Theo Quyết định 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, 93 doanh nghiệp nhà nước thuộc diện phải cổ phần hóa từ nay tới năm 2020, trong đó có nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước. VCBS đã có sự chuẩn bị như thế nào cho mảng nghiệp vụ tư vấn để tận dụng cơ hội mới từ thị trường?
VCBS vốn được biết đến rộng rãi là đơn vị có bề dày truyền thống và kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính, M&A, tư vấn cổ phần hóa. Chúng tôi coi đây luôn là mảng hoạt động cốt lõi và đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch phát triển của Công ty.
Trước những cơ hội đang mở ra, VCBS đã và đang chủ động chuẩn bị những điều kiện cần thiết để có thể đẩy mạnh phát triển hơn nữa mảng nghiệp vụ tư vấn tài chính doanh nghiệp, bao gồm tư vấn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tư vấn M&A.
Trước hết, do tính chất của hoạt động tư vấn là tương tác trực tiếp cùng doanh nghiệp nên yếu tố được chúng tôi đặt lên hàng đầu là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để triển khai các dự án.
Đây là những quản lý, chuyên viên có nghiệp vụ chuyên môn cao, thông hiểu tài chính doanh nghiệp, nắm vững các quy định pháp luật của nhà nước, nắm vững quy trình triển khai dịch vụ tư vấn, có kinh nghiệm tham gia các dự án lớn.
Nguồn nhân lực tư vấn chất lượng cao là nhân tố quan trọng hàng đầu, giúp đảm bảo về tiến độ, chất lượng, đáp ứng các yêu cầu của dự án tư vấn, đồng thời xây dựng được niềm tin, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và đơn vị tư vấn.
Bên cạnh đó, VCBS cũng tìm kiếm các giải pháp nâng cao chất lượng và các nền tảng hỗ trợ cho dịch vụ tư vấn tài chính doanh nghiệp, như liên kết và phối hợp với Ngân hàng mẹ (Vietcombank) để cung cấp các gói dịch vụ tổng thể, cũng như để tiếp cận và tìm kiếm đối tác chiến lược uy tín trong nước và quốc tế…
Chúng tôi hướng đến mục tiêu cung cấp dịch vụ tài chính đầy đủ, tạo nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng và duy trì quan hệ đối tác lâu dài, chứ không chỉ dừng lại trong phạm vi một dự án tư vấn tài chính hay cổ phần hóa đơn thuần.
Nguồn việc trên thị trường nhiều hơn, nhưng cơ hội không chia đều cho các công ty chứng khoán. Theo ông, đâu là thế mạnh của VCBS trong mảng tư vấn doanh nghiệp nói chung, tư vấn doanh nghiệp cổ phần hóa?
Thời gian qua, bằng việc tham gia tư vấn nhiều thương vụ lớn với tiêu chuẩn khắt khe, VCBS đã khẳng định vị thế dẫn đầu trong mảng tư vấn tài chính doanh nghiệp.
Tiêu biểu là việc trở thành đại lý đấu giá duy nhất được nhà đầu tư lựa chọn trong thương vụ thoái vốn nhà nước tại Sabeco với giá trị 110.000 tỷ đồng - thương vụ bán vốn lớn nhất Đông Nam Á trong 3 năm trở lại đây; hay tư vấn cho thương vụ bán vốn nhà nước tại Vinaconex với tổng giá trị 7.366 tỷ đồng; tư vấn nhà đầu tư nước ngoài thực hiện M&A ở Vinatex (10%), Thép Việt Ý (45%), Tập đoàn PAN (8,97%)… và tư vấn, bảo lãnh phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.
Với mảng tư vấn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, VCBS đã tham gia nhiều dự án cổ phần hóa các công ty có quy mô tài sản rất lớn như Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi), Tổng công ty Sông Đà (SJG), Tập đoàn Cao su - Công ty mẹ (VRG), Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) và rất nhiều đơn vị khác.
VCBS là công ty chứng khoán có những điều kiện tốt để phát triển mảng tư vấn doanh nghiệp với bệ đỡ từ ngân hàng mẹ và các liên kết hệ thống từ Vietcombank.
Trước hết, các liên kết hệ thống từ Vietcombank giúp VCBS có thể mang đến cho đối tác các dịch vụ tài chính đầy đủ, không chỉ giới hạn trong mảng tư vấn tài chính, mà là một hệ sinh thái các dịch vụ tài chính an toàn và đáng tin cậy nhất Việt Nam.
Tiếp đó, mạng lưới khách hàng rất lớn của Vietcombank giúp chúng tôi có thể kết nối giữa các đối tác, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cho đối tác và đôi khi là tiền đề cho các cơ hội kinh doanh mới. Và cuối cùng không thể không nhắc đến là sự hỗ trợ rất lớn về định hướng chiến lược cũng như hậu thuẫn các nguồn lực tài chính, nhân lực của Vietcombank đối với VCBS.
Dù vậy, VCBS cũng hiểu rằng, không thể chỉ dựa vào sự hỗ trợ từ Vietcombank, mà cần dựa trên thực lực của mình, bởi dịch vụ có tốt, giá trị mang lại cho đối tác có cao mới xây dựng được niềm tin và liên kết sâu rộng với các đối tác, tạo dựng được uy tín, đẳng cấp và thương hiệu của mình trên thị trường.
Trong mảng tư vấn doanh nghiệp, thế mạnh nội tại của VCBS nằm ở bề dày kinh nghiệm triển khai dịch vụ, mối quan hệ và liên kết sâu sắc với các doanh nghiệp đối tác và đội ngũ nhân sự tư vấn trình độ cao. Đây đều là những tài sản vô hình được tích lũy trong thời gian dài, tạo nên lợi thế và sự khác biệt cho VCBS trên thị trường.
Là đơn vị thực hiện một khối lượng lớn các hợp đồng tư vấn thoái vốn, trong quá trình tư vấn, với VCBS, đâu là những vấn nổi cộm nhất mà các doanh nghiệp đang vướng mắc trong quá trình thực hiện cổ phần hóa cũng như thoái vốn? Bản thân các đơn vị tư vấn đã hỗ trợ họ giải quyết những vướng mắc này như thế nào?
Hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn chịu ảnh hưởng lớn từ những thay đổi về chính sách. Những thay đổi đó khiến cho nhiều doanh nghiệp lúng túng về cách thực hiện (đặc biệt liên quan đến việc xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, xác định giá khởi điểm).
Theo quy định tại Nghị định 126/2019/NĐ-CP, doanh nghiệp nhà nước phải xây dựng được phương án sử dụng đất để làm tiền đề xây dựng phương án cổ phần hóa.
Cụ thể, các doanh nghiệp cổ phần hóa phải rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước thời điểm quyết định cổ phần hóa.
Thực tế, các tập đoàn, tổng công ty hiện đang xin giãn tiến độ cổ phần hóa hầu hết bị chậm trễ trong công tác trình duyệt, phê duyệt phương án sử dụng đất này.
VCBS đánh giá đây là khó khăn, vướng mắc lớn nhất làm kéo dài quá trình cổ phần hóa vì nguồn gốc đất đai của doanh nghiệp nhà nước qua một thời gian dài rất phức tạp.
Đồng thời, việc xác định giá trị doanh nghiệp quy định tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1/9/2018) cũng đang gặp nhiều vướng mắc do chưa có quy định cụ thể về cách tính toán lợi thế quyền thuê đất và giá trị văn hóa lịch sử.
Vướng mắc là vậy nên có thể thấy trong năm 2019, thị trường thiếu vắng hẳn các đợt IPO, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước lớn so với năm 2018.
Với những kinh nghiệm sẵn có trong quá trình triển khai dịch vụ tư vấn cổ phần hóa và thoái vốn cho các doanh nghiệp nhà nước lớn trước đây, VCBS sẽ tham gia ngay từ giai đoạn đầu tiên khi doanh nghiệp bắt đầu xây dựng chiến lược cổ phần hóa, thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp, xây dựng phương án cổ phần hóa, bán đấu giá cổ phần, tư vấn đại hội đồng cổ đông lần đầu…
Sự hỗ trợ của VCBS đối với doanh nghiệp còn thể hiện qua quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp trước và sau cổ phần hóa, tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng cho doanh nghiệp, thực hiện phương thức bảo lãnh phát hành.
VCBS cho rằng, để IPO thành công một doanh nghiệp nhà nước, trong quá trình chuyển đổi, doanh nghiệp cần lưu ý đến các yếu tố như việc xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý tồn tại về tài chính, đưa ra cơ cấu vốn điều lệ tối ưu (tỷ lệ nhà nước nắm giữ, tỷ lệ bán cho nhà đầu tư chiến lược, bán đấu giá công khai), giá bán hợp lý, thời điểm bán phù hợp...
Trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần cổ phần hóa hầu hết đều có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp, nên cần có thời gian để chuẩn bị, xử lý các tồn tại trước khi cổ phần hóa.
Mặt khác, việc thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu và thoái vốn nhà nước đối với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn rất cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị tốt. Vì vậy, doanh nghiệp càng chuẩn bị tốt thì càng đảm bảo khả năng thành công ở mức cao nhất có thể.
Theo ông, những giải pháp nào về mặt chính sách nên được thay đổi để các đợt bán vốn đạt hiệu quả tối ưu?
Chúng tôi kỳ vọng, Chính phủ sẽ có những hành động quyết liệt thúc đẩy các bên liên quan hoàn thành lộ trình, kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2019 - 2020; tập trung mạnh hơn vào khâu tổ chức thực hiện, vào trách nhiệm, chế tài với người đứng đầu doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu; đồng thời, đẩy mạnh việc công khai, minh bạch về lộ trình, tiến độ, kết quả và trách nhiệm người thực hiện.
Với nhiều nỗ lực và sự quyết tâm trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi tin tiến trình này sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới.