Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho biết là sẽ đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra phạm vi, thẩm quyền của Tổng cục đường bộ Việt Nam “về việc đã yêu cầu tạm dừng thu phí tại các Trạm thu phí” có thể dẫn đến việc thất thoát doanh thu, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.
Ông Đặng Đại, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VARSI cho biết là ngay sau khi Tổng cục đường bộ Việt Nam đưa ra thông tin sẽ cho tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ tại một số dự án BOT do chậm trễ triển khai ký kết thu phí tự động không dừng - ETC gồm Trạm Bắc Hải Vân, trạm BOT Cam Thịnh và trạm BOT Cần Thơ- Phụng Hiệp” từ ngày 18h ngày 10/7/2019, Hiệp hội đã nhận được kiến nghị khẩn của nhiều nhà đầu tư hạ tầng công trình giao thông.
VARSI khẳng định việc triển khai ETC là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, giúp các phương tiện tiết kiệm thời gian, chi phí, đặc biệt sẽ đảm bảo an ninh trật tự và tránh nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông tại khu vực các trạm thu phí, tuy nhiên Hiệp hội không đồng tình cách triển khai hiện nay của Tổng cục đường bộ Việt Nam.
VARSI cho rằng, việc triển khai ETC tại Dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 theo hình thức BOO (Dự án BOO 1) có nhiều điểm trái với các quy định tại Hiến pháp, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Bộ Luật Dân sự và trái với các thỏa thuận hợp pháp tại các Hợp đồng BOT, Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp giữa Doanh nghiệp dự án/Nhà đầu tư và các bên có liên quan.
“Điều này gây tâm lý hoang mang, làm mất niềm tin cùa nhà đầu tư vào chính sách pháp luật của Nhà nước và những rủi ro của môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam hiện tại”, ông Đặng Đại khẳng định.
Theo Hiệp hội, việc lựa chọn Nhà cung cấp dịch vụ ETC và yêu cầu các Doanh nghiệp dự án/Nhà đầu tư ký phụ lục Hợp đồng BOT để điều chỉnh nội dung này (bao gồm cả việc ấn định % doanh thu phải trích lại từ doanh thu BOT cho đơn vị vận hành ETC) đang có những bất cập, những khó khăn nhất định.
Bất cập đầu tiên là chưa có sự thoả thuận giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Nhà đầu tư để điều chỉnh Hợp đồng BOT. Cụ thể, do Hợp đồng dự án đã được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Doanh nghiệp dự án và Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp của Dự án ký giữa Nhà đầu tư và Ngân hàng cấp tín dụng. Vì vậy, khi điều chỉnh Hợp đồng dự án BOT cũng như thay đổi các yếu tố ảnh hưởng đến Hợp đồng thế chấp, thay đổi các quyền và nghĩa vụ của các bên trong Hợp đồng BOT, Hợp đồng tín dụng và Hợp đồng thế chấp thì các bên phải thoả thuận với nhau về sự thay đổi đó để đảm bảo quyền và lợi ích của các bên trong Hợp đồng cũng như tuân thủ nguyên tắc bình đẳng, thoả thuận trong giao kết Hợp đồng của Bộ luật Dân sự.
Liên quan đến Tài sản đang thế chấp tại Ngân hàng, Hiệp hội cho biết là trong hợp đồng tín dụng giữa Doanh nghiệp dự án và các ngân hàng tài trợ vốn, trên cơ sở chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thế chấp quyền thu giá Dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BOT trong các Hợp đồng dự án BOT, Doanh nghiệp dự án đã ký Hợp đồng thế chấp quyền tài sản để thế chấp toàn bộ quyền tài sản (bao gồm nhưng không giới hạn quyền thu phí và toàn bộ nguồn thu từ các trạm thu phí, quyền tiếp nhận hạng mục đầu tư cũng như tài sản, công trình thiết bị…..) cho Ngân hàng cấp tín dụng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của Doanh nghiệp dự án tại Ngân hàng.
Vì vậy, VARSI cho rằng việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong Hợp đồng BOT buộc các doanh nghiệp dự án ký Phụ lục Hợp đồng BOT để bàn giao trạm thu phí cho đơn vị thu phí ETC quản lý vận hành sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền quản lý vận hành Trạm thu phí của Doanh nghiệp dự án/Nhà đầu tư quy định trong Hợp đồng dự án và tài sản thế chấp trong các Hợp đồng thế chấp của Doanh nghiệp dự án/Nhà đầu tư trong các Dự án BOT.
Điều này cũng sẽ đẩy Doanh nghiệp dự án và Nhà đầu tư vào việc vi phạm các nghĩa vụ trong Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp và phải gánh chịu các chế tài về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại.
Bên cạnh đó, do toàn bộ doanh thu chuyển vào tài khoản của ngân hàng tài trợ cho Dự án BOO 1 trước khi chuyển về tài khoản của ngân hàng cho vay dự án BOT là vi phạm nghiêm trọng các thỏa thuận hợp pháp của của Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp do tài sản hình thành từ đầu tư và quyền thu phí đã được thế chấp tại Ngân hàng cho vay của Dự án BOT, đồng thời gây rủi do đối với việc quản lý dòng tiền hoàn vốn của Dự án. Do đó, việc bàn giao toàn bộ trạm thu phí và chuyển dòng tiền từ thu phí từ Ngân hàng cho vay tín dụng các dự án BOT sang bên thứ ba bất kỳ cần có ý kiến của Ngân hàng tài trợ vốn cho dự án BOT.
VARSI cho rằng, cách thức triển khai ETC gây ảnh hưởng đến phương án trả nợ tại Ngân hàng khi Tỷ lệ trích doanh thu cho đơn vị thu phí ETC chưa có căn cứ tính cụ thể và đang tính trên tổng doanh thu của BOT mà không tách bạch doanh thu của ETC và làn thu thủ công một dừng MTC. Đồng thời, việc trích doanh thu làm ảnh hưởng đến phương án tín dụng của các Dự án và chưa có sự thống nhất với doanh nghiệp dự án/nhà đầu tư trước khi triển khai.
Hiện nay việc kết nối giữa tài khoản Ngân hàng với tài khoản giao thông của chủ phương tiện mở tại nhà cung cấp dịch vụ thu phí chưa được thực hiện. Người dùng muốn dùng dịch vụ thu phí tự động không dừng phải chuyển tiền trước vào tài khoản giao thông, nhưng không được tính lãi. Đồng thời, đối với các trường hợp được miễn vẫn phải nộp tiền vào tài khoản trả trước và bị khấu trừ khi đi qua trạm và chỉ được hoàn trả lại trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày phát sinh giao dịch. Điều này khiến người sử dụng dịch vụ và các ngân hàng cho vay BOT không ủng hộ vì tiền của người sử dụng dịch vụ bị chiếm dụng và Ngân hàng cho vay BOT cũng không được quản lý nguồn tiền thu phí của bên vay.
Do lưu lượng sử dụng dịch vụ ETC hiện tại đối với các trạm BOT nói chung đang thu rất thấp và thói quen sử dụng tiền mặt của người dân gây rủi ro cho công tác thu phí khi bàn giao toàn bộ các làn chuyển sang hình thức thu phí không dừng và chỉ để lại 2 làn ngoài cùng sử dụng hình thức thu phí hỗn hợp ETC+MTC. Điều này có khả năng dẫn đến việc ùn tắc giao thông và thất thoát doanh thu cho Doanh nghiệp dự án.
Đại diện VARSI cho biết, các Doanh nghiệp dự án/Nhà đầu tư BOT hoàn toàn có thể tự triển khai lắp đặt và vận hành thiết bị thu phí tự động không dừng tại trạm theo các tiêu chuẩn kỹ thuật đồng bộ do Cơ quan Nhà nước ban hành. Tuy nhiên, hiện tại toàn bộ công tác đầu tư lắp đặt thiết bị thu phí ETC đã tính trong phương án tài chính của Dự án BOO 1 và do Nhà đầu tư Dự án BOO 1 được Bộ GTVT chỉ định trúng thầu lắp đặt không thông qua đám phán giá mà thông qua các mệnh lệnh từ Tổng cục đường bộ Việt Nam.
Trước đó, Tổng cục đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu Cục Quản lý đường bộ II, III, IV phối hợp với chính quyền địa phương, doanh nghiệp dự án của 4 dự án BOT trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 tổ chức tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ kể từ 18h ngày 10/7 cho đến khi hoàn tất việc ký phụ lục Hợp đồng BOT triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng hoặc theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Các dự án bị tạm dừng thu phí gồm: Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ – Phụng Hiệp (trạm thu phí Km2079 + 535 Quốc lộ 1); Dự án hầm đường bộ Phú Gia – Phước Tượng (trạm thu phí Bắc Hải Vân); Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1488 – Km1525 qua tỉnh Khánh Hòa (trạm Cam Thịnh – Km1517+ 647, Quốc lộ 1); Dự án mở rộng Quốc lộ 14 đoạn TP. Pleiku đến Cầu 110 với 2 trạm thu phí tại Km 1610+800 và Km 1667+470.
4 doanh nghiệp dự án bị yêu cầu dừng thu phí có trách nhiệm thông báo công khai việc dừng thu phí trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại trạm thu phí; đảm bảo công trình được vận hành thông suốt, an toàn.