Vay vốn ngân hàng, đừng nắm đằng lưỡi

Vay vốn ngân hàng, đừng nắm đằng lưỡi

(ĐTCK) DN phải thận trọng khi cam kết và đảm bảo thực hiện đúng các cam kết để tránh rủi ro.

Vay vốn ngân hàng, đừng nắm đằng lưỡi ảnh 1Nhiều DN lầm tưởng là phụ phí cộng thêm 0,2% vào lãi suất

 

Để duy trì hoạt động và sản xuất -  kinh doanh, đa số DN phải phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay từ ngân hàng. Mặc dù việc tiếp cận vốn ngân hàng không dễ dàng nhưng nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, không nên tiếp cận nguồn tín dụng này bằng mọi giá mà chưa tính hết những rủi ro thị trường. Trong hội thảo mới đây của Đoàn luật sư Hà Nội, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều vấn đề pháp lý DN cần lưu ý khi thực hiện giao dịch vay vốn ngân hàng.

Theo Luật sư Vũ Diệu Huyền, Công ty Luật hợp danh YKVN, nói đến chi phí vay vốn, thông thường người ta chỉ nhắc đến lãi suất, nhưng trên thực tế, ngân hàng thường yêu cầu khách hàng gánh thêm các chi phí phát sinh như một cách điều chỉnh lãi suất, như phí thu xếp khoản vay, phí cam kết rút vốn, phí hủy bỏ cam kết cho vay…, thậm chí có trường hợp, DN phải chịu cả chi phí luật sư cho ngân hàng.

Ngoài ra, khi thực hiện hợp đồng vay vốn ngân hàng, DN cần xem xét kỹ các điều khoản về tài sản để bảo đảm nghĩa vụ vay và cần kiểm soát quá trình xử lý tài sản để tránh bị thiệt hại thêm. Bởi khi nhận tài sản đảm bảo, nhiều ngân hàng đòi hỏi khách vay trao cho ngân hàng quyền tự định đoạt các phương thức và xác định giá trị tài sản bảo đảm khi xử lý. Trong trường hợp, khách hàng không có khả năng thanh toán khoản vay, để nhanh chóng thu hồi khoản nợ, ngân hàng sẽ chấp nhận bán tài sản với bất kỳ giá nào.

Bên cạnh đó, hồ sơ vay vốn là do DN cung cấp và ngân hàng sẽ yêu cầu DN cam kết rằng các thông tin là đúng sự thật. Đồng thời, DN cũng thường phải cam đoan DN có quyền tham gia hợp đồng, người ký kết đúng thẩm quyền, DN không có vi phạm nào, không bị kiện tụng, nợ đọng thuế… Khi đã cam kết, nếu không thể thực hiện, tức là thông tin cam kết không đúng thì ngân hàng có thể coi đó là vi phạm hợp đồng và có quyền thu hồi nợ trước hạn và xử lý tài sản bảo đảm. Do đó, DN phải thận trọng khi cam kết và đảm bảo thực hiện đúng các cam kết để tránh rủi ro.

“DN cần cố gắng đàm phán với ngân hàng để hạn chế tối đa việc liệt kê các sự kiện vi phạm và thuyết phục ngân hàng dành cho khoảng thời gian nhất định để DN tự khắc phục sự kiện vi phạm, trước khi ngân hàng thực hiện các biện pháp xử lý”, luật sư Huyền nói.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, về nguyên tắc, khi lập hợp đồng thì bao giờ cũng phải rành mạch, rõ ràng, không thiên vị bên nào, không cục bộ lợi ích quá đáng của một phía. Do đó, khi giao kết hợp đồng, DN cũng nên lưu ý một số vấn đề để đảm bảo quyền lợi. Tuy nhiên, thực tiễn vay và cho vay cho thấy nhiều góc độ khác. Ví dụ như chuyện phụ phí, nếu như phụ phí đưa vào để lách lãi suất thì đây là lỗi cơ chế, cơ quan quản lý đưa ra quy định sai bản chất vấn đề, sai nguyên tắc kinh tế cho nên có chuyện lách luật. Nếu không lách luật thì sẽ phải tăng lãi suất.

Đối với một số loại phí, ngân hàng đưa ra là hợp lý, nhưng tính tất cả vào lãi suất là không công bằng. Chẳng hạn, cùng là DN với điều kiện như nhau, nhưng tài sản bảo đảm là giấy tờ có giá sẽ khác tài sản cầm cố, bởi cầm cố sẽ phải tốn phí quản lý tài sản, lại rủi ro hơn khi định giá…

Luật sư Đức cũng chia sẻ thêm, có trường hợp DN phàn nàn ngân hàng điều chỉnh lãi suất trước kỳ thu lãi, nhưng thực ra việc điều chỉnh được áp dụng chung cho tất cả các khách hàng, có khách hàng rơi vào đầu kỳ, có khách hàng rơi vào giữa kỳ hay cuối kỳ. Nhiều DN cũng lầm tưởng là phụ phí cộng thêm 0,2% vào lãi suất, nhưng thực chất lãi suất được thu theo tháng, năm, còn phí chỉ thu vào đầu kỳ hoặc khi có phát sinh. Hơn nữa, hầu hết các ngân hàng đều có quy định biểu phí cụ thể và được thông báo công khai theo đúng quy định của pháp luật.

Riêng tài sản bảo đảm, có thể có ràng buộc điều khoản thiên vị, nhưng việc xử lý tài sản bảo đảm trên thực tế không hề dễ dàng. Ví dụ như thế chấp nhà đất, khi ngân hàng xử lý nợ, dù đã đủ điều kiện mà chủ tài sản không đồng ý thì ngân hàng không thể phát mại. Khối nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện nay bế tắc nguyên nhân một phần cũng vì không xử lý được tài sản bảo đảm, dù đã ký kết, công chứng đầy đủ.

Đối với cam kết về tính chính xác của thông tin, hồ sơ tài liệu do DN cung cấp, yêu cầu này cho ngân hàng có quyền bắt lỗi và thu hồi nợ trước hạn. Tuy nhiên, không ngân hàng nào lạm dụng điều này, bởi việc thu hồi nợ trước hạn thì mục tiêu lợi nhuận của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng, chưa kể đến khả năng thu hồi đủ vốn gốc cũng khó. Do đó, chỉ khi thực sự có nguy cơ mất vốn, ngân hàng mới phải thu hồi nợ trước hạn.