VCG có tỷ lệ tự do lưu hành tương đương với ngân hàng
VCG, mã chứng khoán của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam Vinaconex là gương mặt duy nhất thuộc các nhóm ngành khác, 4 cái tên còn lại đều là các mã ngân hàng như MSB, LPB, EIB và VIB đã lọt vào danh mục cổ phiếu dự phòng cho VN30.
Khối lượng lưu hành tính chỉ số của VCG đạt 438,6 triệu cổ phiếu, tỷ lệ tự do lưu hành là 45%, mức tương đương với các ngân hàng như VIB.
Rổ VN30 tập hợp những cổ phiếu có tính thanh khoản cao nhất nên giá của các cổ phiếu trong rổ này phản ánh tốt nhất mối quan hệ cung cầu, từ đó hạn chế tình trạng làm giá như thường xảy ra với những cổ phiếu thanh khoản kém.
Giá trị vốn hoá cấu thành chỉ số VN30 được tính dựa trên khối lượng cổ phiếu tự do lưu hành trên thị trường (free-float), nhờ đó khắc phục được những nhược điểm cơ bản của chỉ số VN-Index khi loại trừ các cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng lẫn những đối tượng ít có khả năng giao dịch như cổ đông nội bộ, cổ đông chiến lược, đại diện vốn nhà nước.
Việc là một trong 5 cổ phiếu dự phòng cho VN30 sau hơn nửa năm chuyển sàn từ HNX sang HOSE đã cho thấy cổ phiếu VCG thu hút sự quan tâm của thị trường và các nhà đầu tư.
Trong vòng 6 tháng qua, VCG duy trì thị giá ở mức khá hấp dẫn, từng đạt trên 5x. Trong đợt điều chỉnh của thị trường kể từ đầu tháng 7 đến nay VCG là một trong những mã có mức độ điều chỉnh thấp nhất so với đỉnh đạt được, hiện duy trì trên xấp xỉ 44.000 đồng/cổ phần.
Chủ động xoay chuyển tình thế trong đại dịch
Vị thế đầu ngành, khả năng tìm kiếm cơ hội, xoay chuyển tình thế trong đại dịch, tích lũy nguồn lực và năng lực cạnh tranh để bứt phá khi đại dịch được kiểm soát là những điểm cộng ở Vinaconex và cổ phiếu VCG.
Chủ động phòng chống dịch bệnh Covid-19 nhưng VCG vẫn quyết tâm duy trì chuỗi hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục, không bị đứt gãy. Giữa tháng 7 năm nay, liên danh Vinaconex và Tập đoàn Xây dựng miền Trung đã ký hợp đồng gói thầu hơn 1.200 tỷ đồng thi công đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu có chiều dài 50 km đi qua 2 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, có tổng mức đầu tư khoảng 7.293 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; thời gian thi công dự án trong khoảng 2 năm.
Như vậy, có thể thấy, danh sách các dự án trọng điểm mà VCG thi công liên tục được nối dài, bởi từ đầu năm đến nay, với tư cách nhà thầu độc lập và thành viên liên danh ,VCG liên tiếp trúng thầu các dự án giá trị lớn như: Gói thầu XL03, đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông; Gói thầu xây cầu chính dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; gói thầu số 37 XL-05 thi công xây lắp công trình thuộc dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng…
Trong lĩnh vực bất động sản, VCG vẫn liên tục tích lũy quỹ đất để sớm đạt 5.000 ha đến năm 2025 như mục tiêu đặt ra. Tháng 6/2021, VCG được UBND TP Hà Nội phê duyệt kết quả đấu giá quyền sử dụng đất (để thực hiện dự án đầu tư) xây dựng công trình thương mại, dịch vụ, văn phòng, khách sạn cao cấp thuộc dự án Khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Diện tích đất đấu giá là 11.727 m2, mật độ xây dựng 40%, với 30 tầng nổi và 3 tầng hầm.
Vị trí lô đất tại khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội |
Tháng 2 năm nay, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã ra quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án Khu dân cư đô thị tại Km3, Km4 phường Hải Yên, thành phố Móng Cái cho VCG, diện tích đấu giá hơn 127.662 m2, sử dụng làm đất thương mại dịch vụ và nhà ở xã hội, cây xanh, cảnh quan… Được biết, dự án đã được triển khai và sắp mở bán.
VCG cũng đẩy mạnh đầu tư phát triển dự án Khu đô thị du lịch Cát Bà – Amatina, dự án thuộc lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng trọng điểm của doanh nghiệp. Khu tổ hợp Vinaconex Green Diamond 93 Láng Hạ cũng đã cất nóc đúng tiến độ vào cuối tháng 5 và đang chuẩn bị mở bán đem lại doanh thu lợi nhuận.
Bất động sản công nghiệp của VCG cũng khởi sắc khi doanh nghiệp ký kết hợp tác cho thuê hạ tầng với 2 đơn vị là Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông và Công ty TNHH Công nghệ cao Polymer Q&T đầu tư vào Khu công nghiệp công nghệ cao 2 - Khu công nghệ cao Hòa Lạc do doanh nghiệp làm chủ đầu tư phát triển hạ tầng.
Ngoài hai lĩnh vực là xây dựng và đầu tư bất động sản, VCG hiện đang sở hữu vốn tại nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực kinh doanh bền vững và tỷ suất lợi nhuận cao (năng lượng, nước sạch, giáo dục, xuất khẩu lao động...), liên tục tái cơ cấu các khoản đầu tư một cách linh hoạt, hiệu quả.
Cuối tháng 6, động thái VCG mua hơn 6,4 triệu cổ phiếu ND2 của CTCP Đầu tư Phát triển điện Miền Bắc 2 (Nedi2) được đánh giá có tiềm năng lớn, bởi ND2 hiện là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả khá cao trong các doanh nghiệp thủy điện miền Bắc.
Cũng trong nửa đầu năm nay, HĐQT VCG đã phê duyệt chủ trương mua lại toàn bộ cổ phần nhà nước (41,5%) tại Công ty cổ phần Xây lắp và vật liệu Xây dựng Đồng Tháp (BDT).
Kết quả sản xuất kinh doanh quý II/2021 của VCG chưa được công bố, nhưng với những thông tin tích cực từ đầu năm đến nay, thị trường dự đoán báo cáo tài chính quý II/2021 của VCG sẽ có nhiều điểm sáng.
Thế chân kiềng trong chiến lược kinh doanh và sự năng động, tích cực, chủ động trong thực thi chiến lược đang là những bảo chứng cho thấy khả năng bứt phá mạnh mẽ của VCG trong tương lai.