Để ổn định thị trường vàng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định chính thức cho phép Ngân hàng Nhà nước được mua bán vàng miếng trên thị trường

Để ổn định thị trường vàng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định chính thức cho phép Ngân hàng Nhà nước được mua bán vàng miếng trên thị trường

Vàng vẫn chưa hết “sóng”

Chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới lại có những biến động theo chiều hướng tăng mạnh trở lại sau khi giảm từ 5 triệu đồng xuống còn hơn 2 triệu đồng.

Nhiều giải pháp cho thị trường vàng đã được Ngân hàng Nhà nước triển khai mạnh trong thời gian qua nhưng diễn biến giá vàng trong nước những ngày gần đây chưa cho thấy những chuyển biến mạnh khi chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao. Thị trường vẫn đang kỳ vọng vào những điều chỉnh mạnh mẽ hơn từ cơ quan quản lý.

Chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã giảm mạnh từ trên 5 triệu đồng/lượng xuống còn hơn 2 triệu đồng/lượng ngay trong ngày diễn ra lễ ký kết hợp đồng gia công vàng miếng giữa Ngân hàng Nhà nước với Công ty SJC (ngày 27/2). Nhưng ngay sau đó chênh lệch giá vàng lại có những biến động theo chiều hướng tăng mạnh trở lại.

 

Trên thực tế, chỉ một ngày sau khi chênh lệch giá vàng giảm xuống ngưỡng hơn 2 triệu đồng/lượng, thì khoảng cách này đã được đẩy lên trên 3 triệu đồng/lượng, và đến nay chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đang ở ngưỡng trên 4 triệu đồng dù giá vàng thế giới trong những ngày qua không có nhiều biến động.

 

Cụ thể, giá vàng SJC giao dịch cuối giờ sáng ngày 6/3 tiếp tục tăng thêm 280 nghìn đồng/lượng so với giá chốt phiên trong ngày trước đó và bán ra ở 44,13 triệu đồng/lượng, mua vào ở 43,98 triệu đồng/lượng.

 

Trong khi đó, giá vàng thế giới giao ngay theo Kitco ở 1.578,2 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD của Vietcombank là 20.990 đồng/USD, giá vàng trong nước vẫn cao hơn thế giới khoảng 4,25 triệu đồng/lượng.

 

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng, ông Nguyễn Trí Hiếu, những biến động trên thị trường vàng thực sự có rất nhiều yếu tố tác động. Một trong những yếu tố lớn khiến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới biến động mạnh là do mức cung vàng trên thị trường chưa đủ đáp ứng với nhu cầu mua vàng.

 

Chính vì vậy, nó là một lực tác động luôn luôn gây ra biến động trên thị trường. Trong lúc này, khi mà Ngân hàng Nhà nước cũng đang tìm cách lập lại trật tự cho thị trường vàng, thì tự bản thân những hoạt động lập lại trật tự này cũng đã gây ra những biến động. Tuy nhiên, những biến động trên là hiện tượng bình thường.

 

Theo ông Hiếu, từ nay cho đến khi thị trường vàng thiết lập được sự ổn định sẽ có những biến động lớn và đó cũng là hiện tượng tất yếu.

 

Để giá vàng trong nước liên thông với giá vàng thế giới, các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần giảm dần biện pháp hành chính, thay vào đó là thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia, giảm thói quen mua bán vàng vật chất. Đồng thời, tiếp tục chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô để tăng giá trị tiền đồng, làm giảm tâm lý tích trữ vàng của người dân.

 

Để làm được điều này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, trong trường hợp lập ra sàn giao dịch vàng thì sàn vàng này phải do Nhà nước đứng ra quản lý, niêm yết mã vàng như niêm yết mã chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đều có thể tham gia.

 

“Như vậy, giá vàng sẽ chấm dứt sự chênh lệch, thị trường vàng cũng chấm dứt tình trạng buôn lậu, mà Nhà nước lại thu được thuế”, ông Phong chia sẻ.

 

Để ổn định thị trường vàng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định chính thức cho phép Ngân hàng Nhà nước được mua bán vàng miếng trên thị trường.

 

Theo đó, căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước sẽ mua bán vàng miếng để can thiệp, bình ổn thị trường vàng trong nước và được mua vàng miếng bổ sung vào dự trữ ngoại hối.

 

Quyết định cũng cho phép Ngân hàng Nhà nước được mở tài khoản mua bán vàng trên tài khoản ở nước ngoài, mua vàng ở nước ngoài để nhập khẩu bổ sung dự trữ ngoại hối hoặc bán vàng ra nước ngoài.

 

Với quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ, ông Hiếu cho rằng, đây là điều cần thiết trong bối cảnh Việt Nam hiện nay. Thực sự, trên nguyên tắc ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia trên thế giới không quản lý thị trường vàng và đặc biệt họ không tham dự vào thị trường vàng như cách làm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện nay – vừa là người quản lý lại vừa kinh doanh vàng.

 

Tuy nhiên, với đặc thù của Việt Nam hiện nay, các chuyên gia cũng cho rằng, để quản lý thị trường vàng đi vào ổn định phải có sự can thiệp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, còn nếu để thị trường tự vận hành như thời gian qua thì sẽ không thể giải quyết hết các bất ổn cho thị trường này.

 

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước cũng đang chuẩn bị các bước cuối cùng để buổi đấu thầu mua bán vàng miếng với doanh nghiệp và tổ chức tín dụng trong những ngày tới đây được diễn ra suôn sẻ.

 

Việc đấu thầu mua bán vàng miếng này được kỳ vọng sẽ giúp giá vàng trong nước được kéo sát với giá thế giới.

 

Theo một nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước, trước ngày đấu thầu chính thức, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố công khai hạn mức, khối lượng vàng miếng theo từng phương án đấu thầu. Trong một ngày, có thể thực hiện nhiều phiên đấu thầu tùy theo diễn biến giá vàng và nhu cầu của thị trường. Nguồn tin này cũng cho rằng, việc đấu thầu này sẽ không giúp giá vàng giảm ngay mà sẽ phải cần vài phiên để thị trường tự điều chỉnh, khi đó chênh lệch giá vàng trong nước mới được thu hẹp.

 

Theo ông Hiếu, với những giải pháp được Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong thời gian qua, sẽ có nhiều kỳ vọng để thị trường vàng ổn định dù sự ổn định đó chưa phải là lớn trong bối cảnh hiện nay. Phải chấp nhận thị trường vàng trong thời gian tới sẽ có những biến động, thậm chí biến động mạnh hơn so với hiện nay để đi đến cái đích cuối cùng là thị trường vàng được ổn định.