Đòi hỏi thống nhất từ quy định đến thực thi
“Chúng tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền có văn bản hướng dẫn rõ ràng cho các sở, ngành để không xảy ra tình trạng thiếu đồng bộ trong việc giải thích và áp dụng pháp luật”.
Đây là một trong những đề xuất được Nhóm công tác Đầu tư và Thương mại của VBF tổng hợp từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp gửi tới VBF 2021. Trong nhóm này, các vấn đề khá đa dạng, được phát hiện trong quá trình thực thi các quy định hiện hành.
Ví dụ, một số địa phương đã yêu cầu nhà đầu tư bổ sung các tài liệu, nội dung ngoài quy định của pháp luật về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, gây nên sự chậm trễ đáng kể trong hoạt động này, khiến nhà đầu tư, doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí cho việc đàm phán và chuẩn bị các tài liệu được yêu cầu thêm. Hay như việc một số địa phương từ chối nhận thông báo của doanh nghiệp về việc sửa đổi điều lệ của doanh nghiệp, một số địa phương lại yêu cầu thực hiện…
Đặc biệt, trong điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Luật Đầu tư và nghị định hướng dẫn quy định về việc đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất. Mẫu văn bản đề xuất đầu tư ban hành theo Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT cũng yêu cầu nhà đầu tư phải chứng minh khả năng đáp ứng suất đầu tư trên một đơn vị diện tích trong các dự án của mình. Tuy nhiên, nếu chính quyền địa phương chưa phê duyệt và ban hành suất đầu tư thì nhà đầu tư không thể đáp ứng điều kiện này, nghĩa là không thể hoàn thành mẫu văn bản đề xuất đầu tư.
Trong một số cuộc họp kỹ thuật trước đó giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các nhóm công tác, Bộ đã giải thích sự cần thiết của quy định này và khẳng định, nếu chưa được chính quyền địa phương phê duyệt và ban hành suất đầu tư thì nhà đầu tư không phải đáp ứng điều kiện đó.
“Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ nên ban hành chỉ đạo về việc công khai suất đầu tư để nhà đầu tư tham khảo trong quá trình chuẩn bị hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”, Nhóm công tác Đầu tư và Thương mại đề xuất.
Phải nhấn mạnh, một trong những nguyên tắc tối thượng trong hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp EU, Mỹ… là tuân thủ pháp luật. Nếu một doanh nghiệp có thông tin là không tuân thủ đúng quy định, hoặc nghi ngờ không tuân thủ đúng, việc duy trì các hợp đồng, các mối quan hệ làm ăn với các đối tác, bạn hàng của doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Vì vậy, bất cứ quy định nào cũng sẽ được các doanh nghiệp nghiên cứu, phân tích để tuân thủ.
Ngay với quy định không được bổ sung các tài liệu khác với quy định về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, mặc dù đồng tình với cách xử lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đó là nhà đầu tư báo cáo trường hợp đó cho Bộ nếu chính quyền địa phương yêu cầu bổ sung các tài liệu khác ngoài các tài liệu theo quy định của pháp luật, đề xuất nhà đầu tư gửi văn bản trả lời chính quyền địa phương, nêu rõ nhà đầu tư không có nghĩa vụ cung cấp các tài liệu đó, yêu cầu chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận hoặc nếu từ chối thì phải đưa ra lý do… Nhóm công tác Đầu tư và Thương mại vẫn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành hướng dẫn để các cơ quan cấp phép không yêu cầu bất kỳ tài liệu bổ sung nào ngoài các văn bản được quy định và đăng tải hướng dẫn này trên trang web của Bộ.
Vẫn còn Câu hỏi thủ tục nào làm trước, thủ tục nào làm sau
“Theo Luật Đầu tư và Luật Đất đai, nhà đầu tư phải gia hạn sử dụng đất và thời hạn của dự án trong cùng một khoảng thời gian tối thiểu là 6 tháng trước khi hết hạn. Không rõ thời hạn nào nên được gia hạn trước” chỉ là một trong số các thắc mắc mà doanh nghiệp gửi đến VBF, với mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước rà soát quy định liên quan để có hướng dẫn cụ thể.
Cụ thể, Điều 74, Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai có quy định chủ đầu tư phải nộp hồ sơ đề nghị gia hạn sử dụng đất ít nhất 6 tháng trước khi hết hạn. Trong trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư mà có thay đổi thời hạn hoạt động của dự án thì nộp hồ sơ đề nghị gia hạn sử dụng đất sau khi có văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc điều chỉnh dự án đầu tư.
Điều 55, Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, quy định nhà đầu tư phải thực hiện lại thủ tục gia hạn dự án ít nhất 6 tháng trước khi hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.
Trong lo lắng gửi tới VBF, các doanh nghiệp cho biết, trường hợp nhà đầu tư xin gia hạn thời gian thực hiện dự án trước thời hạn ít nhất 6 tháng thì không đủ thời gian gia hạn sử dụng đất. Trên thực tế, các cơ quan có thẩm quyền không cho phép tiến hành một trong hai thủ tục quá sớm, tức là trước 6 tháng. Đã có trường hợp cơ quan đăng ký đầu tư yêu cầu nhà đầu tư phải được chấp thuận gia hạn sử dụng đất trước, tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, không thể gia hạn sử dụng đất trước khi gia hạn thời gian thực hiện dự án.
Cũng liên quan đến đất thực hiện dự án, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục nêu khó khăn trong thủ tục giải phóng mặt bằng. Theo Luật Đất đai, thủ tục này phải được cấp có thẩm quyền tiến hành và doanh nghiệp chỉ nhận được đất khi đã được giải phóng mặt bằng, sau khi chính quyền địa phương thanh toán xong tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Nói cách khác, theo phân tích của Nhóm công tác Đầu tư và Thương mại, thủ tục giải phóng mặt bằng thường đưa nhà đầu tư vào thế bị động vì phải chờ đợi kết quả từ các hoạt động giải phóng mặt bằng của chính quyền, có thể mất hàng tháng, hàng năm.
Vấn đề là, do nguồn lực tài chính dành cho hoạt động này của nhiều địa phương hạn chế, nên để đẩy nhanh, chủ đầu tư thường ứng trước tiền đền bù và thương lượng với các hộ dân có đất cần thu hồi. Trong quá trình này, các nhà đầu tư nước ngoài gặp bất lợi do thiếu kinh nghiệm và năng lực để giao dịch thực tế với các hộ gia đình tại địa phương, đặc biệt là không thể thuê đất trực tiếp từ các hộ gia đình như những công ty trong nước.
Các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp và logistics cũng nêu thực tế, việc tiếp cận đất đai đang gặp khó do mức giá cao, nhiều nơi cao bất hợp lý. Điều này cản trở đầu tư nước ngoài vào thời điểm mà Việt Nam nên tạo điều kiện nâng cao năng lực trong các khu công nghiệp, logistics và kho bãi để tăng cường năng lực chuỗi cung ứng của mình.
“Chúng tôi cho rằng, cần có các biện pháp rõ ràng và mạnh mẽ hơn để doanh nghiệp nào chậm trễ trong việc thực hiện dự án, không tuân thủ quy định về thời hạn sử dụng đất thì phải hoàn trả đất cho Nhà nước. Chính quyền địa phương cũng cần khắt khe hơn khi đánh giá năng lực của các nhà đầu tư”, các doanh nghiệp đề xuất gửi VBF.
Thủ tướng Chính phủ sẽ dự và phát biểu tại VBF 2021
Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2021 sẽ được tổ chức vào ngày 21/2/2022 tại Hà Nội. Trong Chương trình dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự và phát biểu tại VBF 2021.
VBF 2021 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), Giám đốc khu vực IFC và Chủ tịch VBF đồng chủ trì. Phiên cấp cao sẽ có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành, đại diện cơ quan ngoại giao, đại sứ quán và các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.