Mùa vàng vùng cao
Đón tôi ở Lào Cai là vợ chồng anh bạn thân tên Đạt. Cách đây đúng 9 năm, trong lần hẹn hò đầu tiên của tôi và Tây Bắc, đón tôi cũng là anh bạn này. Có điều, giờ anh bạn từ dưới xuôi lên đây lập nghiệp đã thành dân Bát Xát chính cống, lấy vợ và sinh được hai cô công chúa ở mảnh đất quý người.
Đường lên Mường Hum, Y Tý nhiều đoạn bị hỏng, mặt đường vỡ nát nên chuyến đi của chúng tôi gặp không ít khó khăn. Nhưng chính những cái khó đó đã khiến cảm giác tận hưởng cảnh quan của chúng tôi thêm phần thi vị.
Tây Bắc mùa này đẹp, theo cách nói vui của dân du lịch bụi thì đó là “Đẹp dã man!”, “Đẹp kinh lên được!”. Mục đích chuyến đi của tôi lần này là ngắm ruộng bậc thang mùa lúa chín và chơi chợ phiên. Cung đường tôi chọn là: Bát Xát - Bản Vược - Mường Hum - Dền Thàng - Y Tý - A Lù - A Mú Sung - Trịnh Tường - Bát Xát.
Đi theo cung này có nhiều địa điểm ngắm lúa đẹp, nhưng điển hình là các điểm cổng trời, đồng lúa trung tâm Sàng Ma Sáo, đồng lúa Y Tý, A Lù.
Bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác đứng trên đỉnh cao khi ngắm núi non ở cổng trời, len lỏi trong các cánh đồng lúa ở Sàng A Sáo, đi xuyên những đồi thảo quả và rừng già Y Tý thơm ngát, mát lành.
Những ngày này, nhiều đồng lúa đã bắt đầu chuyển từ màu xanh sang màu vàng rơm và chỉ đợi thêm vài con nắng là sẽ trải sắc vàng khắp thung lũng. Những mảng xanh xen với sắc vàng để tạo nên sự biến tấu của sắc màu, khiến cho những thửa ruộng bậc thang thêm nổi bật trong cái mênh mông, cao rộng của núi rừng Tây Bắc.
Có mục sở thị mới thấy hết vẻ đẹp đến mê hồn của những thửa ruộng bậc thang nơi đây. Trên những thung lũng rộng lớn, những ngọn đồi như bát úp là những đường cong mềm mại quyến rũ mà những nấc thang lên thiên đường này tạo ra…, tất cả tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp. Đứng trước những thắng cảnh như thế, mấy anh bạn đồng hành với tôi đều phải thốt lên: “Đáng cái công trèo đèo, lội suối”.
Đến Dền Sáng, anh bạn hoa tiêu dẫn chúng tôi vào thăm một trang trại cá hồi. Với độ cao chừng 2.000 m so với mực nước biển, thời tiết mát mẻ quanh năm, đây chính là những điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình nuôi cá hồi, cá tầm.
Một góc Y Tý, nét đặc trưng là những ngôi nhà trình tường của đồng bào Hà Nhì.
Người dưới xuôi không còn lạ với cá hồi, cá tầm, nhưng khi hỏi anh chủ trại, tôi mới biết rằng, để có được một con cá thành phẩm, người ta phải mất hơn 1 năm chăm sóc. Rồi đường sá xa xôi, khó khăn vận chuyện và ti tỉ thứ khác để có thể có được cá hồi, cá tầm tươi cho dân cư thành thị. Hôm đó, sau chuyến thăm trại cá, chúng tôi thấy quý thêm giá trị của một loại thực phẩm, của sức lao động con người.
Xuyên qua rừng già Y Tý cũng là một trải nghiệm thú vị không kém. Sau những lần phóng tầm mắt xa xăm với những cánh đồng ruộng bậc thang nối nhau tầng tầng, lớp lớp thì rừng già Y Tý với những rặng tre, trúc ven đường, những cây cổ thụ và cả thảo quả xen kẽ nhau cùng hoa dại mang đến những cảm giác thật sự ban sơ.
Không khó để nhìn thấy những búi lan rừng đính trên những cây cổ thụ, hay có những đoạn, ven đường là mải miết những rặng sim rừng xen cùng hoa dại. Có chỗ, những bông hoa thảo quả, bông vàng, bông trắng nổi bật trên nền lá xanh mướt, hương rừng, gió ngàn khẽ đưa. Tất cả khiến cho quãng đường xa thêm gần và lòng người thơ thới đến lạ. Cũng bởi lý do đó, không ít lần chúng tôi phải dừng nghỉ ngoài kế hoạch để ngắm cảnh, chụp ảnh, để hít hà cái không khí trong lành hiếm khi có dịp được gặp.
Chơi chợ phiên, say khói thuốc
Nếu những đồng lúa hút mắt người lạ dưới xuôi như tôi ở cái mênh mông, trùng điệp, ở sự uốn lượn mềm mại, dịu dàng, rừng già hấp dẫn với vẻ đẹp nguyên vẹn, ban sơ, thì chợ phiên lại hấp dẫn bởi những thanh âm nhộn nhịp của cuộc sống vùng cao.
Chợ phiên vùng cao là cả một cuộc vui, là sự trình diễn của những sắc màu, những nàng áo đỏ, áo xanh, những chiếc váy hoa đẹp đẽ. Người ta đến chợ phiên và mang theo niềm vui của ngày gặp mặt. Chợ phiên thường họp vào sáng thứ Bảy hàng tuần, nên cái háo hức cũng nhiều hơn. Người ta đến chợ, chơi chợ và cả hẹn hò nữa.
Trong khi người lớn mải miết mặc cả, mua bán, thì đám trẻ lại bị hút mắt bởi những gian hàng, hay nô đùa với bạn. Những em bé ít tuổi, cặp mắt trong sáng, đứa ngủ vùi trên lưng mẹ, đứa ngơ ngác ngược xuôi, sự e thẹn ít nhiều còn hiện trong từng ánh mắt, cử chỉ.
Cái thú vị của việc chơi chợ không chỉ là được ngắm nhìn những cô nàng áo đỏ, áo xanh, mà còn cả việc được nhìn những nếp sinh hoạt của đồng bào dân tộc. Chỗ này người ta chọn liềm, chọn dựa, chỗ khác là tiếng cười nói bên bàn rượu, có cả một góc chợ râm ran tiếng điếu cày, khói thuốc bay bay, những cặp mắt say say, mơ màng, ngây ngất.
Trẻ em vùng cao.
Trong cái bảng lảng của sương, từng làn khói cứ vấn vương bên mái chợ, y như cái tình của người vùng cao mỗi lần gặp mặt, lưu luyến mãi chẳng muốn rời.
Chơi chợ vùng cao mà không ăn quà, không nhấp thử chén rượu thì quả là thiếu đi những trải nghiệm thú vị. Cánh đàn ông thì hào sảng hơn bên mâm rượu. Người ta uống cho lần này gặp mặt, cho những ngày đã xa và cả cho cái ngày chưa tới.
Y Tý vốn nổi tiếng với rượu Sim San, rượu ở đây ước chừng 40 - 45 độ, nhưng trong cái khí hậu mát lạnh của vùng núi cao, từng chén từng chén được rót ra và uống cạn. Tôi cũng không bỏ qua cơ hội thưởng thức loại đặc sản này.
Bữa đó, anh bạn thân đãi người dưới xuôi chúng tôi bằng một con gà đen của đồng bào dân tộc, măng xào và mấy món ăn dân dã. Gà chạy bộ đồng bằng đã ngon, gà chạy bộ trên núi còn ngon hơn nhiều. Rượu Sim San trong vắt, tuy mạnh nhưng uống vào vẫn cảm thấy mềm mại, đúng như dân sành rượu vẫn thường nói: “Đó là đôi tay sắt giấu trong chiếc găng nhung”.
Với hàng chục năm viết về rượu, tôi biết, để có được cảm giác này, không chỉ nhờ bí quyết gia truyền của người nấu rượu, mà còn bởi khí tượng Y Tý yêu chiều lòng người, nhất là người dưới xuôi lần đầu diện kiến. Bữa đó, chúng tôi uống khá nhiều mà không hề có cảm giác say, đau đầu hay khát nước, chỉ là một thoáng bồng bềnh cùng gió mây Y Tý.
Miền đất hứa cho du lịch
Y Tý chưa có nhiều cơ sở lưu trú, nên đôi lúc, cả đồn biên phòng cũng phải rộng cửa đón tiếp những vị khách phương xa lỡ độ đường. Vài ba nhà nghỉ thì đang dần trở nên đông đúc khi người xuôi ngày càng thích thú tìm đến nơi đây. Dường như họ sợ nếu chậm chân thì cái chất nguyên sơ cũng dần biến mất.
Chúng tôi ghé nhà A Hờ, một cậu chủ trẻ tuổi người Mông. A Hờ là thanh niên nhạy bén nhất trong việc làm du lịch. Ngôi nhà sàn được cải tạo để dành cho khách phương xa, giản đơn nhưng cũng khá đầy đủ với phòng ngủ tập thể, chăn ấm, đệm êm và bình nóng lạnh. Với dân phượt, có lẽ chỉ vậy là đủ.
A Hờ được ví là cao thủ “săn mây”, cậu là người đã dẫn không biết bao nhiêu cánh nhiếp ảnh và dân phượt đến các điểm cao để chạm vào mây trời Tây Bắc. Trong một tối lưu lại, chúng tôi được A Hờ đãi bằng món gà đồi, thịt lợn gác bếp, rồi được nghe A Hờ độc tấu sáo Mông.
Một góc nhỏ Y Tý bỗng nên thơ hơn nhiều, cả mấy cô bạn người Philippines đi qua cũng không giấu nổi sự tò mò nên cùng nhập cuộc. Cậu chủ này không biết đọc, biết viết, nhưng bằng sự lém lỉnh dễ thương của mình, giờ đây, homestay của cậu là điểm đến quen thuộc của nhiều du khách dưới xuôi.
Năm nay là năm du lịch Lào Cai, anh bạn thân tôi tếu táo: “May mà các ông lên sớm, chứ dịp từ 31/8 - 2/9 ở Y Tý có hội, muốn có chỗ ở thì phải nhờ người đặt trước. Kể cả vào đồn biên phòng lúc ấy cũng khó vì toàn người quen đặt chỗ rồi”.
Y Tý có khí hậu tương đồng Sapa, thậm chí, tôi còn cảm nhận được sự tinh khiết trong lành hơn nhiều. Có lẽ không lâu nữa, khi đường sá tốt lên, đây sẽ là điểm đến nhộn nhịp và đông đúc. Khi đó, việc phát triển các cơ sở lưu trú chất lượng sẽ thực sự cần thiết.
Anh bạn tôi bảo: “Nghe đâu cũng đã có những doanh nghiệp đầu tiên đặt vấn đề với tỉnh để phát triển mô hình du lịch cộng đồng”.
Vâng, nếu được vậy thì còn gì bằng, Y Tý sẽ thức giấc và đời sống bà con người Mông, người Hà Nhì chắc là đỡ khổ.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com