Dù còn chờ đợi những kết quả từ thực tế, song cộng đồng DN đã được củng cố thêm niềm tin nhờ những cam kết của Chính phủ về một môi trường kinh doanh hoàn thiện như kỳ vọng lâu nay.
Khẳng định trước cộng đồng DN nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy nhanh thực thi các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, chưa có quốc gia nào làm được công việc như Việt Nam đã và đang làm hiện nay, là thống kê, rà soát lại từ xưa tới nay xem có bao nhiêu quy định về ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đầu tư sửa đổi.
“Với quyết tâm cải thiện và minh bạch môi trường đầu tư kinh doanh, Chính phủ đã giao Bộ kế hoạch và Đầu tư làm việc này. Theo kết quả hệ thống lại, trước đây, Việt Nam có 51 ngành nghề cấm kinh doanh, Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất loại bỏ chỉ còn 6 ngành nghề cấm kinh doanh theo thông lệ chung quốc tế. Ngoài ra, trước đây có tới 386 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ KHĐT phối hợp với các Bộ rà soát bỏ bớt, chỉ còn lại 267 ngành nghề. Không dừng lại ở đó, đối với các điều kiện kinh doanh, Chính phủ yêu cầu các Bộ hàng năm tự rà soát lại theo hướng minh bạch, thuận lợi, không phù hợp thì loại bỏ”, Bộ trưởng Vinh cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng, các DN nước ngoài cho rằng danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện là nhiều, nhưng đây không phải là quy định mới, mà là công khai những quy định hiện hữu. Chính phủ vẫn đang tiếp tục rà soát để loại bỏ những ngành nghề, điều kiện kinh doanh không còn phù hợp. Trong số này chỉ có khoảng 100 ngành nghề, lĩnh vực có điều kiện áp dụng cho các doanh nghiệp FDI, còn lại là áp dụng chung cho cả DN trong và ngoài nước. Đây là quyết tâm của Chính phủ Việt Nam để đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thuận lợi và công bằng.
Tuy nhiên, theo ông Vinh, một vấn đề còn tồn tại là một số bộ, ngành đưa ra các ngành nghề có điều kiện kinh doanh, song đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, bởi vậy, Chính phủ đang yêu cầu các bộ này nhanh chóng hoàn thiện các hướng dẫn cụ thể về điều kiện, đồng thời phải đăng công khai trên cổng thông tin quốc gia để đảm bảo tính hợp pháp và minh bạch.
Các điều kiện kinh doanh và văn bản ban hành trái thẩm quyền ở các cấp dưới Chính phủ sẽ hết hiệu lực từ 1/7, khi Luật Đầu tư sửa đổi chính thức được áp dụng. Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh sự kiên quyết của Chính phủ trong việc dứt khoát chỉ ở cấp luật và nghị định mới được phép ban hành điều kiện kinh doanh, còn các văn bản cấp thông tư, quyết định sẽ không còn hiệu lực.
Bên cạnh đó, đối với việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng như đăng ký kinh doanh, tư tưởng chung của Luật Đầu tư là tạo điều kiện thông thoáng và đơn giản cho DN, nhưng vẫn đảm bảo quản lý Nhà nước theo đúng thông lệ quốc tế và luật. Khi vào Việt Nam đầu tư, nhà đầu tư ít nhất phải có dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
“Với việc rút ngắn thời gian cấp toàn bộ các giấy tờ, thủ tục từ 45 ngày như trước đây xuống chỉ còn tối đa 17 ngày như hiện nay, DN sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, hơn nữa, tới đây, khi thực hiện thủ tục cấp phép qua mạng, quá trình này sẽ còn đơn giản và nhanh hơn nữa”, Bộ trưởng Vinh khẳng định.
Với quyết tâm thực thi các biện pháp cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trước cộng đồng DN mục tiêu lớn của Chính phủ là kiên quyết thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra trong Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, coi đây là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược của Chính phủ trong việc cải cách thể chế, hoàn thiện cơ chế theo định hướng thị trường.
“Các Bộ trưởng của chúng tôi đều cam kết đạt và vượt chỉ tiêu đã đề ra trong Nghị quyết 19 là cải cách thủ tục hành chính, để cuối năm 2015 sẽ ngang bằng các nước Asean 6, tới cuối năm 2016 sẽ đạt mức Asean 4, thậm chí có điểm sẽ còn vượt trội hơn”, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng chia sẻ trước cộng đồng DN việc đã giao Bộ KHĐT tổng hợp kiến nghị, khuyến nghị, yêu cầu tới các bộ theo lĩnh vực quản lý để xem xét cụ thể. “Vấn đề gì thuộc về bộ thì các bộ phải xử lý, vấn đề gì thuộc thẩm quyền Thủ tướng thì trình Thủ tướng quyết định, vấn đề gì thuộc luật thì trình Quốc hội xem xét quyết định, với mục tiêu là tạo mọi cơ hội để DN phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, sản phẩm Việt Nam, vì lợi ích chung cho cả Việt Nam; nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN và nền kinh tế trong hội nhập quốc tế”, Thủ tướng khẳng định.
Chia sẻ trước cộng đồng DN, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ nỗ lực tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược nhằm cải cách thể chế kinh tế thị trường. Nền kinh tế Việt Nam phải vận hành đầy đủ theo quy luật và nguyên tắc thị trường, giá cả thị trường, tiếp cận, phân bổ, sử dụng nguồn lực thị trường một cách công khai, minh bạch, hiệu quả. Đồng thời, phải đảm bảo quản lý Nhà nước bằng công cụ, chính sách, nguồn lực của mình, nhằm phát triển văn hóa, an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân… Hoàn thiện thể chế nhà nước pháp quyền, đảm bảo quyền dân chủ tự do của người dân. Nâng cao năng lực quản trị quốc gia, phòng chống tham nhũng, từng bước đẩy lùi tiêu cực.
Bên cạnh đó, mục tiêu không kém phần quan trọng là chủ động đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện nghiêm túc các FTA đã ký. Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẽ hoàn tất 14 FTA, theo đó sẽ có khung khổ thương mại tự do với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên G20. Đây là nền tảng quan trọng để tạo ra thị trường và môi trường kinh doanh thuân lợi không chỉ cho DN Việt Nam mà cả DN FDI.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam
Năm qua, Việt Nam đã ban hành một loạt luật mới, do đó vấn đề hiện nay là thực thi luật mới sắp có hiệu lực như thế nào. Cần phải thấy rằng việc đẩy mạnh tiến trình thực thi qua việc ban hành các nghị định cũng rất quan trọng.
Bên cạnh đó, việc tiếp tục giám sát các tác động thực tiễn trong quá trình thực thi sẽ cần có đối thoại và tham vấn từ cộng đồng DN để chỉnh sửa nếu cần thiết, nhằm biến các chính sách thành hành động thực tiễn.
Về vấn đề đơn giản hóa thủ tục hành chính, nội dung đã có tiến bộ nhưng còn phải đẩy mạnh việc giải quyết một loạt vấn đề thực tiễn đa dạng nảy sinh trong kinh doanh, đề nghị Chính phủ tiếp tục hợp tác để có khung quản trị hiệu quả. Phát triển khu vực tư nhân cũng đã đạt được một số tiến bộ đáng kể. Chính phủ vừa qua đã thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển mạnh hơn, có một số giải pháp góp phần tạo sân chơi bình đẳng. Tuy nhiên, cần chú ý nhiều hơn tới khu vực dân doanh, khu vực này cũng cần được tạo sân chơi bình đẳng thông qua những chính sách có lợi, tác động trực tiếp vào DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ vốn có số lượng áp đảo trong nền kinh tế Việt Nam. |
Bà Virginia B.Foot, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội
Chúng tôi rất vui mừng trước những cam kết mạnh mẽ đã được đưa ra trong Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, cũng như những bộ luật quan trọng mà Việt Nam đã thông qua và ban hành trong năm qua, tuy nhiên vẫn còn quan ngại về việc thực thi các luật này trên thực tiễn.
Hiện nay, Luật Đầu tư sửa đổi quy định 267 ngành nghề có điều kiện với DN trong nước và DN FDI, danh mục này dài và nhiều hơn so với các nước khác rất nhiều, thủ tục cũng rườm rà hơn. Các nước khác có ngành nghề kinh doanh có điều kiện, song quy trình ngắn gọn, một bộ phê chuẩn là được. Còn ở Việt Nam, ngoài bộ chủ quản còn có các thủ tục xét duyệt và phê chuẩn từ các bộ quản lý chuyên ngành nên phức tạp hơn, Việc giảm bớt các thủ tục xét duyệt và phê chuẩn theo thông lệ quốc tế sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN trong đầu tư kinh doanh và giúp Việt Nam hội nhập thành công hơn. |