Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc về quy trình, thủ tục đầu tư các dự án. Ảnh: Đức Thanh

Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc về quy trình, thủ tục đầu tư các dự án. Ảnh: Đức Thanh

Vào cuộc gỡ nút thắt quy trình, thủ tục đầu tư

Có khoảng 10 nhóm vướng mắc giữa Luật Đầu tư và các văn bản luật hiện hành đã được Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đưa ra phương án tháo gỡ.

Phân định rõ thủ tục

Pháp luật về xây dựng đã được nhắc đến rất chi tiết trong phiên bản mới nhất của Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), vừa được hoàn thiện vào ngày 20/5/2020, sẽ được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến vào ngày mai (26/5).

Cụ thể, đối với dự án đầu tư xây dựng công trình, trình tự, thủ tục chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định tại Luật Đầu tư. Việc thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng, điều kiện thực hiện hoạt động xây dựng, quản lý hoạt động xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Như vậy, vướng mắc về quy trình, thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình mà các nhà đầu tư than phiền mấy năm nay đã có phương án gỡ.

Phải nhắc lại, theo phương án Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 74/BC-CP ngày 5/3/2020, Điều 4, Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) tiếp tục thực hiện nguyên tắc áp dụng pháp luật đã được quy định tại Điều 4, Luật Đầu tư 2014. Nghĩa là phân định rõ phạm vi điều chỉnh cũng như nguyên tắc áp dụng của Luật Đầu tư và các luật có liên quan, nhưng đã mở rộng đến các luật gồm: Luật Xây dựng; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Luật Đầu tư hiện hành mới nhắc đến Luật Chứng khoán; Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Dầu khí.

Thêm nữa, Dự thảo cũng đã có điều khoản quy định trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc tuân thủ Luật Đầu tư và pháp luật về quy hoạch, đất đai, môi trường, xây dựng, lao động, phòng cháy, chữa cháy và pháp luật có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư.

Nhưng giới chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư vẫn chưa an tâm.

Thực tế, Luật Đầu tư vẫn được xem là “luật chung” trong pháp luật về đầu tư. Luật này quy định về hồ sơ, trình tự thủ tục của dự án đầu tư, nghĩa là các luật khác không quy định thêm về nội dung này. Điều này được hiểu, hồ sơ, trình tự thủ tục trong dự án đầu tư của phần lớn lĩnh vực khác nhau (thuộc diện phải thực hiện thủ tục đầu tư) phải thực hiện hồ sơ, trình tự, thủ tục tại Luật Đầu tư.

Nhưng, một số luật chuyên ngành lại yêu cầu thêm về tài liệu trong hồ sơ thực hiện thủ tục đầu tư hoặc yêu cầu thực hiện thủ tục đầu tư đối với các loại dự án đầu tư mà theo quy định của Luật Đầu tư không phải thực hiện bất kỳ thủ tục nào.

Hệ lụy của tình trạng này là sự rủi ro của nhà đầu tư và của chính cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Trong Báo cáo Chồng chéo pháp luật về đầu tư, kinh doanh, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cuối năm 2019, nêu ra 25 nút thắt. Các chuyên gia khảo sát đã phát hiện sự thiếu nhất quán của các văn bản pháp luật khiến quy trình triển khai dự án bị kéo dài, thậm chí là đình trệ, không thể triển khai, gia tăng chi phí về thời gian, tiền bạc và rủi ro đối với doanh nghiệp, khiến môi trường kinh doanh trở nên kém thuận lợi.

Nguyên tắc lựa chọn nhà đầu tư

Phương thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đã được Dự thảo Luật Đầu tư phiên bản ngày 20/5/2020 tách riêng thành một điều, thay vì đưa vào nội dung chung với chấp thuận chủ trương đầu tư như các dự thảo trước đó.

Cụ thể, Điều 29 của Dự thảo đã quy định nguyên tắc, điều kiện áp dụng từng hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, gồm 3 nhóm: đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; chấp thuận nhà đầu tư.

Với hai nhóm đầu, khi lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất thì tuân thủ theo quy định của pháp luật về đất đai; nếu chọn hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Việc lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án theo trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất và đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư được quy định rõ là thực hiện sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư, trừ trường hợp dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đối với các dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, Dự thảo quy định cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá, đấu thầu trong 4 trường hợp.

Một là, nhà đầu tư có quyền sử dụng đất.

Hai là, nhà đầu tư thực hiện dự án dự kiến nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất và không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Ba là, nhà đầu tư thực hiện dự án trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

Bốn là, trường hợp khác không thuộc diện đấu giá, đấu thầu theo quy định của pháp luật.

Quy định này sẽ tháo nút thắt lớn mà Báo cáo Chồng chéo pháp luật về đầu tư, kinh doanh của VCCI đã điểm danh đến, đó là sự không rõ ràng trong lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá đất, đấu thầu dự án có gắn liền với quyền sử dụng đất quy định tại Luật Đất đai và Luật Đấu thầu.

Theo đánh giá của VCCI, hai luật này nhắc tới các hình thức không đấu giá, đấu giá, đầu thầu, nhưng không quy định rõ đối với một mảnh đất, trường hợp nào thì đấu giá quyền sử dụng đất và xác định chủ đầu tư theo hình thức đấu giá, trường hợp nào thì đấu thầu để xác định chủ đầu tư. Điều này dẫn đến sự lúng túng của các địa phương trong việc áp dụng các quy phạm pháp luật đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất và nhà đầu tư không nhận biết được chính sách của Nhà nước đối với các dự án mà họ muốn bắt đầu đầu tư.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Ban soạn thảo Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) cho rằng, Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) không thể quy định trường hợp nào thực hiện đấu giá, trường hợp nào thực hiện đấu thầu vì đó là phạm vi của luật khác, nhưng đã làm rõ nếu lựa chọn hình thức nào thì tuân thủ theo quy trình, thủ tục của hình thức đó.

Ngoài ra, khoảng 10 nhóm vấn đề khác đang có sự chồng chéo giữa Luật Đầu tư và các luật khác cũng đã được rà soát, sửa đổi trong Dự thảo, như thống nhất khái niệm “nhà đầu tư”, “chủ đầu tư” trong quy định tại Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở...

Cùng với đó, Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) cũng có Điều 77 quy định một số điều của các luật có liên quan đến đầu tư kinh doanh cần phải bổ sung, sửa đổi.

Quy định chồng chéo làm cơ quan thực thi không dám hỗ trợ doanh nghiệp

“Chúng tôi nhận thấy rõ sự lúng túng của các cơ quan thực thi khi gặp phải những quy định chồng chéo này”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) trao đổi khi phân tích 25 điểm chồng chéo liên quan đến pháp luật đầu tư, xây dựng.

Nếu thực hiện linh hoạt tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các cơ quan sẽ có nguy cơ vi phạm luật, nhưng nếu thực hiện theo đúng quy định thì quy trình trở nên rất rắc rối, kéo dài và thậm chí không thể thực hiện được. Thực tế này đang đặt cơ quan thực thi cấp địa phương vào thế “bất lực” khi phải chịu sức ép từ các cấp trên trong yêu cầu phải thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Vào tháng 3/2020, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có văn bản gửi một số bộ, ngành yêu cầu phối hợp với Ủy ban thực hiện nghiên cứu các vướng mắc, rà soát để chỉnh sửa trong các văn bản luật đang được xem xét trong kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV và báo cáo Chính phủ đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 với nội dung liên quan đến các luật chưa được đề nghị sửa đổi, bổ sung...

Tin bài liên quan