Mũi Cà Mau thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Từ TP. Cà Mau chạy tới Đất Mũi chừng 100 km. Qua ba huyện Cái Nước, Năm Căn và huyện Ngọc Hiển, băng qua những rừng đước, nhiều khi, cả đoạn đường dài vắng bóng người, cảm giác lạc trôi là có thật.
Từng bị không ít vố đau, chúng tôi chẳng dám đặt hết lòng tin vào "chị Google", nên ngay khi rời khách sạn, chúng tôi hỏi một người dân đường về Đất Mũi.
Một góc Cà Mau. Ảnh: Thành Nguyễn.
Lại thêm một lần ngạc nhiên nữa, một chú xe ôm chừng 60 tuổi bảo tôi: “Ở đó có chi đâu mà tụi bay về. Hoang sơ lắm. Tao ở đây bao năm mà nếu không có việc, tao cũng chẳng khi nào ra đó”.
Thật khó để giải thích trước sự thật thà này, nhưng nếu Đất Mũi còn hoang sơ, thì có lẽ chúng tôi vẫn là người may mắn. Chứ vài năm gần đây, đi đâu cũng thấy công trình, resort, cao ốc, dịch vụ tận chân…, tiện thì tiện thật, nhưng nó cũng khiến cho lòng nghi ngại thêm nhiều, làm cái hứng thú bị giảm đi phần nào.
Đó cũng là lý do mà hôm rồi, anh đồng nghiệp bảo tôi, chỗ này, chỗ kia còn hoang sơ lắm, em nên tranh thủ mà đi, không vài bữa nữa người ta lại xây kín khách sạn, với nhà hàng.
Quả thật, đô thị hóa, du lịch nhiều khi mang đến bộ mặt khác tươi sáng hơn cho các địa phương nghèo, nhưng nó cũng khiến những người dân hiền lành, chất phác bị thay đổi.
Sau khi băng qua hai cơn mưa lớn, một cơn mưa nhỏ, 100 km đường nhựa và dễ đến cả đôi chục cây cầu lớn bé, chúng tôi có mặt ở Đất Mũi.
Chạy mưa. Ảnh: Thành Nguyễn.
Vừa mua vé xong, có người nhanh chóng tiếp thị: Các anh có thuê xuồng chạy vòng quanh rừng đước không? Em cho số mà gọi cho tiện.
Sau một cuộc điện thoại, tôi và anh Hùng (chủ xuồng) thống nhất, đón ở bến tàu, một tour xuyên rừng đước có giá 600.000 đồng.
Đường Hồ Chí Minh, điểm cuối Cà Mau. Ảnh: Thành Nguyễn.
Cả nhóm nhanh chóng vào tham quan Khu du lịch Đất Mũi. Khu du lịch khá đơn sơ về hạng mục: một đài kỷ niệm đường Hồ Chí Minh, điểm cuối Cà Mau, Km 2436; Mốc tọa độ quốc gia GPS 0001; Hình ảnh biểu tượng quen thuộc của Cà Mau, con thuyền Đất Mũi, ở 8037’30’’ vĩ độ Bắc, 104043’ kinh độ Đông.
Mốc Tọa độ Quốc gia. Ảnh: Thành Nguyễn.
Nhìn vào đó, tôi biết, nếu đi đường bộ, để đến được đây, tôi đã phải đi một đoạn đường dài trên 2.000 km. Nhưng cũng từ đây, tọa độ quốc gia GPS lại như một sự khởi đầu.
Sau khi tham quan một vòng, chúng tôi hẹn anh Hùng ở bến tàu (trong Khu du lịch) như đã hiệp đồng từ trước.
Gặp anh Hùng, một người đàn ông chừng 45 tuổi, nước da ngăm đen, chắc do quanh năm gắn với sông nước mặn mòi. Anh Hùng cẩn thận lau từng chiếc ghế. Nét chu đáo thể hiện rõ trong mỗi cử chỉ anh làm. Chúng tôi lên xuồng cũng là lúc trời bắt đầu mưa nhẹ. Chiếc xuồng composite lướt đi nhẹ nhàng trong lòng rạch, trong tiếng máy nổ khá vui tai.
Anh Hùng (áo trắng), người đã đưa biết bao lượt khách tham quan Đất Mũi. Ảnh: Thành Nguyễn.
Anh Hùng là dân Đất Mũi xịn. Cách đây vài năm, anh chuyển qua làm dịch vụ chạy xuồng cho khách du lịch. Anh bảo, ngày nhiều, ngày ít, nhiều nhất là 5 - 6 chuyến/ngày. Mỗi chuyến trừ tiền dầu, anh lãi được 300.000 đồng.
Chiếc xuồng dài của anh Hùng đưa chúng tôi vượt qua những rừng đước. Không phải là lần đầu gặp loại cây này, nhưng đước Cà Mau vốn đã ám ảnh tôi từ lâu, trong những trang viết hay phim ảnh, khiến trong suy nghĩ cá nhân, ít nhiều có cảm giác cứ phải đước Cà Mau mới là đước thứ thiệt. Lần này chạm mặt, thấy dường như điều đó đúng.
Đước Cà Mau. Ảnh: Thành Nguyễn.
TP. Cà Mau giờ khá khang trang, bắt đầu có những khu nhà phố (shophouse), những trung tâm thương mại lớn và khách sạn đắt tiền. Nhưng, có về với Đất Mũi, mới thấy cuộc sống bà con còn quá nhiều gian khó. Hai bên kênh, các mái nhà nhỏ, lụp xụp. Chỗ thì túm năm, tụm ba, có cái lại chơ vơ một mình.
Xóm nhỏ Đất Mũi. Ảnh: Thành Nguyễn.
Tôi từng mê Cà Mau qua các trang viết của chị Tư. Cũng phải thú thật, những trang viết của nhà văn này là một phần thôi thúc để tôi quyết tâm về với Cà Mau. Tôi tin, Cà Mau vốn đã thiêng liêng với nhiều người, nhưng Cà Mau thực sự nổi tiếng và được biết đến nhiều hơn nhờ Nguyễn Ngọc Tư. Mỗi trang viết là một sự đền đáp với mảnh đất, con người của xứ này. Có lẽ, đó cũng là cách một nhà văn trả ơn tốt nhất với mảnh đất sinh ra mình.
Anh Hùng dẫn chúng tôi ra thăm Điểm dừng chân Bãi Bồi. Đây là một cái chòi vươn ra ngoài Đất Mũi. Nằm một đoạn khá xa khu rừng đước. Đứng ở đây, nhìn thấy cái “mũi” của Cà Mau, cách đó không xa là biển Thái Lan.
Mũi Cà Mau. Ảnh: Thành Nguyễn.
Cậu bạn và cu em trong nhóm đã có cho mình thật nhiều bức ảnh ở đây. Tôi biết, họ đều muốn lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ cho riêng mình.
Thậm chí, Tín, cậu em cùng đoàn còn tranh thủ “lên sóng” trực tiếp, với nhiều lời lẽ mùi mẫn, trong đó có đến 7 phần là nói về cảm xúc gặp Đất Mũi, 3 phần nói về không gian, cảnh vật, vị trí… Dường như niềm tự hào khi được về đến tận đây đều khiến ai cũng phấn khích hơn hẳn.
Cây đước cứ theo bãi bồi mà vươn mình ra biển. Ảnh: Thành Nguyễn.
Mỗi năm Đất Mũi vẫn lấn biển từ vài chục đến cả trăm mét dài, cách thức mở cõi của Cà Mau cũng thật thú vị, bãi bồi ra trước, cây đước theo sau. Cứ thế, miệt mài lan ra mãi.
Sau đó, chúng tôi quay về kênh Lạch Vàm. Trên mặt kênh, dễ có đến cả nghìn chiếc can nhựa được xếp ngay ngắn, hỏi ra thì được biết, đó là khu vực nuôi hàu của bà con.
Con hàu Cà Mau sẽ bám vào các rễ đước. Người dân chặt rễ, đem về, tách hàu con ra, rồi nuôi trong các vỉ nhân tạo, sâu dưới lớp phao 5 m nước. Có thể thu mua 1 kg hàu giống, từ 10 - 12 con/kg, với giá 15.000 đồng/kg. Nuôi trong vòng một năm, mỗi vỉ rộng 1,5 m, dài 3 m, sâu 5 m. Không cần cho ăn, hàu sẽ tự lớn bằng phù sa và dinh dưỡng nơi cửa sông. Khi thu hoạch, trung bình 1 vỉ (100 kg hàu giống) sẽ cho lãi từ 1 – 1,5 triệu đồng.
Nuôi hàu trên kênh Lạch Vàm. Ảnh: Thành Nguyễn.
Ngoài nuôi hàu, một số hộ dân Đất Mũi còn nuôi cua thịt. Trung bình một vuông rộng 3 ha có thể thả từ 3.000 - 5.000 con cua giống. Cua giống ban đầu khi mua về chỉ nhỏ bằng hạt me (đầu ngón tay út). Mỗi con cua giống có giá từ 1.500 - 2.000 đồng/con. Nuôi từ 4 - 5 tháng sẽ có trọng lượng 3 - 4 lạng.
Tương tự như nuôi hàu, người nuôi cua cũng để cua tự tìm thức ăn từ phù sa vào dinh dưỡng trong nguồn nước ra vào vuông nuôi. Một năm, một vuông cua như vậy có thể cho lợi nhuận 40 - 50 triệu đồng.
Sau khi tham quan một vòng rừng đước, anh Hùng táp thuyền vào một nhà hàng bên lạch. Chính xác hơn thì đây là Điểm Du lịch sinh thái cộng đồng Nguyễn Hùng.
Cả Đất Mũi có 6 mô hình du lịch sinh thái cộng đồng. Ảnh: Thành Nguyễn.
Anh Hùng cho biết, gia đình anh cải tạo nhà ở thành nhà hàng, kiêm dịch vụ lưu trú phục vụ khách du lịch được vài năm nay. Hiện, cả xã Đất Mũi có 6 hộ làm du lịch sinh thái như gia đình anh. Các hộ làm trước thì nhận được sự hỗ trợ kinh phí, gia đình anh Hùng làm sau, chỉ được hỗ trợ về mặt nghiệp vụ.
Anh Hùng nói chuyện khá hấp dẫn, đây là kỹ năng đã được tập huấn từ những giảng viên Đại học Cần Thơ, giúp những người như anh biết cách giao tiếp với du khách. Nhìn chung, mỗi năm, cả chạy thuyền chở khách và làm nhà hàng, lưu trú, gia đình anh cũng thu lời chừng 350 - 400 triệu.
Các hộ dân khác không làm du lịch, không nuôi cua, nuôi hàu thì thu nhập cũng chỉ khoảng trên 100 triệu đồng/năm. Mọi chi tiêu của cả gia đình 5 - 6 miệng ăn chỉ trông vào đó.
Căn nhà được dựng lên trên mặt ao, làm từ những cây đước già. Ảnh: Thành Nguyễn.
Anh Hùng có ba người con, đứa lớn giờ đang theo cha làm du lịch tại gia, đứa thứ 2 tháng 8 này sẽ nhập học ngành quản trị kinh doanh ở Sài Gòn, còn đứa út mới lớp 8. Anh bảo, con anh cũng muốn được học hành đàng hoàng, có chuyên môn để phục vụ du khách tốt hơn, chuyên nghiệp hơn.
Đó là câu chuyện của anh Hùng, một trong 6 hộ gia đình đi đầu trong phong trào làm kinh tế từ du lịch ở Đất Mũi.
Giờ quay lại câu chuyện ẩm thực. Trưa đó, chúng tôi chọn món khá đơn giản, cá thòi lòi chiên, cua thịt hấp và một nồi lẩu chua cá Đầu Chó. Cách nấu nướng thì hoàn toàn tùy ý gia chủ chứ không có bất kỳ yêu cầu đặc biệt nào.
Cua thịt Đất Mũi. Ảnh: Thành Nguyễn.
Phải về tận đây, tôi mới được chứng kiến những con cá thòi lòi to đến vậy, con nào cũng cỡ chừng gần nửa cổ tay, chứ không bé xíu như nhiều nơi khác. Thịt cá thì thơm, thịt cua thì chắc, lại thêm nồi lẩu bốc khóc nghi ngút, có chút gì đó mặn mòi của biển.
Chúng tôi đã có một buổi thưởng thức đặc sản Cà Mau trên một chòi dựng lên bằng cây đước già, xung quanh là kênh rạch chằng chịt, những vuông nuôi cua, cá. Và đặc biệt, trời lay phay mưa. Khí tượng như thế, lại thêm sự thân thiện, nhiệt tình của anh chủ ghe khiến ai cũng ăn uống, nói cười phơi phới.
Sau bữa trưa ngon miệng và vui vẻ, chúng tôi chia tay Đất Mũi. Trời lại đổ mưa tầm tã. Trên đường quay trở về, nhìn những mái nhà dường như chưa chắc chắn, có chỗ thành xóm bờ sông nương tựa vào nhau, có chỗ, có cái đứng một mình chơ vơ, tôi quả chỉ mong người dân Đất Mũi nhanh bớt khổ, để nếu có lần sau trở lại, cảm giác thấy sự thiệt thòi của người đầu sóng, ngọn gió sẽ ít đi.
Cuộc sống nhiều người dân Cà Mau còn vất vả. Ảnh: Thành Nguyễn.
Trong cuốn Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư mà tôi từng đọc (do Nhà Xuất bản Trẻ tái bản lần thứ 13, vào năm 2013), ở trang 103 có một bài viết ngắn, tựa đề “Kính gửi anh nhà báo”.
Trong bài viết này, chị Tư có “trách” nhẹ một anh nhà báo nào đó, khi thì dồn dập, lúc thì bặt hơi lâu lâu, nhưng là viết về Cà Mau với toàn những chuyện tham nhũng, sai phạm, lãng phí…
Bài viết có đoạn: “Và anh nhà báo ơi, đất Cà Mau chúng tôi còn hàng triệu chân dung người tử tế, hàng trăm câu chuyện ấm lòng như thế, nhưng anh không nhắc tới, nhắc ít, hoặc vả nhét vô tuốt trong ngách nào đó của tờ báo nào đó, tít nhỏ, chữ cũng nhỏ (còn chuyện lu bu anh bày ngay trang đầu, đập vào mắt người ta những con chữ thật kêu, cực kỳ ấn tượng). Vậy là anh không công bằng rồi, anh đánh đổ hình tượng của một vùng đất tan hoang mà xây… ít xịu, làm mất nhiều mà “gỡ” lại hỏng có bao nhiêu”.
Quả thực, gần một ngày trời ở Đất Mũi chưa đủ để tôi hiểu sâu, biết lắm về mảnh đất này, nhưng thực lòng, tôi vẫn muốn có vài dòng về Đất Mũi, hy vọng tô thêm một chút những thiện cảm xa gần, để sẽ có nhiều hơn những chuyến đi của mọi người. Tôi tin, những đánh giá, cảm nhận riêng đôi khi cũng cần bắt nguồn từ những người gợi khơi cảm hứng.
Lướt trong rừng đước. Ảnh: Thành Nguyễn.
Ban sáng, khi gọi điện hỏi thăm, anh Hùng bảo: "Vui lắm nếu nhà báo nói được vài dòng về Đất Mũi".
Anh cũng hẹn tôi có dịp quay lại sẽ ngồi với nhau nhiều hơn. Còn tôi, chẳng biết khi nào mới có dịp trở lại đây, nhưng nếu về, hẳn tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn, để cùng anh Hùng đi bắt cá thòi lòi, đi bắt Ba Khía, bắt tôm, cua,… rồi còn nghỉ đêm ở Đất Mũi, nghe muỗi kêu mà nhớ rừng Cà Mau nữa.
Khi tôi đang viết tiếp phần 2 Kể chuyện Cà Mau, thì nhận được lời nhắn của một độc giả: “Về Cà Mau mà chú em thưởng thức có bấy nhiêu thôi thì quá đỗi thiếu sót. Cà Mau có nhiều món ăn, nhậu bình dân (hiện nay người ta dùng mỹ từ đặc sản) mà nó lan tỏa sang Paris, Washington,... mà người ra đi mong được về ăn một lần rồi chết cũng được. Mỗi địa phương, tính theo đơn vị hành chánh huyện, đều có sản vật riêng. Huyện U Minh chú em đến có cá lóc nướng chui, cháo trăn, rắn hổ, heo rừng nướng,.. huyện Thới Bình độc đáo với mấm cá lóc đồng chiên, uống rượu đế Tân Lộc (lính Mỹ ngày xưa dùng thử thứ này, khen ngon hơn Napoleon; gần 50 năm sau đến thăm lại chiến trường xưa còn cố tìm cho bằng được)”.
Nghe kể thì cũng thấy thiếu sót thật, ở đây, người viết xin thanh minh, thanh nga rằng, chỉ viết trên cơ sở những gì mình trải nghiệm và cảm nhận thật, phần vì chưa có nhiều thời gian, điều kiện, phần vì chưa may mắn kết thân với bạn hữu nào ở Cà Mau, để được dẫn đi thăm thú, thưởng thức nhiều hơn những địa danh hay đặc sản.
Và điều này, có lẽ lại một lần nữa càng trở nên quý giá, khi nó sẽ tiếp tục thôi thúc người viết quay trở lại Cà Mau, Đất Mũi.