Vẽ lại bức tranh M&A của Masan

Vẽ lại bức tranh M&A của Masan

(ĐTCK) Mỗi thương vụ M&A của Masan là một sự đột phá về ngành nghề hay sản phẩm.

Ba năm qua, Tập đoàn Masan “khuynh đảo” thị trường mua bán công ty nội địa với nhiều thương vụ M&A tạo tiếng vang: thâu tóm Vinacafe Biên Hòa, mua lại 40% cổ phần của Proconco…, mới đây nhất là tuyên bố thông qua công ty con là Masan Consumer (Masan hiện sở hữu 80,81% vốn) mua lại 24,9% CTCP Nước khoáng Vĩnh Hảo. Từ những mảnh ghép rải rác, đâu là bức tranh toàn cảnh trong hoạt động M&A của Masan ?

Vẽ lại bức tranh M&A của Masan ảnh 1Nước khoáng Vĩnh Hảo vừa chính thức trở thành miếng ghép mới nhất gắn với tên tuổi Masan

 

Mảnh ghép mới: Vĩnh Hảo

Thương hiệu nước khoáng Vĩnh Hảo với hơn 80 năm tuổi đời vừa chính thức trở thành miếng ghép mới nhất gắn với tên tuổi Masan . Theo thông cáo báo chí của CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer), Công ty sẽ mua 24,9% vốn cổ phần của CTCP Nước khoáng Vĩnh Hảo (Vĩnh Hảo). Hiện tại, Vĩnh Hảo có vốn điều lệ 81 tỷ đồng, hơn 84% cổ phần thuộc về các cổ đông lớn như: Gemadept (29%), SCIC (20,16%), BankInvest (25,77%), Temasia Capital Limeted (4,29%), Ngân hàng Việt Á (4,2%).

Masan Consumer không nêu rõ mức giá chào mua, tuy nhiên nguồn tin riêng của ĐTCK cho biết, giá mua của Công ty dự kiến cao gấp hơn 3 lần so với giá giao dịch trên thị trường OTC gần đây. Với mức giá này, giá trị thị trường của Vĩnh Hảo được định giá trên 600 tỷ đồng.

Hiện tại, Vĩnh Hảo đang cung cấp ra thị trường nước ngọt và nước uống có ga, tuy nhiên nổi tiếng hơn cả là nước khoáng đóng chai gắn liền với một truyền thuyết lịch sử khá lãng mạn: Đầu thế kỷ XIV, để giữ hòa hiếu giữa hai quốc gia, vua Trần Nhân Tôn gả Huyền Trân Công Chúa cho vua Chiêm Thành là Chế Mân. Nhớ về cố hương, Huyền Trân thường ngao du đó đây để giải tỏa phiền muộn. Trong một lần dừng chân trước dòng suối nước nóng trong vắt, êm ả, Huyền Trân Công Chúa đã đặt tên cho dòng suối đó là Vĩnh Hảo, với mong muốn mối bang giao giữa hai quốc gia bền vững, tốt đẹp. Sau này, vào năm 1928, các kỹ sư người Pháp đã phát hiện ra chất lượng tuyệt hảo của nguồn suối khoáng Vĩnh Hảo tương tự nước khoáng Vichy hay Vals tại chính quốc để đưa vào khai thác thương mại.

So với các khoản “shopping” gần đây của Masan , Vĩnh Hảo là khoản đầu tư khá khiêm tốn. Theo công bố của Vĩnh Hảo, năm 2011 Công ty đạt doanh thu 384 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 11,45 tỷ đồng. Năm 2012, Công ty đặt mục tiêu doanh thu 476 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 25,35 tỷ đồng - khá bé nhỏ so với doanh thu và lợi nhuận “ngàn tỷ” của cả Tập đoàn Masan . Tuy nhiên, Vĩnh Hảo là công ty tăng trưởng nhanh. Vài năm gần đây, bất chấp khủng hoảng kinh tế và môi trường kinh doanh khó khăn, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Vĩnh Hảo vẫn khá cao, đạt 24 - 85%/năm; sản lượng tiêu thụ tăng 24 - 50%/năm.

Theo Hiệp hội Rượu bia và Nước giải khát Việt Nam, thị trường nước giải khát không cồn của Việt Nam 5 năm gần đây có mức tăng trưởng trên 20%/năm, cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới. Dư địa phát triển của thị trường này còn rất lớn khi trung bình mỗi người Việt Nam mới tiêu thụ khoảng 3 lít nước giải khát đóng chai không cồn/năm, trong khi con số bình quân của Philippines cao hơn 15 lần.

ADatamonitor - công ty nghiên cứu thị trường của Anh nhận định, thị trường nước đóng chai Việt Nam có thể đạt doanh thu 300 triệu USD vào năm 2014. Sự mở rộng đầu tư của nhiều tập đoàn nước ngoài như Coca Cola, PepsiCo, Nestlé… trong năm 2012 là minh chứng cho tiềm năng của thị trường này.

 

Mở rộng và đột phá

Vĩnh Hảo là miếng ghép mới nhất về ngành nghề của Masan ngay sau khi HĐQT Masan Consumer ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT hoặc Tổng giám đốc quyết định các điều kiện và điều khoản đầu tư vào các công ty trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại Việt Nam. Theo đó, giá trị đầu tư vào mỗi công ty FMCG tối đa là 200 tỷ đồng. Theo khảo sát của Công ty FTA, xu hướng phát triển ngành hàng FMCG tại thị trường Việt Nam là tất yếu khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thông tin đầy đủ về sản phẩm trên bao bì, được phân phối tại các kênh tin cậy như siêu thị, hệ thống phân phối riêng. Các nhà sản xuất ngành hàng tiêu dùng nhanh nổi tiếng thế giới hiện nay đều đã hiện diện tại Việt Nam như Coca Cola, Proter & Gamble, Unilever, Nestlé… Các sản phẩm của Vĩnh Hảo hoàn toàn có thể tích hợp vào hệ thống phân phối khá mạnh của Masan , tương tự sản phẩm của Vinacafé Biên Hòa hiện nay.

Gần đây, mỗi thương vụ M&A của Masan là một sự đột phá mới về ngành nghề hay sản phẩm. Tháng 10/2011, Masan thâu tóm thành công Vinacafe Biên Hòa - ngành hàng cà phê. Một năm sau, Masan mua lại 40% cổ phần của Proconco - công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, đang sở hữu thương hiệu Con Cò. Thông cáo báo chí của Masan Consumer hé lộ động cơ thương vụ này: “mua lại Proconco đặt nền móng cho Masan Consumer tham gia phân khúc thị trường cung cấp chất đạm (thịt, cá, hải sản) đầy tiềm năng tăng trưởng, dựa trên cơ sở gia tăng của dân số Việt Nam và mức độ tiêu thụ đạm/đầu người ngày càng gia tăng”. Masan Consumer còn cho biết, để thực hiện được mục tiêu, một chuỗi giá trị “giống sạch - thức ăn sạch - nuôi sạch - chế biến sạch - phân phối, bảo quản sạch” sẽ được Masan xây dựng.

Đã từ lâu, Tập đoàn Masan công khai chiến lược phát triển thông qua hoạt động M&A. Thông điệp này khá minh bạch và nhất quán. Chẳng hạn, đầu năm 2012, CEO của Masan là Madhur Maini bày tỏ trong báo cáo thường niên về chiến lược phát triển của Tập đoàn: xây dựng hoạt động kinh doanh bền vững dựa trên tiềm năng và vượt qua các bất ổn kinh tế vĩ mô nội tại bằng cách tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của ngành tiêu dùng và tài nguyên vốn chưa được khai thác đúng mức.

Giữa năm ngoái, CEO của Masan công bố thư ngỏ đề cập đến định hướng phát triển của Tập đoàn, với hai điểm đáng chú ý: thứ nhất, thiết lập Masan Consumption, một nền tảng nắm giữ hoạt động kinh doanh thực phẩm và đồ uống hiện tại của Masan và thâm nhập vào các mảng kinh doanh gắn liền với tiêu dùng như chăm sóc y tế, bán lẻ và nông nghiệp; thứ hai, trong nền tảng Masan Consumption, thiết lập Masan Consumer Ventures, hoạt động tương tự như Masan Consumer nhưng ở lĩnh vực ngoài thực phẩm và đồ uống. Không lâu sau khi công khai đường lối này, Masan công bố việc mua lại 40% cổ phần Proconco (lĩnh vực nông nghiệp) và mới nhất là Vĩnh Hảo (lĩnh vực đồ uống).

 

Đâu là tham vọng?

Chưa kể tới khả năng tiếp cận vốn quốc tế, với lượng tiền mặt dồi dào, các công con tiếp tục tạo ra dòng tiền ổn định, Masan vẫn đang là ẩn số trong việc “khuynh đảo” thị trường mua bán công ty nội địa. Vậy đối tượng nào sẽ lọt vào “mắt xanh” của Masan ?

Thứ nhất, thông điệp của Masan bày tỏ khá rõ chiến lược cốt lõi là tiếp cận và phục vụ 90 triệu người tiêu dùng nội địa. Vì vậy, các tin đồn thâu tóm một loạt công ty nhựa như Nhựa Tân Tiến, Nhựa Tân Phú trở thành chuyện tiếu lâm lúc trà dư tửu hậu trong giới M&A nội địa

Thứ hai, dù có lĩnh vực kinh doanh khác nhau, nhưng điểm chung giữa Vinacafé Biên Hòa, Proconco và Vĩnh Hảo là đều nằm ở vị thế cao trong lĩnh vực đang kinh doanh. Chẳng hạn, Vinacafé Biên Hòa cùng với Trung Nguyên và Nescafe liên tục thay nhau hoán đổi vị trí dẫn đầu trong phân khúc sản phẩm cà phê hòa tan 3:1. Một năm trước, Vinacafe Biên Hòa công bố mục tiêu thống lĩnh thị trường cà phê Việt Nam vào năm 2016, với việc nắm 80% thị phần cà phê hòa tan và 51% thị phần cà phê rang xay. Đồng thời, công bố mục tiêu nằm trong Top 3 công ty niêm yết lớn nhất trong ngành thực phẩm, đồ uống, với doanh số đạt mốc 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận 2.000 tỷ đồng (tăng gần 10 lần so với năm 2011). Tương tự, Proconco chiếm thị phần thức ăn chăn nuôi lớn thứ hai tại Việt Nam , sau CP Group (Thái Lan). Đối với Vĩnh Hảo, trong dòng sản phẩm nước khoáng đóng chai, Công ty đã xác lập kỷ lục là nhãn hiệu nước khoáng đầu tiên tại Việt Nam có mức độ nhận biết thương hiệu rộng rãi, liên tục 16 năm liền lọt vào danh sách Hàng Việt Nam chất lượng cao.

Thứ ba, Vinacafe Biên Hòa hay Vĩnh Hảo còn có khả năng tương thích với hệ thống phân phối mà Masan Consumer đã dày công xây dựng cả chục năm nay.

Thứ tư, chuỗi sản phẩm của Masan Consumer có các slogan quảng cáo đánh vào khứu giác, khẩu vị người tiêu dùng như: nước chấm Nam Ngư “không cặn”, nước mắm Chinsu “hương cá hồi”, mì gói Omachi “khoai tây”, cà phê Wake Up Sài Gòn “hương thơm ngây ngất”. Trao đổi với báo giới hồi tháng 9 năm ngoái tại Khách sạn Park Hyatt Saigon khi phủ nhận việc thâu tóm Dầu Tường An, ông Preetinder S. Panjrath, Giám đốc kinh doanh của Masan chia sẻ, trong lĩnh vực thực phẩm, sự quan tâm của Masan hướng vào các sản phẩm có thể tạo ra các hương vị khác biệt mà người tiêu dùng có thể cảm nhận được.

Khi thuyết trình trước ĐHCĐ một năm trước, CEO của Masan có nhắc tới câu nói nổi tiếng của Steve Jobs, sáng lập viên Apple: “Tôi muốn tạo ra một tiếng vang trong vũ trụ”. Đó là tham vọng thực của Masan ?