Tại Hội nghị “Quay về giá trị cốt lõi” tổ chức mới đây tại TP. HCM, ông Dominic Scriven Giám đốc điều hành Dragon Capital cho biết, kinh doanh cốt lõi là rất cần thiết, song cũng không thể chấp nhận việc doanh nghiệp tập trung vào một lĩnh vực trong trạng thái ngủ quên mà không đảm bảo cho thành công.
Mô hình tốt hơn vẫn là mở rộng kinh doanh thông minh bằng cách tích hợp các lĩnh vực dựa trên việc quản lý kinh doanh hiệu quả.
Quan điểm trong đầu tư của Dragon Capital được ông Dominic Scriven cho biết, là phải thấu hiểu mô hình của doanh nghiệp đó trước khi xem xét để có thể xác định được năng lực cốt lõi của một doanh nghiệp và khả năng tăng trưởng trong tương lai, không đặt nặng quan điểm đa ngành hay đơn ngành.
Theo ông Dominic, khi thị trường có giông bão chính là cơ hội để đầu tư và những khoản đầu tư này luôn chắc chắn. Tuy nhiên, để có thể thành công đòi hỏi nhà đầu tư phải có sự kiên nhẫn.
Mặt khác, trước khi đầu tư nhà đầu tư cần xem xét kỷ các khoản đầu tư đó như thế nào, khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp ra sao để kiểm soát được rủi ro.
Cũng theo ông Dominic, đầu tư đa ngành chưa hẳn là sai lầm mà quan trọng hơn chính là năng lực kiểm soát rủi ro của doanh nghiệp để đem lại hiệu quả trong kinh doanh.
Những yếu tố quan trọng khi doanh nghiệp muốn mở rộng kinh doanh là phải có lãnh đạo có năng lực xuất sắc, phân tích kinh doanh tốt, để khi có kế hoạch thoái vốn khi cần thiết và phải được thực hiện kiên định, tránh gây nhiều tổn thất cho công ty, chứ không hẳn đơn ngành đã là tốt. Vì không có gì đảm bảo là công ty kinh doanh tập trung không có những rủi ro, do những vấn đề phải đối diện như chu kỳ kinh tế thay đổi.
Nếu doanh nghiệp thiếu hiểu biết về thị trường mới chắc chắn sẽ gặp khó, vì họ không thể xoay chuyển tình thế nhanh như công ty có nhiều lĩnh vực.
Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Eximbank thừa nhận, khi có cơ hội đầu tư và kiếm lợi nhuận thì chắc chắn doanh nghiệp nào cũng sẽ nắm bắt. Vì thế, theo ông Dũng, không cần biết là đa hay đơn ngành, mà quan trọng hơn là doanh nghiệp đó phải có năng lực tài chính và năng lực quản trị để kiếm được lợi nhuận, chứ thất bại chưa hẳn là đa ngành hay đơn ngành.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, các doanh nghiệp chết là do đầu tư theo phong trào. Năm 2008 - 2009 nhiều tập đoàn xin thành lập ngân hàng, công ty chứng khoán, đầu tư bất động sản… Nhưng chính vì kinh doanh theo phong trào, trong khi các doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh để tồn tại. Vì thế, khi khủng hoảng ập đến, doanh nghiệp dễ suy yếu và đổ vỡ.
Giám đốc điều hành Dragon Capital cũng chỉ ra cho rằng, chính lối đầu tư theo phong trào trước đây đã khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó và nếu doanh nghiệp còn dính đến bất động sản thì cũng sẽ được gọi là đầu tư đa ngành.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT REE cũng cho rằng, lối đầu tư dàn trải theo chiều ngang khá phổ biến trong nhiều năm qua, đặc biệt là khi bất động sản tăng, đại gia nào cũng muốn bỏ vốn vào bất động sản nên hiện gặp không ít khó khăn. Với REE cũng bỏ vốn vào nhiều công ty khác, nhưng có liên quan đến ngành nghề cốt lõi của REE, nên Công ty đã không gặp rủi ro nhiều trong hoạt động đầu tư.
Giám đốc điều hành Công ty tư vấn Stragery Asia, ông Nguyễn Minh Triết cũng đưa ra nhận định, quan trọng nhất với doanh nghiệp vẫn là đầu tư xoay quanh trục chính là năng lực cốt lõi để tạo ra thành công. Còn nếu doanh nghiệp đầu tư dàn trải, phân bổ nguồn lực bất hợp lý, thiếu nguồn lực cho quá trình quản trị, không tập trung nâng cao năng lực cốt lõi, dàn trãi vốn cho các kinh doanh phụ thay vì kinh doanh cốt lõi thì vẫn khó cạnh tranh với các đối thủ khác, do sức chống đỡ rủi ro yếu.
Ông, Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, các doanh nghiệp đa ngành của Việt Nam thường dính vào bất động sản và nhượng quyền thương mại, nhưng lại thiếu năng lực quản trị và kiểm soát rủi ro.
Chính việc đầu tư vào lĩnh vực rủi ro là bất động sản đòi hỏi nguồn tài chính và dòng tiền lớn, đồng thời phải biết kiểm soát được rủi ro. Do đó, khi thị trường nhà đất sụt giảm, đóng băng, doanh nghiệp khó có thể xoay sở. Tuy nhiên, ông Thành thừa nhận, lối kinh doanh dàn trải của các doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua một phần chính do hậu quả của chính sách tiền tệ quá dễ dãi, tín dụng tăng thiếu kiểm soát.
Ông Thành cho biết, quá trình thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước không thể đẩy mạnh thời gian qua, đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa. Một phần do ảnh hưởng khó khăn của thị trường trong những năm gần đây. Mặt khác, do cơ chế chính sách còn quá rườm rà, nhưng khả năng từ năm 2014 - 2015, quá trình cổ phần doanh nghiệp nhà nước theo ông Thành sẽ được đẩy mạnh hơn.