Nhiều nghi vấn chưa có câu trả lời thỏa đáng
Ngày 3/8/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP và một số đơn vị thành viên”; đồng thời khởi tố bị can đối với ông Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Tổng giám đốc; ông Lâm Chí Quang, nguyên Tổng giám đốc; ông Vũ Từ Công, Phó tổng giám đốc; ông Nguyễn Mạnh Chung, Giám đốc Công ty TNHH Máy kéo và máy nông nghiệp.
Ngày 5/8/2019, Hội đồng quản trị của VEAM đã ban hành Quyết định 29/QÐ-HÐQT bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc đối với ông Vũ Từ Công.
Sau biến cố trên, rất nhiều câu hỏi được thị trường, nhà đầu tư đặt ra về những hệ quả mà Tổng công ty, cũng như cổ đông phải gánh chịu do những sai phạm của ban lãnh đạo tiền nhiệm cũng như hiện tại gây ra.
Ðó là: Có hay không sai lầm trong quyết định đầu tư của Ban lãnh đạo VEAM khiến lượng hàng tồn kho lên tới gần 3.000 ô tô, tương ứng với vốn tồn kho hơn 1.000 tỷ đồng, dẫn đến mất cân đối về tài chính? Tình trạng này có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của VEAM hay không? Gánh nặng tài chính có khiến Tổng công ty rơi vào thua lỗ và VEAM đang xử lý thế nào?
Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, bà Hoàng Thị Thanh Tâm, Ban Quan hệ nhà đầu tư, VEAM cho biết, vấn đề này đang được Ban lãnh đạo Tổng công ty giải quyết, nên… chưa có thông tin để công khai!
Những sóng gió gần đây xảy ra với VEAM khiến thị giá cổ phiếu VEA biến động mạnh. Phiên giao dịch ngày 30/7/2019, cổ phiếu VEA có phiên giảm giá kỷ lục trong vòng 1 năm qua khi giảm tới 3.400 đồng/cổ phiếu, tương đương 5,36%.
Từ đầu tháng 8 đến nay, thị giá cổ phiếu VEA có nhiều phiên giảm trên 1%. Chốt phiên giao dịch ngày 8/8, thị giá của VEA là 58.200 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao gần gấp đôi so với thời điểm một năm trước.
Phóng viên đã đặt câu hỏi về việc có hay không việc tăng giá của VEA được tiếp sức bởi những sai phạm của VEA, mà nay nếu cơ quan điều tra phanh phui ra sẽ tác động xấu đến giá cổ phiếu, ảnh hưởng tiêu cực đến các cổ đông?
Cũng với lý do chưa nắm được thông tin, bà Tâm không đưa ra câu trả lời, mà đề xuất liên hệ với lãnh đạo của VEAM để có câu trả lời cụ thể. Bằng nhiều cách, phóng viên đã liên hệ được với ông Ngô Văn Tuyển, quyền Tổng giám đốc, Người công bố thông tin của VEAM, nhưng vị này tìm cách lảng tránh.
Mặc dù VEAM công khai các đầu mối chịu trách nhiệm giải đáp các câu hỏi liên quan đến Tổng công ty, cũng như lãnh đạo vừa bị khởi tố hình sự là Văn phòng Hội đồng quản trị, Ban Quan hệ các nhà đầu tư, Văn phòng tổng hợp, nhưng đang có sự “chuyền bóng” giữa các đơn vị này trong cung cấp thông tin ra thị trường.
Ðiều này càng gia tăng quan ngại về những khuất tất trong hoạt động của VEAM, dẫn đến những ẩn họa với cổ đông một khi các góc khuất được cơ quan bảo vệ pháp luật phơi bày.
Ðường sang HOSE thêm xa
VEAM tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, được đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) vào cuối tháng 8/2016. Ðến tháng 7/2018, Công ty đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM và kế hoạch chuyển sang sàn HoSE cũng được rục rịch chuẩn bị ngay sau đó. Tuy nhiên, nhiều lực cản xuất hiện khiến cho mục tiêu chuyển sàn của VEAM khó có thể đạt được trong năm 2019.
Tại Ðại hội đồng cổ đông năm 2019 tổ chức mới đây, ông Bùi Quang Chuyện, Chủ tịch Hội đồng quản trị VEAM đã giải thích về lý do chậm chuyển sàn. Theo đó, trong năm 2018, VEAM đã thuê đơn vị tư vấn thực hiện các thủ tục niêm yết cổ phiếu trên HOSE, nhưng chưa hoàn thành do không đảm bảo điều kiện “không có các yếu tố ngoại trừ trọng yếu trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán của hai năm liền kề liên tiếp”.
Liên quan đến các yếu tố ngoại trừ, tại báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính của công ty mẹ (kỳ kế toán từ ngày 1/1/2016 - 23/1/2017) của VEAM, Công ty TNHH Kiểm toán và định giá Việt Nam đưa ra ý kiến: “Theo văn bản số 9618/VPCP-ÐMDN ngày 18/11/2015 của Văn phòng Chính phủ về xử lý vướng mắc khi thực hiện cổ phần hóa VEAM, thì Tổng công ty phải tiếp nhận khoản nợ phải thu khó đòi với giá trị hơn 70 tỷ đồng của Agriculture Supply Co., ltd từ Công ty TNHH MTV Ðộng cơ và máy nông nghiệp miền Nam và thỏa thuận bán nợ cho Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam, chênh lệch được bù trừ vào lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty.
Ðến ngày 6/1/2017, VEAM đã tiếp nhận khoản nợ trên, nhưng đến thời điểm phát hành báo cáo tài chính này, VEAM vẫn chưa bán được khoản nợ cho Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam, nhưng đã ghi nhận vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối…”.
Một loạt nội dung ngoại trừ khác được đơn vị kiểm toán nêu ra tại báo cáo tài chính công ty mẹ năm 2017 của VEAM. Ðầu tiên là khoản hỗ trợ vốn cho một số đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty chưa được VEAM ghi nhận và xác định lãi phát sinh.
Thứ hai, tại ngày 31/12/2017, VEAM ghi nhận khoản chênh lệch thiếu hàng hóa và tài sản cố định hữu hình giữa số liệu thực tế kiểm kê với số liệu ghi trên sổ sách kế toán tại ngày 23/1/2017 với giá trị hơn 2,6 tỷ đồng tại khoản mục “Tài sản thiếu chờ xử lý”.
Tuy nhiên, VEAM vẫn chưa xác định nguyên nhân để xử lý, thu hồi tài sản này. Thứ ba, VEAM chưa đánh giá khả năng thu hồi đối với khoản trả trước cho người bán hàng đang được trích lập dự phòng phải thu khó đòi với giá trị hơn 50,1 tỷ đồng…
Trả lời câu hỏi những vấn đề trên sẽ còn gây khó cho kế hoạch chuyển sàn của VEAM trong bao lâu, bà Tâm cho biết, VEAM đang trong quá trình làm việc với HOSE để tìm hướng xử lý. Tuy nhiên, với những diễn biến mới tại VEAM, có thể tới đây, những nội dung này không còn là vấn đề trọng yếu.
Ðem mối quan tâm trên của nhà đầu tư sang hỏi HOSE, một lãnh đạo sàn này cho biết, về nguyên tắc, nếu VEAM chứng minh được những nội dung trong hồ sơ xin đăng ký niêm yết lên HoSE không liên quan đến các nội dung mà cơ quan chức năng đang điều tra, thì HOSE vẫn xem xét hồ sơ.
Tuy nhiên, nếu có bằng chứng cho thấy các điều kiện niêm yết mà VEAM phải đáp ứng có liên quan đến các nội dung cơ quan điều tra đang điều tra, xem xét, HOSE sẽ phải đợi cho đến khi cơ quan chức năng có kết luận rõ ràng, thì mới xem xét hồ sơ niêm yết cổ phiếu VEA. Quá trình này kéo dài bao lâu không thể biết được, mà phụ thuộc vào các cơ quan chức năng.
Việc hàng loạt cựu lãnh đạo và lãnh đạo VEA bị khởi tố hình sự không chỉ tác động xấu đến quyền lợi của các cổ đông, mà còn khiến mục tiêu thoái vốn của nhà nước gặp khó khăn. Theo Quyết định 1232/2017/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020, trong năm 2017, nhà nước sẽ thoái 52,47% vốn tại VEAM.
Thế nhưng, đến nay, Bộ Công thương chưa chốt phương án thoái vốn do yêu cầu bộ phận đại diện vốn nhà nước tại VEAM làm rõ một số nội dung liên quan đến giá khởi điểm, cũng như phương án thoái vốn, nên tình trạng chậm trễ thoái vốn tại VEAM không biết kéo dài đến bao giờ.