưởng của việc công ty con - Công ty TNHH một thành viên Cơ khí Trần Hưng Đạo bị kiểm toán ngoại trừ như chưa đối chiếu đầy đủ công nợ phải thu khách hàng (32,6 tỷ đồng), phải thu ngắn hạn khác (12,6 tỷ đồng), chưa đánh giá và trích lập dự phòng với các khoản nợ quá hạn (43,3 tỷ đồng), chưa trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho (14,2 tỷ đồng) khi hợp nhất vào báo cáo của VEAM…
Nhiều vấn đề bị kiểm toán ngoại trừ không chỉ ẩn chưa rủi ro đối với lợi nhuận của VEAM trong tương lai, mà còn ảnh hưởng đến tiến trình đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết.
Việc đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết đã được đưa vào nghị quyết cuộc họp Đại hội đồng cổ đông của VEAM từ năm 2019, song đến nay vẫn chưa thể thực hiện, do Báo cáo kiểm toán Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất còn tồn tại ý kiến kiểm toán ngoại trừ.