Cổ phiếu công nghệ và công nghệ sinh học đã kéo lùi phố Wall trong phiên giao dịch ngày thứ Năm.
Kết quả kinh doanh thất vọng của các công ty công nghệ sinh học, cùng với đà bán mạnh cổ phiếu công nghệ, xuất phát từ Apple sau những thông tin không khả quan về Apple Watch. Đây chính là 2 nhóm cổ phiếu dẫn dắt của phố Wall, vì vậy, khi cả 2 cùng đồng loạt giảm mạnh, cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đã giảm hơn 1% trong ngày thứ Năm. Trong đó, Nasdaq giảm mạnh nhất khi mất hơn 1,6% và là phiên giảm thứ 4 liên tiếp của chỉ số này. So với mức đỉnh lập hồi cuối tuần trước, Nasdaq đã mất 3%.
Kết thúc phiên 30/4, chỉ số Dow Jones giảm 195,01 điểm (-1,08%), xuống 17.840,52 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 21,34 điểm (-1,01%), xuống 2.085,51 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 82,22 điểm (-1,64%), xuống 4.941,42 điểm.
Cũng giống như chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng chịu tác động tiêu cực từ đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ do kết quả kinh doanh đáng thất vọng. Tại chứng khoán châu Âu, châm ngòi cho làn sóng này là Nokia khi công bố lợi nhuận quý I thấp hơn nhiều so với dự đoán.
Tuy nhiên, không như chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu sau đó đã hồi trở lại vào cuối phiên và đóng cửa với sắc xanh nhạt khi thông tin vĩ mô tích cực được công bố. Theo đó, dữ liệu mới công bố cho thấy, giảm phát của khu vực đồng euro đã kết thúc, cho thấy chính sách nới lỏng tiền tệ và kích thích kinh tế của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã phát huy hiệu quả.
Kết thúc phiên 30/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 14,35 điểm (+0,21%), lên 6.960,63 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 21,66 điểm (+0,19%), lên 11.454,38 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 7,10 điểm (+0,14%), lên 5.046,49 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, ảnh hưởng từ kết quả kinh tế yếu kém của Mỹ và thông tin từ Fed được công bố ngày trước đó, chứng khoán Nhật Bản ngay khi khi giao dịch trở lại sau 1 ngày nghỉ đã có phiên giảm mạnh nhất 4 tháng. Ngoài ảnh hưởng từ các yếu tố từ Mỹ, chứng khoán Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng không tích cực từ kết quả kinh doanh không khả quan của các doanh nghiệp niêm yết, trong đó có tập đoàn lớn như Honda.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục cũng không khá hơn là bao do anh hưởng từ các cổ phiếu ngân hàng lớn của Trung Quốc sau khi một số công bố kết quả kinh doanh thất vọng. Tuy nhiên, chứng khoán Hồng Kông cũng có tháng tăng mạnh nhất 6 năm trong tháng 4 nhờ dòng tiền chảy mạnh từ đại lục cũng như kỳ vọng vào chính sách kích thích kinh tế của Trung Quốc.
Kết thúc phiên 30/4, chỉ số Nikke 225 tại Nhật Bản giảm 538,94 điểm (-2,69%), xuống 19.520,01 điểm. Hang Seng tại Hồng Kông giảm 267,34 điểm (-0,94%), xuống 28.133,00 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 34,96 điểm (-0,78%), xuống 4.441,66 điểm.
Trong ngày thứ Tư, thông báo phát đi sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày của Ủy ban Thị trường mở thuộc Fed (FOMC) cho biết, nền kinh tế Mỹ chậm lại trong quý đầu tiên, nhưng sự suy giảm có thể chỉ tạm thời. Trong khi báo cáo cho biết, thất nghiệp đang lạc quan. Báo cáo này khiến nhà đầu tư suy luận rằng, nó ủng hộ cho khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 6 và vì thế, đã mạnh tay bán ra, khiến giá vàng giảm. Khi ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật bị phá vỡ, lệnh dừng bán đã được kích hoạt, khiến giá kim loại quý này càng lao dốc. Giá vàng giao ngay giảm hơn 1,7%, trong khi giá vàng tương lai giao tháng 6 mất tới hơn 2%. Giá vàng giảm mạnh trong phiên thứ Năm bất chấp giá dầu thô lên mức cao nhất 4,5 tháng và đồng USD giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng. Trong khoảng hơn 1 tháng qua, giá vàng luôn có những dao động mạnh quanh ngưỡng 1.200 USD/ounce khi tâm lý nhà đầu tư trên thị trường này bị phụ thuộc quá nhiều vào những đồn đoán chính sách của Fed.
Kết thúc phiên 30/4, giá vàng giao ngay giảm 20,6 USD (-1,71%), xuống 1.184,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 27,6 USD/ounce (-2,28%), xuống 1.182,4 USD/ounce.
Dầu thô sau những rung lắc đầu phiên thứ Năm do ảnh hưởng của các thông tin kinh tế kém tích cực, đã nhanh chóng trở lại đà tăng của mình trong phiên cuối tháng Tư. Phiên tăng giá hôm thứ Năm cũng đánh dấu tháng tăng mạnh nhất trong 6 năm của dầu thô với mức tăng từ 20-25%. Giá dầu thô đã có chuỗi giảm mạnh liên tục từ tháng 6/2014 đến tháng 1/2015 do lo ngại dư thừa nguồn cung. Trong giai đoạn này, giá dầu thô đã mất hơn 60%, từ mức trên 110 USD/thùng, xuống dưới 50 USD/thùng.
Tuy nhiên, trong những phiên vừa qua, giá dầu thô đã hồi phục trở lại nhờ đồng USD yếu và lo ngại nguồn cung giảm trở lại.
Kho dự trữ dầu của Mỹ đã tăng lên đều đặn hàng tháng, nhưng đã bắt đầu chững lại trong những tuần gần đây khi sản xuất trong nước giảm và nhu cầu nhà máy lọc tăng. Hôm thứ Tư, dữ liệu Chính phủ cho thấy, lần đầu tiên sau 5 tháng, kho dự trữ dầu thô trung tâm tại Cushing, Oklahoma bị sụt giảm.
Một cuộc khảo sát của Reuters với 32 nhà phân tích cho thấy, đa số dự đoán giá dầu thô Brent sẽ ở mức trung bình 60 USD/thùng trong năm nay, tăng 80 cent so với khảo sát hồi tháng trước. Trong khi dầu thô tiêu chuẩn Mỹ ở mức 54,40 USD/thùng so với mức dự đoán 53,60 USD/thùng trước đó.
Kết thúc phiên 30/4, giá dầu thô Mỹ tăng 1,05 USD/thùng (+1,76%), lên 59,63 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,94 USD (+1,41%), lên 66,78 USD/thùng.