VBF 2019: Bàn tiếp về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR)

VBF 2019: Bàn tiếp về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR)

(ĐTCK) Thêm một lần nữa, câu chuyện phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) lại được mang ra bàn thảo tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2019 như một lối thoát khả thi trong việc gỡ tắc nới tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa (room) nhằm hút vốn ngoại.

NVDR: Kiến nghị cũ vì bức xúc mới

Cơ quan quản lý nên cho phép phát hành NVDR... Ðây là một trong hai kiến nghị được ông Kiên Nguyễn, đại diện Nhóm công tác thị trường vốn đề xuất tại VBF giữa kỳ năm 2019.

Ðề xuất trên được đưa ra sau khi nhóm này nghiên cứu, cân nhắc nhiều mô hình của các quốc gia. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, giải bài toán nới room cho nhà đầu tư nước ngoài có nhiều cách. Chẳng hạn, Nhật Bản, Malaysia áp dụng mô hình cổ phiếu không có quyền biểu quyết. Tuy nhiên, lời giải này có nhược điểm là nhà đầu tư nước ngoài không biết quyền lợi khi mua cổ phiếu.

Tỷ lệ biểu quyết của nhà đầu tư nước ngoài luôn bị giới hạn bởi tỷ lệ sở hữu tối đa trong các lĩnh vực hạn chế nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần. Mặt khác, nếu Việt Nam áp dụng mô hình cổ phiếu không có quyền biểu quyết, thì sẽ mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp về quyền của cổ phiếu. Bất cập này sẽ tránh được nếu áp dụng NVDR như kinh nghiệm của Thái Lan.

Theo Nhóm công tác thị trường vốn, không có phương án nới room nào là hoàn hảo, mà chỉ có cách làm nào khả thi để phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời không phải thay đổi quá nhiều khung pháp lý và NVDR là giải pháp tối ưu.

Sở dĩ như vậy bởi công cụ này vẫn giúp Việt Nam duy trì được tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài hiện hành, đồng thời kiểm soát được các công ty thông qua cơ chế bỏ phiếu của tổ chức phát hành NVDR. Nhà đầu tư nước ngoài được gia tăng đầu tư vào các công ty niêm yết bị hạn chế sở hữu nước ngoài thông qua NVDR.

Ðề xuất áp dụng NVDR đã xuất hiện ở không ít kỳ VBF trước đây, cũng như tại nhiều diễn đàn khác. Tuy nhiên, sở dĩ NVDR hiện nay vẫn được nêu ra vì lời giải cho bài toán nới room gặp bế tắc suốt thời gian qua chưa được gỡ.

Trong khi đó, theo Nhóm công tác thị trường vốn, nhà đầu tư ngoại thể hiện sự sốt ruột vì đang tồn tại một nghịch lý: các doanh nghiệp đầu ngành đã hết room cho khối ngoại hiện có định giá thấp nhất thị trường với P/E là 8,6 lần, trong khi các công ty còn lại ở mức 9,5 lần…

Nhiều ý kiến ủng hộ

Một điểm đáng chú ý là lâu nay, kiến nghị áp dụng NVDR đa phần dừng lại trong giới chuyên môn hẹp thuộc lĩnh vực chứng khoán. Gần đây, đề xuất áp dụng mô hình này nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia ngoài ngành đến từ các cơ quan nghiên cứu như Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hay cơ quan lập pháp như Quốc hội.

Xuất phát từ góc nhìn về cơ bản hiện vẫn chưa có quy định thông thoáng, hấp dẫn hơn để thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Ðức, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất, để tương thích với xu thế mở cửa về đầu tư theo các hiệp định cam kết tới đây, cần xem xét quy định cho phép gia tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài cao hơn mức hiện hành trong những ngành nghề đầu tư có điều kiện mà chưa có quy định về sở hữu nước ngoài.

Vấn đề còn lại là tăng tính minh bạch và giám sát thị trường. Muốn vậy, cần có quy định làm căn cứ ban hành chính sách cho phép nhà đầu tư nước ngoài tăng tỷ lệ sở hữu cao hơn mức quy định theo cam kết hoặc theo pháp luật chuyên ngành, nhưng không thay đổi quyền biểu quyết theo tỷ lệ cam kết.   

Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn mua NVDR để hưởng cổ tức, không cần quyền biểu quyết

Ủng hộ hướng đề xuất trên, ông Nguyễn Hữu Quang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn mua NVDR để hưởng cổ tức, mà không cần quyền biểu quyết, nhưng đến nay Việt Nam chưa cho phép. NVDR đã xuất hiện trên thị trường Mỹ cách đây 100 năm và cách đây hơn 10 năm đã áp dụng ở Thái Lan.

“Tôi cho rằng, nếu chúng ta cho phép triển khai NVDR thì sẽ thu hút tốt hơn nhà đầu tư nước ngoài. Như vậy, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của chúng ta sẽ đồng bộ hơn, thay vì hiện nay phụ thuộc vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong khi lại chưa phát huy ưu thế của kênh huy động vốn đầu tư gián tiếp”, ông Quang nói.

Liên quan đến hướng áp dụng NVDR, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước chia sẻ, hiện Ban soạn thảo đã đưa một số nội dung có tính định hướng về áp dụng sản phẩm này vào dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, khi được cơ quan lập pháp thông qua sẽ đưa ra văn bản hướng dẫn triển khai cụ thể.       

Tin bài liên quan